Theo đó, tại văn bản báo cáo về Dự thảo, Bộ Tài chính nhấn mạnh, chính sách hồi tố năm 2017, 2018 có thể tạo cơ chế xin - cho, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 152 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, hiệu lực trở về trước (hồi tố) của văn bản quy phạm pháp luật được quy định như sau: “1. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, các nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước,”.
Qua rà soát, Bộ Tài chính thấy dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 điều chỉnh đối với một nhóm đối tượng có chi phí lãi vay vượt quá mức khống chế, không phải là lợi ích chung của xã hội. Vì vậy, việc áp dụng hồi tố cần được cân nhắc.
Thứ hai, về mặt bằng chính sách quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 hiện hành có khác so với mặt bằng dự thảo Nghị định, không chỉ có nội dung điều chỉnh mức khống chế từ 20% lên 30% mà còn cho phép tính lãi thuần (chi phí lãi trừ đi tiền gửi, lãi cho vay). Nếu tính lại theo mặt bằng dự thảo Nghị định thì phải bồi hoàn cho người nộp thuế. Có thể trường hợp số thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) thấp hơn số bồi hoàn.
Thứ ba, các khoản thu năm 2017, 2018 đã được đưa vào quyết toán NSNN, Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận, nay nếu tính lại thì phải sử dụng NSNN để hoàn thuế. Trong khi đó, dự toán NSNN năm 2020 mà Quốc hội phê duyệt không có khoản này. Theo đánh giá sơ bộ của Tổng cục Thuế, đối với các doanh nghiệp đã tuân thủ kê khai, năm 2017 số chi phí lãi vay được từ tăng 10.336 tỷ đồng (tương đương số thuế vay được trừ tăng 14.041 tỷ đồng (tương đương số thuế thu nhập doanh nghiệp phải hoàn là 2.808 tỷ đồng).
Số liệu này chưa bao gồm số tiền lãi tương ứng từng kỳ quyết toán đến nay và không bao gồm các doanh nghiệp cố tình không tuân thủ kê khai chí phí lãi vay và số thuế phải nộp chỉ được phát hiện, truy thu qua thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới. Với tổng số kinh phí phải hoàn trả 4.875 tỷ đồng, hiện chưa có nguồn để thanh toán.
Thứ tư, có ý kiến cho rằng đây là số thuế nộp thừa nên có thể hoàn trả doanh nghiệp bằng cách khấu trừ vào tiền thuế phải nộp năm tiếp theo. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 37, 40, 47 và 48 của Luật quản lý thuế, số thuế nộp thừa là số thuế cơ quan thuế ấn định thừa hoặc số thuế doanh nghiệp bị tính thừa chứ không phải số thuế tăng do thay đổi chính sách. Vì vâỵ, không vận dụng được quy định hoàn nộp thừa trong trường hợp này nếu cho áp dụng hồi tố và sẽ tạo cơ chế không minh bạch, rõ ràng, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế, quản lý cán bộ của ngành thuế.
Thứ năm, công tác quản lý thuế đối với giao dịch liên kết được thực hiện trong tất cả các đơn vị trong ngành thuế (từ Tổng cục Thuế đến các Cục, Chi cục thuế). Trường hợp hồi tố đối tượng được hoàn thuế lên đến hàng nghìn doanh nghiệp (theo số liệu các doanh nghiệp đã kê khai của ngành thuế, năm 2017 là 1.034 doanh nghiệp, năm 2018 là 1.093 doanh nghiệp) do đó có thể sẽ tạo ra cơ chế xin cho phức tạp trong quy trình quản lý và không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện.
Qua quá trình rà soát Luật Thanh Tra, Bộ Tài chính thấy đối với các doanh nghiệp ngành thuế đã xử lý truy thu qua thanh, kiểm tra nếu cho điều chỉnh kê khai xác định lại chi phí lãi vay được trừ theo phương án hồi tố thì việc kiểm soát số liệu sẽ chủ yếu phụ thuộc vào tính tự giác tuân thủ của doanh nghiệp. Việc kiểm soát chính xác số liệu kê khai sẽ gặp nhiều khó khăn vì nếu muốn xác định chính xác số liệu thì cần phải tổ chức kiểm tra nội dung điều chỉnh kê khai tại trụ sở doanh nghiệp nhưng cơ quan thuế chỉ được tiến hành thanh tra lại khi người kết luận thanh tra phát hiện ra sai lầm, vi phạm pháp luật cụ thể trong tiến hành hoạt động thanh tra hoặc cơ quan, người có thẩm quyền khác phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng làm sai lệch bản chất vụ việc.
Mặt khác, việc hồi tố sẽ dẫn đến thủ tục phải hoàn thuế cho hàng nghìn doanh nghiệp nếu không xác định được số thuế phải nộp, số thế phải hoàn qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì dễ dẫn đến tiêu cực.
Trên cơ sở các nội dung báo cáo như trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định không cho hồi tố.
Trước đó, Reatimes đã có hàng loạt bài viết ghi nhận ý kiến của các chuyên gia về sự cần thiết của việc hồi tố và phản biện về những lập luận không thuyết phục nêu trên của Bộ Tài chính.
Thực tế, trong tờ trình đầu tiên, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất cho hồi tố đối với năm 2017 và 2018 để gỡ khó cho doanh nghiệp và nuôi dưỡng nguồn thu nhưng không hiểu vì lý do gì, Bộ lại bỏ điều khoản này ra khỏi Dự thảo Nghị định và “kiên định” với quan điểm không hồi tố, gần như bỏ ngoài tai các ý kiến đóng góp của giới chuyên gia và các bên liên quan. Chẳng lẽ vì Bộ Tài chính không tự tin có thể quản lý được tiêu cực nên né tránh trách nhiệm?
Về lập luận hồi tố sẽ tạo cơ chế xin cho, phức tạp trong quy trình quản lý, phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện, rõ ràng điều này thể hiện sự e ngại của Bộ Tài chính về năng lực quản lý. Nếu coi đây là lý do để không cho phép hồi tố thì dư luận sẽ đặt ra câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của Bộ Tài chính và ngành thuế trong công tác quản lý thuế. Bộ Tài chính không thể thấy khó quản lý mà không làm, trách nhiệm của Bộ Tài chính là phải đảm bảo năng lực quản lý để có thể kiểm soát vấn đề này.
"Đây là vấn đề thuộc về năng lực, nghiệp vụ của các chuyên viên ngành thuế, không thể lấy nó làm cái cớ để không thực hiện. Không lẽ Bộ Tài chính “ngại khó”, “sợ phức tạp” mà bỏ mặc lợi ích của doanh nghiệp?
Việc sửa đổi Nghị định 20 trong đó có cho phép hồi tố là vấn đề có tính cấp thiết, ảnh hưởng đến năng lực kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản và sức khỏe của ngành tài chính trong thời gian tới nên thiết nghĩ Bộ Tài chính cần xem xét lại, không thể "tham bát bỏ mâm", vì cái an nhàn trước mắt mà gây ra hệ lụy về sau", PGS.TS Doãn Hồng Nhung phân tích.
Theo vị chuyên gia, Bộ Tài chính cần có góc nhìn khách quan và sáng suốt, không nên lảng tránh, chần chừ. Cần tiếp thu và tôn trọng ý kiến đồng thuận của các thành viên Chính phủ, Bộ Tư pháp và các chuyên gia trong ngành tài chính. Việc sửa đổi là rất cấp thiết khi đến nay đã quá thời hạn quyết toán thuế của năm 2019 (31/3/2020):
"Sự sống còn của doanh nghiệp đang phụ thuộc vào quyết định linh hoạt, quyết liệt và kịp thời của Bộ Tài chính để đẩy nhanh tiến độ thực thi pháp luật trong thực tiễn. Một khi đã sửa thì phải sửa triệt để, không thể nửa vời. Đừng để “sự đã rồi” dẫn đến hậu quả không còn cơ hội để sửa".
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, nếu cứ trên sổ sách mà đối chiếu thì không thể có việc xin cho:
“Số thuế từng doanh nghiệp đã nộp mỗi năm không thể sửa lại vì đã lưu vào sổ sách kế toán, nộp cho Nhà nước. Việc khấu trừ, bồi hoàn trên là sự điều chỉnh chung với các doanh nghiệp chứ không phải là ưu đãi theo từng trường hợp cụ thể nào. Điều này rất khách quan nên chúng ta không sợ xin cho. Chúng ta không nên tư duy đẩy cái khó, cái khổ về phía doanh nghiệp được. Rõ ràng công tác quản lý thuộc về các cơ quan nhà nước còn việc bồi hoàn cho doanh nghiệp là việc cần phải thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Còn theo chuyên gia tài chính quốc tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nếu cơ quan quản lý Nhà nước đã nhận ra mức chi phí lãi vay đưa ra trước đó (20%) là chưa hợp lý thì việc sửa là đương nhiên. Thế nhưng đã sửa thì sửa tận gốc, triệt để tức là phải có hồi tố. Việc khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hàng năm giúp ngân sách không cần phải thu xếp ngay một khoản tiền lớn nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.
"Việc hồi tố khoản thuế đặc biệt có ý nghĩa với các doanh nghiệp trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang đẩy rất nhiều doanh nghiệp vào khó khăn, thậm chí không ít doanh nghiệp lớn cũng lâm vào tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội. Nghị định 20 được sửa đổi và khoản tiền gần 5000 tỷ sẽ là nguồn hỗ trợ quý báu cho các doanh nghiệp".
Về vấn đề này, theo các chuyên gia luật và kinh tế, có thể thực hiện rất dễ dàng bằng việc khấu trừ dần vào khoản thuế doanh nghiệp sẽ nộp các năm tiếp theo. Khi đó, việc hồi tố sẽ hoàn toàn không tạo áp lực lên ngân sách.
Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, trong trường hợp này, số tiền thuế đã nộp có thể được hiểu là “số tiền thuế do cơ quan thuế ấn định thừa hoặc số tiền thuế doanh nghiệp bị tính thừa” nên có thể vận dụng các điều quy định tại Luật quản lý thuế hiện hành.