Thị trường chứng khoán điều chỉnh trở lại trong tuần giao dịch từ 7 - 11/6 khi tình trạng lỗi lệnh trên HoSE tiếp tục diễn ra cùng với đó là bảng giá của các công ty chứng khoán liên tục hiển thị không rõ ràng. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.351,74 điểm, tương ứng giảm 22,31 điểm (-1,6%) so với tuần trước. HNX-Index cũng giảm 13,07 điểm (-4%) xuống 316,69 điểm. UPCoM-Index giảm 1,66 điểm (-1,83%) xuống 88,93 điểm.
Thị trường điều chỉnh trong tuần qua trong bối cảnh đã số các nhóm ngành trụ cột đều suy giảm. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng không nằm ngoài xu thế chung. Thống kê khoảng 114 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt thì trong tuần qua chỉ có 38 mã tăng giá trong khi có đến 66 mã giảm.
Trong đó, DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh gây sự chú ý nhiều nhất cho nhà đầu tư khi giảm 12,3% chỉ sau một tuần giao dịch. Trong tuần, DXG có 4 phiên giảm liên tiếp (2 phiên giảm sàn) sau đó chỉ chịu tăng trần ở phiên thứ Sáu. Việc cổ phiếu DXG lao dốc được cho là đến từ thông tin công ty có kế hoạch phát hành thêm 207 triệu cổ phiếu trong đó có 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương ứng 38,59% lượng cổ phần đang lưu hành) và 7 triệu cổ phiếu ESOP. Giá phát hành riêng lẻ là giá đã chiết khấu 20% so với bình quân giá đóng cửa của cổ phiếu DXG trong 20 ngày giao dịch gần nhất, còn giá phát hành ESOP là 0 đồng.
Điểm đáng chú ý hơn là cuối giờ giao dịch phiên thứ Sáu, DXG có tờ trình thay đổi phương án phát hành cổ phiếu ESOP và cổ phiếu riêng lẻ trong nội dung họp ĐHĐCĐ thường niên 2021. Về phương án phát hành 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ, nguyên tắc xác định giá là giá đã chiết khấu 10 - 15%, bình quân giá đóng cửa của cổ phiếu DXG trong 20 ngày giao dịch gần nhất trước thời điểm HĐQT quyết định mức cụ thể nhưng không thấp hơn 20.000 đồng/cp. Về phương án phát hành 7 triệu cổ phiếu ESOP, giá phát hành mới được công bố là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đợt lao dốc của DXG, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc đã bán 690.000 cổ phiếu DXG từ ngày 3/6 đến 4/6 theo phương thức khớp lệnh. Sau giao dịch, ông Nguyễn Trường Sơn sở hữu 252.247 cổ phiếu, tương đương 0,049% vốn điều lệ.
Ba cổ phiếu dẫn đầu danh sách giảm giá ở nhóm cổ phiếu động sản là VHD của CTCP Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex, HD6 của CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà số 6 Hà Nội và V11 của CTCP Xây dựng số 11, tuy nhiên, cả 3 cổ phiếu này đều có thanh khoản rất thấp nên không quá chịu ảnh hưởng từ xu hướng thị trường chung.
Cổ phiếu BII của CTCP Louis Holdings cũng khiến không ít cổ đông phải “buồn” khi giảm 12,2% trong tuần qua. BII mới đây công bố Nghị quyết HĐQT thông qua đơn từ nhiệm của ông Đỗ Thành Nhân và giới thiệu 4 ứng viên để bầu bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ông Nhân không còn là thành viên HĐQT của Louis Holdings kể từ ngày 10/6, sau hơn 4 tháng tại nhiệm. Lý do được ông Nhân đưa ra là do kế hoạch công việc cá nhân.
Ở chiều ngược lại, “tân binh” BVL của CTCP BV Land tăng mạnh nhất nhóm bất động sản với 39,4%. BVL chỉ có duy nhất một phiên giao dịch hôm thứ Sáu do với lên giao dịch trên UPCoM nên biên độ dao động giá lên đến +/-40%. BVL hôm đó tăng trần (39,4%) lên 14.500 đồng/cp, nhưng khớp lệnh vỏn vẹn 2.000 đơn vị.
Tiếp sau đó là cổ phiếu TEG của CTCP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành với mức tăng 17,6%. Hiện tại, TEG đang giao dịch ở mức 17.400 đồng/cp, tương ứng gấp 3,3 lần so với cuối năm 2020.
Tiếp đến là cổ phiếu SCR của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín với mức tăng 16,2%. Thông tin được cho là giúp cổ phiếu SCR đi lên trong tuần qua là đến từ việc doanh nghiệp này công bố ước tính kết quả kinh doanh quý II. Cụ thể, doanh thu thuần của SCR quý II dự kiến đạt gần 750 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 172 tỷ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt gần 800 tỷ đồng, tương ứng thực hiện 53% kế hoạch ĐHĐCĐ đã thông qua và gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt hơn 210 tỷ đồng, thực hiện hơn 91% kế hoạch cả năm và gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, sự phân hóa đã diễn ra khá mạnh. PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong số 7 mã ở nhóm này với mức tăng 6,8%. Rạng sáng ngày thứ 7 theo giờ Việt Nam, quỹ ETF V.N.M đã công bố cơ cấu danh mục kỳ quý II trong đó PDR cùng 5 cổ phiếu Việt Nam khác được thêm vào. Dựa theo dữ liệu ngày 11/6, quỹ này có thể mua vào khoảng 3,8 triệu cổ phiếu PDR trong tuần giao dịch tới.
Bên cạnh đó, VHM của CTCP Vinhomes, NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va tăng lần lượt 1,4% và 1,8%. BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp không thay đổi giá so với tuần trước. Trong khi đó, VIC của Tập đoàn Vingroup, VRE của CTCP Vincom Retail và THD của CTCP Thaiholdings đều giảm giá./.