Aa

Sẽ hoàn thành sửa chữa mặt cầu Thăng Long, thông xe vào cuối năm 2020

Thứ Tư, 04/11/2020 - 10:00

Dự án sửa chữa cầu Thăng Long (Hà Nội) được chính thức thi công từ ngày 16/8 và sẽ hoàn thành thông xe vào cuối năm 2020 theo đúng kế hoạch.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ hoàn thành sửa chữa và thông xe trước 31/12/2020 đúng theo kế hoạch.

Theo báo cáo về tiến độ sửa chữa mặt cầu Thăng Long của Tổng cục Đường bộ, hiện hạng mục đinh neo đã hàn được gần 850.000 trong tổng số hơn 1,4 triệu đinh neo phải hàn, đạt 60% tiến độ.

Công nhân tiến hành hàn đinh neo để tạo liên kết giữa bản mặt thép hiện tại và bê tông siêu tính năng UHPC nhằm tăng cường kết cấu chịu lực của mặt cầu Thăng Long. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Đối với hạng mục cốt thép đã thi công 445/775 tấn đạt gần 60% kế hoạch; diện tích bê tông UHPC đã đổ là hơn 13.800m2 trong tổng số hơn 27.700m2; hạng mục đổ bê tông siêu tính năng UHPC đã đổ 1.860/3.200m. Hệ thống lan can cầu sau nhiều năm đã gỉ sét cũng được làm sạch sau đó gia cố thêm chân đỡ.

Đến thời điểm này, tổng giá trị thực hiện là hơn 116 tỷ đồng, đạt hơn 50% giá trị hợp đồng. Tổng giá trị giải ngân hơn 124/244 tỷ đồng, đạt 51% giá trị hợp đồng và trên 70% kế hoạch năm.

Theo kế hoạch, từ ngày 20/11 - 25/12, các đơn vị thi công sẽ hoàn thành lớp dính bám và thảm bê tông nhựa với khối lượng hơn 27.000m2; đến ngày 14/12 sẽ hoàn thành đổ hơn 2.000m3 bê tông siêu tính năng toàn bộ mặt cầu.

“Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ hoàn thành thông xe trước 31/12 đúng theo kế hoạch. Khi hoàn thành sẽ kết nối với đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long,” ông Huyện nhấn mạnh.

Quá trình sửa chữa mặt cầu Thăng Long bao gồm các hạng chủ yếu như cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép và sơn chống rỉ; hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép; lắp đặt lưới thép; đổ bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ chịu nén 120MPa dày tối thiểu 6cm; tạo nhám và thi công lớp dính bám sau đó phủ mặt cầu bằng bê tông nhựa polyme dày 4cm.

Với những giải pháp này, sau khi được sửa chữa (theo kết quả tính toán và thí nghiệm trên mô hình) độ cứng của bản mặt cầu đã tăng tối thiểu 3 lần.

“Giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long sử dụng công nghệ lõi của châu Âu, do đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trong nước làm chủ các nội dung chủ yếu của công tác thiết kế, thi công. Toàn bộ quá trình nghiên cứu đề xuất giải pháp sửa chữa và tiến hành thi công đều được thực hiện bởi tư vấn và nhà thầu xây dựng trong nước với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kết cấu, vật liệu trong nước, không phải nhận chuyển giao công nghệ từ bất cứ quốc gia nào,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ quả quyết.

Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải) cho biết lần sữa chữa này của Tổng cục chắc chắn công trình tồn tại ít nhất trên 10 năm bởi kết cấu được thực hiện bằng các giải pháp khoa học và kỹ thuật mới và có độ bền tốt nhất./.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 240 tỷ đồng, được chính thức khởi công và bắt đầu thi công từ ngày 16/8.

Trước đó, mặt cầu Thăng Long đã được sửa chữa lớn năm 2009; giai đoạn 2012-2013 cũng được thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bêtông nhựa bằng công nghệ của Mỹ, nhưng nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị quản lý đường bộ cũng thực hiện sửa chữa cục bộ.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top