Aa

Sau "cơn lũ" tháng 4, cổ phiếu ngân hàng liệu có vực dậy?

Chủ Nhật, 06/05/2018 - 06:00

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vừa trải qua một đợt điều chỉnh rất sâu sau khi đã có khoảng thời gian tăng trưởng dài vượt bậc. Liệu rằng nhóm cổ phiếu này còn dư địa tăng giá sau những biến cố vừa xảy ra?

Sức hút từ "cổ phiếu vua"

Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian cuối năm 2017 và đầu năm 2018 đã chứng kiến một cơn sóng lớn đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhóm ngành được cho là 'cổ phiếu vua' đã có một thời gian giao dịch èo uột trước đó với việc giá cổ phiếu liên tục đi ngang trong thời gian dài thì bất ngờ nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư.

Giá cổ phiếu ngân hàng trong khoảng thời gian cuối năm 2017 đã có sự tăng trưởng vượt bậc, thậm chí, một số cổ phiếu còn tăng giá gấp đôi. Thanh khoản cổ phiếu từ mức vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên đối với những mã "hot" nhất ngành đã tăng lên hàng triệu. Thời điểm đó nhiều nhà đầu tư đã nghĩ đến việc có hay không việc "bong bóng" cổ phiếu ngân hàng.

Tuy nhiên, khoảng thời gian 3 tháng đầu năm 2018 đã đánh tan nghi ngờ này của nhà đầu tư. Trong số 15 cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sau quý đầu tiên của năm 2018 đã có đến 13 cổ phiếu tăng giá trong khi chỉ có 2 mã giảm. Đáng chú ý, mức tăng trưởng của nhiều cổ phiếu thậm chí còn lên đến trên 50% như VIB (75%), BID (70%), VPB (57%),. Với tỷ suất lợi nhuận lớn như vậy trong khoảng thời gian vỏn vẹn 3 tháng ở nhóm cổ phiếu vốn trước đó có thời gian 'ngủ đông' khá lâu là điều nhiều nhà đầu tư bất ngờ.

Thời điểm đó, cổ phiếu ngân hàng nổi lên như một hiện tượng mà gần như nhà đầu tư nào cũng muốn có trong danh mục của mình bởi diễn biến liên tục đi lên phá đỉnh của nhóm này.

Việc nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tục bứt phá là ngân tố quan trọng giúp các chỉ số chính của thị trường là VN-Index liên tục đi tìm đỉnh cao mới.

Lý giải cho sự tăng trưởng vượt bậc của nhóm ngân hàng thời gian này được vị lãnh đạo của một CTCK lớn đưa ra là nhờ vào sự khởi sắc của nền kinh tế cùng đà tăng của thị trường bất động sản. Các ngân hàng nhờ đó đã hầu như giải quyết cơ bản được vấn đề nợ xấu. Bên cạnh đó hoạt động kinh doanh của nhóm ngân hàng đã có sự tăng trưởng rất mạnh nên phản ảnh vào giá cổ phiếu. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn đưa ra mức kế hoạch cho năm 2018 với sự tăng trưởng vượt bậc cũng là động lực rất lớn giúp đẩy giá cổ phiếu. Trong khi đó, các cổ phiếu có mức tăng trưởng nhanh trong một thời gian dài lại cũng chính là nhóm cổ phiếu được ưa thích trên thị trường chứng khoán, đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhà đầu tư gồm cả tổ chức lẫn cá nhân.

Liệu có "bong bóng" cổ phiếu ngân hàng

Trong lúc còn đang say sưa với cơn sóng đi lên của thị trường nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng thì nhà đầu tư bất ngờ nhận một "gáo nước lạnh". Sau khi VN-Index vượt qua ngưỡng 1.200 điểm, thị trường bỗng nhiên đón nhận hàng loạt đợt sụt giảm mạnh với nhiều phiên VN-Index mất trên 3%. Nếu tính từ đỉnh 1.200 điểm đến hết tháng 4, VN-Index đã giảm hơn 154 điểm, tương ứng 12,8%.

Trong đó, ngân hàng lại là một trong những nhóm gây ra nhiều áp lực nhất đối với thị trường thời điểm đó. Tính riêng trong tháng 4, trong số 16 cổ phiếu ngân hàng giao dịch tại thị trường chứng khoán Việt Nam (tính cả tân binh TPB) thì có đến 14 cổ phiếu giảm giá, trong số này có 9 cổ phiếu giảm trên 10%.

Việc giảm quá sốc của nhóm cổ phiếu 'vua' đã khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang bởi trong khoảng thời gian này không có quá nhiều thông tin xấu đủ sức tác động mạnh như vậy đến nhóm cổ phiếu này. Ngoài ra, kết quả kinh doanh quý I/2018 của nhóm ngân hàng liên tục được đưa ra với mức tăng trưởng vượt bậc. 

Đa số các ngân hàng đều có kết quả lợi nhuận cao hơn năm ngoái. Trong đó, nhiều ngân hàng có tốc độ tăng trưởng trên 50%, thậm chí tính bằng lần. Không chỉ các ngân hàng lớn mà các ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng có lãi cao vượt bậc so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều lãnh đạo nhà băng cho biết ngay từ những tháng đầu năm đã có sự bứt phá, nhiều ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận tính theo lần so với cùng kỳ. 

Như vậy nguyên nhân nào khiến nhóm cổ phiếu này lao dốc mạnh như vậy chỉ trong thời gian ngắn ngủi là khoảng 1 tháng. Lý giải đơn giản nhất có lẽ là đến từ việc nhóm cổ phiếu ngân hàng trước đó đã có sự tăng trưởng rất mạnh trong thời gian dài, thị giá nhiều cổ phiếu đã tăng hơn gấp đôi. Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh được cho là đã phản ánh vào giá và dẫn đến tình trạng 'tin ra là bán'. 

Về vấn đề liệu rằng có 'bong bóng' ở nhóm chứng khoán, nhiều chuyên gia cho rằng mức tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2017 là không có gì bất thường nhờ vào sự tăng trưởng của về quy mô, doanh thu, lợi nhuận của nhóm này. Điều lo ngại lớn nhất có lẽ là việc trong những tháng đầu năm 2018, thị giá cổ phiếu ngân hàng tăng quá nhanh.

Tuy nhiên, vẫn đề này dường như đã được giải quyết khi nhóm ngành này vừa trải qua một đợt điều chỉnh khá sâu. Nhiều chuyên gia hay nhà đầu tư cũng cho rằng mặt bằng giá của nhiều cổ phiếu trên thị trường nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng đã dần vào vùng hấp dẫn.

Dư địa của nhóm ngân hàng vẫn có cơ sở tăng tiếp nhờ nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tín dụng được đẩy mạnh. Năm 2018 có thể là thời điểm ghi nhận kết quả vượt trội về thu hồi nợ xấu nhờ sự ra đời của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, giải quyết gần như toàn diện các vấn đề các TCTD gặp phải trong quá trình xử lý nợ cũng như thu hồi tài sản đảm bảo. Các khoản nợ bán cho VAMC sẽ được thu hồi đầy đủ; thu nhập từ tín dụng khả năng duy trì ổn định tại mức biên lợi nhuận (NIM) quanh 3%, một vài ngân hàng với nền tảng bán lẻ tốt hơn sẽ cải thiện được NIM; phí thu về từ đối tác với nhà cung cấp dịch vụ tài chính thứ 3 sẽ dẫn dắt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có nền tảng khách hàng gửi tiền lớn; cơ hội cho bancassurance đang được mở rộng và các ngân hàng được khuyến khích đa dạng hóa dịch vụ để giảm bớt tỷ lệ thu nhập tín dụng...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top