Aa

Sau một thập kỷ biến động, đất Đông Anh diễn biến ra sao trước loạt dự án mới?

Thứ Tư, 22/05/2024 - 06:00

Sau bao lần trồi sụt cùng sóng thị trường, mặt bằng giá bất động sản Đông Anh thời gian gần đây lại "dậy sóng" bởi thông tin loạt dự án mới sắp được triển khai.

 Loạt dự án "tạo sóng" mới, giá đất rục rịch tăng

Trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, thị trường đất nền ven đô ở huyện Đông Anh (Hà Nội) liên tục biến động với "sóng sau xô sóng trước" do liên tiếp đón nhận các thông tin về quy hoạch, hạ tầng, siêu dự án… Ngược dòng thời gian, giai đoạn 2014 - 2015, đất nền Đông Anh nổi sóng khi nhiều công trình giao thông lớn đi vào vận hành như cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù tuyến đường 5 kéo dài... Năm 2016, sóng đất nơi đây tiếp tục được đẩy lên khi đồ án Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài được công bố, các "ông lớn" bất động sản như: Sun Group, Vingroup, BRG, Becamex ITC " đổ bộ" vào Đông Anh với các dự án quy mô khủng…

Các tin vui này khiến đất Đông Anh giai đoạn 2016 - 2017 "nhảy múa". Đất Vĩnh Ngọc gần vòng xuyến, sát cầu Nhật Tân thời điểm đầu năm 2017 chạm mức 170 - 190 triệu đồng/m2, trong khi giá của 2 năm trước đó chỉ nhỉnh ngoài 100 triệu đồng/m2.

Đầu năm 2020, thị trường đất nền Đông Anh lại nổi sóng với thông tin phân khu quy hoạch sông Hồng. Tâm điểm của quy hoạch này là khu vực Tàm Xá - Xuân Canh (Đông Anh) với tỷ lệ xây dựng lớn nhất: khoảng 408ha. Thị trường bất động sản Đông Anh lại tiếp tục sôi sục.

Giai đoạn từ giữa năm 2022 đến giữa năm 2023, khó khăn của thị trường bất động sản xuất hiện sau loạt vụ sai phạm của các doanh nghiệp, việc thắt chặt tín dụng bất động sản đã "ngắt mạch" tăng giá của bất động sản Đông Anh.

Từ đầu năm 2024, giá bất động sản Đông Anh rục rịch tăng nóng khi có hàng loạt dự án được khởi động. Đơn cử như mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội đã có thông báo tìm các nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị thông minh - sinh thái tại huyện Đông Anh.

Sau một thập kỷ biến động, đất Đông Anh diễn biến ra sao trước loạt dự án mới?- Ảnh 1.

Cùng đà phục hồi của thị trường chung, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư có tiềm lực đang tích cực quay trở lại thị trường nhà đất Đông Anh để săn tìm các sản phẩm cắt lỗ hoặc có giá tốt. Ảnh: Di Anh.

Dự án có tổng số vốn đầu tư sơ bộ của dự án là 33.093 tỷ đồng, quy mô 268ha với số lượng căn hộ dự kiến khoảng 12.833 căn. Khi được hoàn thành, đây dự kiến là nơi định cư của khoảng 38.500 người. Dự án nằm trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, cũng như quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000, đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.

Trước đó, tháng 11/2023, Tập đoàn BRG (Việt Nam) đã công bố triển khai dự án thành phố thông minh Bắc Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư gần 4,2 tỷ USD trên tổng diện tích gần 272ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ, huyện Đông Anh.

Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội nằm tại huyện Đông Anh do liên danh Tập đoàn BRG (Việt Nam) với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) làm chủ đầu tư. Đây là một trong những dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Dự án được chia thành 5 giai đoạn, dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình vào quý IV/2032.

Trong đó, tòa Tháp 108 tầng dự kiến sẽ trở thành một trong những tòa nhà cao nhất Đông Nam Á, có diện tích xây dựng hơn 30.500m2 và có tổng diện tích sàn tầng nổi là hơn 320.000m2, là một siêu tổ hợp công trình hiện đại, mang tầm cỡ quốc tế tại vị trí cửa ngõ kết nối sân bay quốc tế Nội Bài và thành phố Hà Nội với nhiều chức năng như văn phòng, thương mại, khách sạn, du lịch… trở thành điểm nhấn về cảnh quan đô thị, góp phần thúc đẩy nền kinh tế và mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư và trở thành biểu tượng cho sự phát triển của Hà Nội và Việt Nam.

Không chỉ vậy, vào ngày 15/5/2024, tại kỳ họp thứ 16, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025. Theo tờ trình từ nay đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu đưa huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận. Cùng với đó, hạ tầng giao thông của huyện Đông Anh ngày càng được đầu tư hiện đại. Cụ thể, dự án đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh, với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đã phê duyệt đầu tư nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn khác tại Đông Anh: Xây dựng tuyến đường gom quốc lộ 3 đi qua xã Vân Hà đến hết địa phận Đông Anh (278 tỷ đồng); xây dựng tuyến đường LK51 đoạn từ quốc lộ 3 mới đến đường Uy Nỗ; xây dựng tuyến đường LK53 đoạn từ đường kinh tế miền Đông đến hết địa phận huyện Đông Anh; xây dựng tuyến đường LK47 Nam Hồng - Tiên Dương; đặc biệt, là dự án xây dựng tuyến đường từ đường sắt Hà Nội - Lào Cai đến khu công nghiệp Đông Anh.

Sắp tới, Hà Nội cũng xây 3 cây cầu vượt sông Hồng gồm Tứ Liên, Thượng Cát và cầu Thăng Long mới, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của huyện Đông Anh.

Trước những thông tin tích cực nêu trên cùng đà phục hồi của thị trường chung, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư có tiềm lực đang tích cực quay trở lại thị trường nhà đất Đông Anh để săn tìm các sản phẩm cắt lỗ hoặc có giá tốt.

Anh Vũ Tuấn Anh, một số môi giới bất động sản tại huyện Đông Anh cho biết, từ sau khi có thông tin huyện Đông Anh chuẩn bị lên quận hay các tuyến đường cây cầu sẽ được xây dựng thì nhiều mảnh đất đẹp ở một số xã như: Hải Bối, Xuân Canh, Vân Nội, Vĩnh Ngọc, Uy Nỗ đã tăng từ 10 - 20 triệu đồng/m2 (dao động từ 60 - 90 triệu đồng/m2).

Một số mảnh đất ở thôn Phương Trạch (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh), liền kề dự án thành phố thông minh đang được nhiều người rao bán với mức giá từ 100 - 250 triệu đồng/m2.

"Giá đất nền ở Đông Anh đang có sóng sốt trở lại sau thời gian dài cắt lỗ, giảm giá. Hiện, giá đã tăng 10-15% so với thời điểm đầu năm 2024. Tuy nhiên, so với thời điểm sốt, mức giá hiện tại vẫn thấp hơn 10-15%", anh Tuấn Anh cho hay.

Đất đấu giá: "Miếng bánh ngon"?

Phân khúc đất nền đấu giá tại Đông Anh thời gian qua được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo thông tin từ các đơn vị môi giới, các nhà đầu tư, hầu hết đều bày tỏ sự háo hức trước việc Đông Anh chuẩn bị lên quận và việc tham gia đấu giá đất tại đây được xem là hành động đón đầu sóng đầu tư.

Thực tế, sau thời gian dài trầm lắng, hoạt động đấu giá nói chung, đấu giá đất nền nói riêng bắt đầu nóng trở lại tại các khu vực có câu chuyện riêng (chuẩn bị thành lập quận, có dự án hạ tầng lớn…).

Đơn cử như hồi tháng 3/2024, UBND huyện Đông Anh lên kế hoạch tổ chức đấu giá 72 thửa đất thuộc dự án Xây dựng Hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất xã Thụy Lâm. Theo đó có những lô đất giá khởi điểm vào khoảng 4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại phiên đấu giá này, anh Nguyễn Tất Thái, một nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho biết đã sang tay kiếm lời được từ mảnh đất đã đấu giá. Cụ thể, mảnh đất của anh Thái có diện tích hơn 75m2 đã được đấu trúng với mức giá 55,5 triệu đồng/m2, tương đương hơn 4,2 tỷ đồng. Ngay sau khi kết thúc buổi đấu giá, anh Thái đã thỏa thuận sang tay cho người khác với giá 4,5 tỷ đồng, chênh 300 triệu đồng so với mức giá trúng.

Theo anh Thái, nhà đầu tư thứ cấp vẫn có cơ hội kiếm lời với sản phẩm đất nền đấu giá, vì khu đấu giá đang được làm hạ tầng (hạ tầng làm sau khi đấu giá) nên giá đất sẽ còn tăng tiếp.

"Hiện tại, có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thị trường đất nền Đông Anh, chủ yếu mua với nhu cầu đầu tư chờ tăng giá, nhất là sau khi huyện này chính thức được lên quận", anh Thái nói.

Ngoài ra, việc khởi công dự án Thành phố thông minh cùng thông tin thành lập quận Đông Anh đang khiến giá đất tại đây "nóng" trở lại. Tương lai, rất có thể, giá bán sản phẩm tại dự án Thành phố thông minh sẽ cao hơn cả các đại đô thị ở Gia Lâm, Hưng Yên, cho nên đất nền quanh dự án được bán ở mức cao là điều dễ hiểu. Do đó, nhà đầu tư có tiềm lực mạnh có thể tham gia thị trường lúc này.

Sau một thập kỷ biến động, đất Đông Anh diễn biến ra sao trước loạt dự án mới?- Ảnh 3.
Sau một thập kỷ biến động, đất Đông Anh diễn biến ra sao trước loạt dự án mới?- Ảnh 4.

Một phiên đấu giá đất đầu năm 2024 tại Đông Anh thu hút nhiều nhà đầu tư, người mua thực. Ảnh: Di Anh.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội phân tích, từ đầu năm nay, tình hình đấu giá đất ở ven Hà Nội diễn ra sôi động với nhiều dự án và thửa đất được đưa ra đấu giá. Các quận, huyện như Đông Anh, Cầu Giấy, Hoài Đức, Long Biên và nhiều nơi khác đã công bố các kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội.

Điều đó cho thấy, sau những sự cố của công tác này, hầu hết các địa phương đã siết chặt quy chế đối với những hồ sơ tham gia đấu giá, như ở Hà Nội đã tăng tiền đặt cọc từ 5% lên 20% giá khởi điểm lô đất đấu giá; TP.HCM cũng yêu cầu người dân, doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu giá phải ký quỹ 20% giá khởi điểm, nộp 50% tổng giá trị trong thời hạn 1 tháng và 50% còn lại trong 90 ngày... cũng khiến nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư lướt sóng phải chùn bước.

Ở giai đoạn thị trường thắt chặt pháp lý như hiện nay, việc lướt sóng bán chênh khó nên nhà đầu tư cũng không tham gia nữa. Trong tương lai, ông Điệp cho rằng, đất đấu giá sẽ là sản phẩm dẫn dắt thị trường đất nền trong năm 2024.

Riêng với thị trường Đông Anh, ông Điệp cho rằng: "Quỹ đất Đông Anh còn rộng, các dự án vẫn đang ở dạng chuẩn bị khởi công, được phê duyệt quy hoạch… Do đó, chỉ cần có thông tin mới về dự án thì đều khiến cho thị trường bất động sản ở khu vực này sôi động. Các sản phẩm nhà đầu tư ưa chuộng tại Đông Anh chủ yếu vẫn là đất nền dự án, đất nền đấu giá, đất nền của người dân. Về giá cả, với sự vận động theo chu kỳ của thị trường bất động sản nói chung, bất động sản Đông Anh cũng sẽ chỉ đi ngang hoặc tăng giá, rất khó để giảm giá bán. Cơ hội tại khu vực này vẫn là dành nhà đầu tư có vốn lớn, đầu tư lâu dài, không sử dụng đòn bẩy tài chính".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top