Mối quan tâm của người dùng tăng mạnh khi sáp nhập tỉnh
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, thị trường bất động sản đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về mức độ quan tâm tại nhiều khu vực sau khi chính thức sáp nhập tỉnh, thành từ ngày 1/7.
Dữ liệu thị trường của Batdongsan.com.vn cho thấy những điểm sáng đáng chú ý trên thị trường. Trong đó, Ninh Bình – Hà Nam là "cặp đôi" tăng trưởng ấn tượng khi Ninh Bình ghi nhận mức độ quan tâm tăng vọt 96%, Hà Nam cũng không kém cạnh với mức tăng khoảng 30%. Trước khi sáp nhập, hai tỉnh này sở hữu nhiều lợi thế tương đồng về diện tích, quy mô dân số và đặc biệt là hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt. Điều này đã đưa Ninh Bình và Hà Nam thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư từ tháng 3/2025, tức là sớm hơn 3-6 tháng so với thời điểm sáp nhập.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn
Bất động sản Đà Nẵng – Quảng Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, bất động sản Quảng Nam (cũ) dẫn đầu với mức tăng quan tâm lên tới 96%, bất động sản Đà Nẵng (trước sáp nhập) cũng ghi nhận mức độ quan tâm tăng 39%. Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhấn mạnh, sự phối hợp giữa cảng biển, sân bay và khu kinh tế mở cùng tầm nhìn trở thành "song sinh quốc tế" đã giúp khu vực này nổi bật, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cả về kinh tế biển, du lịch và dịch vụ.
Không kém phần sôi động, khu vực Bắc Ninh – Bắc Giang nhờ đòn bẩy công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng cũng tăng trưởng ấn tượng với mức độ quan tâm tăng lần lượt 43% và 83%. Các tuyến cao tốc, đường sắt và quy hoạch phát triển công nghiệp đang tạo đòn bẩy mạnh mẽ, giúp hai tỉnh này bứt phá.
Ngoài ra, phải kể đến sự tăng trưởng của tam giác siêu đô thị phía Nam. Sức hút bền vững của các tỉnh, thành phố cũ là TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục duy trì sức hút lớn khi đóng góp khoảng 25% GDP cả nước và 37% MBI (mức độ quan tâm đầu tư). Ba địa phương này cùng nhau hình thành trung tâm công nghiệp – cảng biển và trung tâm tài chính – dịch vụ, hứa hẹn sẽ tạo ra những tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản trong thời gian tới sau khi sáp nhập.
“Có thể thấy, sau sáp nhập, thị trường bất động sản Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư tại các khu vực giàu tiềm năng, đặc biệt là những nơi có lợi thế về hạ tầng, kinh tế và quy hoạch phát triển rõ rang”, ông Quốc Anh nhấn mạnh
Thị trường hình thành ba điểm rơi đáng chú ý
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Long - Phó tổng giám đốc Mai Việt Land cho biết, từ đầu năm đến nay, Mai Việt Land vẫn chủ yếu giao dịch trong khu vực nội đô. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi các thông tin liên quan đến sáp nhập tỉnh thành, chúng tôi cũng đã đón được ba điểm rơi thị trường rất đáng chú ý.
Thứ nhất là Hải Phòng – một thị trường có “sóng” rất tốt, đặc biệt là với nhà đầu tư đến từ Hưng Yên. Đây là khu vực có sự lan tỏa mạnh về dòng tiền.

Ông Nguyễn Văn Long - Phó tổng giám đốc Mai Việt Land
Thứ hai là cụm thị trường Bắc Giang – Bắc Ninh. Khi có chủ trương gộp Bắc Ninh vào Bắc Giang và đặt trụ sở tại Bắc Giang, thị trường đã xuất hiện sóng từ khá sớm, khoảng tháng 2 – tháng 3, chứ không phải đợi đến khi có quyết định chính thức mới khởi động. Tuy nhiên, sau khi thông tin sáp nhập được công bố thì thị trường bắt đầu đi ngang và trầm lắng hơn.
Thứ ba là Hà Nam – địa phương đang nhận được sự quan tâm lớn sau thông tin sáp nhập với Ninh Bình và sự phát triển của hạ tầng giao thông. Hà Nam hiện hội tụ nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển. Bên cạnh đó, nhu cầu giãn dân từ nội đô Hà Nội cũng đang tạo ra lực đẩy mạnh cho khu vực này, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang quá tải về y tế và giáo dục đại học.
Việc quy hoạch di dời một số bệnh viện và trường đại học khỏi nội đô khiến Hà Nam (cũ) trở thành địa phương có tiềm năng đón đầu rất rõ rệt. “Với tất cả các yếu tố trên, tôi đánh giá trong 2–5 năm tới, Hà Nam sẽ là một "vùng đất tiềm năng" khi giá trị bất động sản tại đây hiện vẫn còn rất rẻ. Không phải ngẫu nhiên mà một số ông lớn đã chọn Hà Nam để phát triển một đại đô thị quy mô rất lớn”, ông Long chia sẻ.