Aa

Số phận đất "vàng" cạnh Hồ Tây của UDIC sắp được định đoạt

Chủ Nhật, 24/06/2018 - 14:01

Số phận đất "vàng" cạnh Hồ Tây của UDIC sắp được định đoạt; 26 biệt thự giữa Thủ đô xây xong mới xin phép: "Chạy theo" công trình vi phạm?; Hà Nội ngừng cấp điện, nước cho dự án Discovery Complex; Tiêu chí chọn nhà của “thượng đế” thời nay; ... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Số phận đất "vàng" cạnh Hồ Tây của UDIC sắp được định đoạt

Trong văn bản vừa được lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội gửi HĐND TP đã trả lời kiến nghị của cử tri quận Tây Hồ liên quan đến khu đất “vàng” tại địa chỉ ngõ 282 đường Lạc Long Quân.

Theo cử tri quận Tây Hồ, người dân hoan nghênh UBND Thành phố đã quan tâm chỉ đạo giải quyết nguyện vọng của cử tri phường Bưởi về việc dành khu đất tại 282 đường Lạc Long Quân để xây dựng trường mầm non công lập. Đồng thời, đề nghị UBND Thành phố sớm ban hành quyết định thu hồi và giao đất cho UBND quận Tây Hồ thực hiện xây dựng trường mầm non công lập đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Lý giải của UBND TP Hà Nội, ngày 07/02/2018 Thành phố có văn bản số 585 giao UBND quận Tây Hồ khẩn trương đầu tư xây dựng trường mầm non công lập tại ngõ 282 đường Lạc Long Quân bằng nguồn vốn ngân sách theo quy định nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn.

Số phận đất ‘vàng’ cạnh Hồ Tây của UDIC sắp được định đoạt.

Số phận đất "vàng" cạnh Hồ Tây của UDIC sắp được định đoạt.

Để có cơ sở trình UBND TP thu hồi đất và giao đất cho UBND quận Tây Hồ thực hiện dự án xây dựng trường mầm non, Hà Nội yêu cầu UBND quận Tây Hồ, lập dự án đầu tư xây dựng trường mầm non tại 282 Lạc Long Quân trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở cập nhật vào danh mục các dự án thu hồi đất trình UBND Thành phố thông qua HĐND và cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm quận Tây Hồ. Đồng thời, lập thẩm định phương án bồi thường GPMB làm cơ sở báo cáo Sở TN&MT trình Thành phố thu hồi đất theo quy định….

Khu đất tại ngõ 282 đường Lạc Long Quân (phường Bưởi, quận Tây Hồ), trước đây có diện tích khoảng 3.599m2, sau đó được chia thành 2 khu; Khu số 1 có diện tích gần 1.000m2 đã được đầu tư sân chơi thể thao, sân chơi trẻ em, cây xanh và bàn giao năm 2010 cho UBND phường Bưởi quản lý và sử dụng.

Xem chi tiết tại đây.

Tiêu chí chọn nhà của “thượng đế” thời nay

Từ xa xưa, yếu tố “nhất cận thị, nhì cận giang, tam cận lộ” dường như là “tiêu chí vàng” để lựa chọn chốn an cư của người dân. Trong đó, “cận thị” trước được hiểu là có vị trí nằm gần chợ, nhưng ngày nay, đã ám chỉ tới các đô thị lớn, các trung tâm sầm uất.

Dù hiểu theo nghĩa rộng hay hẹp, thì tiêu chí này đều muốn đề cập đến tính tiện ích, bởi khi sống gần trung tâm, sẽ dễ dàng tiếp cận với các tiện nghi cuộc sống hiện đại như trung tâm mua sắm, cơ sở y tế, giáo dục, trung tâm văn hóa, vui chơi và giải trí…

Tiêu chí lựa chọn mua nhà hiện nay của khách hàng không chỉ là vị trí, mà còn nhiều yếu tố khác, đặc biệt là không gian sống.

Tiêu chí lựa chọn mua nhà hiện nay của khách hàng không chỉ là vị trí, mà còn nhiều yếu tố khác, đặc biệt là không gian sống.

Còn yếu tố “cận giang” là vị trí nhà gần sông. Không chỉ ngày xưa, hiện nay, các căn nhà, hay dự án gần sông cũng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người mua. Bởi ở góc độ phong thuỷ, yếu tố “nước” rất quan trọng, giúp mang lại vận khí tài lộc và tiền bạc cho gia chủ. Những ngôi nhà có dòng sông uốn quanh mang lại năng lượng tích cực, không chỉ giúp gia chủ thuận đường phát triển, mà còn giúp có được cuộc sống an lành, đường con cái thuận lợi, sức khỏe và tinh thần tráng kiệt.

Còn yếu tố thứ ba “cận lộ” cũng không kém phần quan trọng. Bởi nếu sở hữu vị trí gần đường, sẽ mang lại những thuận lợi trong việc lưu thông dễ dàng, thuận lợi cho việc kinh doanh, buôn bán…Là nơi xe cộ qua lại tấp nập, dễ dàng cập nhật những xu hướng mới và nắm bắt nhanh bất cứ biến động nào của thị trường.

Xem chi tiết tại đây.

Hà Nội ngừng cấp điện, nước cho dự án Discovery Complex

Tổng công ty Điện lực thành phố đã chỉ đạo Công ty Điện lực Cầu Giấy giám sát chủ đầu tư thực hiện việc hoàn thành việc nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đối với công trình đúng thời hạn cam kết, đồng thời có kế hoạch rà soát, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc chấp hành nghiêm các chỉ đạo của UBND và HĐND thành phố về phòng cháy chữa cháy trong việc cấp điện cho công trình.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội kiểm tra và phát hiện công trình này còn tồn tại nhiều nội dung không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, chưa đủ điều kiện để cấp văn bản xác nhận nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định. 

Tuy nhiên, chủ đầu tư đã đưa một số hộ dân vào ở, vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo Điều 17 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, mất an toàn.

Xem chi tiết tại đây.

4 lý do bất động sản công nghiệp Việt Nam tăng nhiệt

Những ưu đãi thuế quan và chi phí gia công thấp là một trong những yếu tố khiến Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, các công ty sản xuất và các chuỗi cung ứng nước ngoài. Điều này thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong ngành công nghiệp nói chung và logistics nói riêng.

So với các nước trong khu vực, tuy vẫn còn khá non trẻ, ngành công nghiệp Việt Nam đang dần dần tiến sang giai đoạn tăng trưởng hơn trong quy trình "tiến hóa” của thị trường công nghiệp. Các cơ hội phát triển trong ngành này đang ngày càng hiện rõ hơn khi mà các nhu cầu về sản phẩm đang dần chuyển dịch từ sản phẩm cơ bản sang các sản phẩm có giá trị thặng dư.

Đơn vị tư vấn khảo sát này kỳ vọng, khi Việt Nam dịch chuyển từ một thị trường cần nhiều lao động thô sang một thị trường cần nhiều vốn và giá trị thặng dư thì bất động sản công nghiệp, hậu cần cũng sẽ thay đổi một cách tích cực.

Theo kế hoạch phát triển, đến 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ tăng gấp đôi quy mô thị trường hiện tại. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực đầy tiềm năng này là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.

Xem chi tiết tại đây.

26 biệt thự giữa Thủ đô xây xong mới xin phép: "Chạy theo" công trình vi phạm?

Sau nhiều tháng dù quá thời hạn tối đa trên thay vì tiến hành tháo dỡ, cưỡng chế theo quy định, ngược lại 26 biệt thự không phép trên vẫn tồn tại.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với VietNamNet, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (trước đó là Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, Nghị định 180/2007/NĐ-CP), tất cả các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng (như xây dựng không phép; sai phép; sai thiết kế, sai quy hoạch xây dựng được phê duyệt hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng) phải được xử lý.

Trong khi đó, thông tin mới nhất liên quan đến 26 biệt thự không phép này, theo một nguồn tin của VietNamNet, đến nay các công trình đã được cấp giấy phép xây dựng.

Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Phạm Sỹ Liêm Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, vấn đề cần nhìn nhận là việc xây dựng đâu phải là chuyện làm xong trong một, hai ngày. Vậy tại sao lại xây dựng được như vậy?

“Thẳng thắn mà nói ở đây không phải chỉ là trách nhiệm của chủ đầu tư mà còn có trách nhiệm của chính quyền. Sao lại chỉ xử lý trách nhiệm của người chủ đầu tư. Chính quyền, các cơ quan chức năng lập ra là để giám sát pháp luật. Chủ đầu tư sai phải xử lý nhưng chính quyền ở đấy cũng phải xử lý. Thế mới đúng và công bằng” – ông Liêm nói.

Xem chi tiết tại đây.

Quảng Ninh muốn làm khu kinh tế ven biển Quảng Yên, Bộ Kế hoạch lo không có tiền

UBND tỉnh Quảng Ninh đã có tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất thành lập khu kinh tế ven biển Quảng Yên và xin bổ sung khu kinh tế này vào Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam.

Theo hồ sơ đề án của tỉnh Quảng Ninh, khu kinh tế ven biển Quảng Yên được hình thành trên cơ sở 4 khu vực, gồm: khu phức hợp đô thị, công nghiệp, công nghệ cao tại thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên; khu dịch vụ cảng biển, công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc; khu công nghiệp Đông Mai; khu vực kết nối 2 khu vực trên với tổng diện tích là 14.630 ha (trong đó, 2.690 ha thuộc thành phố Uông Bí và 11.940 ha thuộc thị xã Quảng Yên).

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô của khu kinh tế Quảng Yên hiện vẫn còn chưa rõ ràng. Bởi theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 65/TB-VPCP thì quy mô khu kinh tế tại thị xã Quảng Yên chỉ bao gồm: khu công nghiệp – dịch vụ Đầm Nhà Mạc và khu đô thị công nghiệp công nghệ cao Sông Khoai.

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý là theo Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 13/2/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) của tỉnh Quảng Ninh thì UBND tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng về quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2015 và định hướng tới năm 2020 nhưng xem xét đảm bảo không thực hiện triển khai khu công nghiệp trên khu vực đang tranh chấp giữa tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng (tức khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc).

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top