Aa

Sóng nước Bình Than…

Chủ Nhật, 03/05/2020 - 07:00

Vua tôi một lòng. Tướng sỹ quyết chiến. Quân dân cả nước kết thành một khối. Có lẽ đó là nguyên nhân căn bản để Đại Việt triều Trần làm nên chiến thắng vẻ vang lừng lẫy ba lần đánh tan quân Nguyên Mông.

Tháng 10/1282 (Âm lịch), đức vua Trần Nhân Tông triệu tập các vương hầu về bến Bình Than họp để bàn việc chống quân Nguyên. Bởi khi đó Hốt Tất Liệt đã bình định xong Trung Hoa, y đang cho tập trung quân mã, đóng chiến thuyền chuẩn bị cho cuộc chinh chiến lần thứ hai sang Đại Việt. Cuộc chiến lần thứ nhất của chúng đã bị quân dân nước ta đánh cho đại bại với trận Đông Bộ Đầu lịch sử. “Vó ngựa Mông Cổ phi đến đâu, cỏ nơi đó không mọc nổi!”. Những tên giặc Thát trước khi vào nước ta đã huênh hoang như thế. Để rồi mùa xuân năm 1258 đã phải âm thầm ôm đầu máu dắt díu nhau lủi về bên kia biên giới.

Nhưng sau hơn hai mươi năm, Mông Thát đã trở thành đế quốc Nguyên Mông cường thịnh lớn nhất thế giới bấy giờ với lãnh thổ trải dài từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu. Chúng vẫn chưa nuốt trôi được mối hận thua trận nhục nhã năm xưa. Chúng quyết "làm cỏ" quân dân Đại Việt để trả thù. Đứng trước tình thế nguy nan, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và đức vua Trần Nhân Tông quyết chiến. Thế nhưng trong các vương hầu tông thất của nhà Trần không thiếu những kẻ bàn lùi. Hai ngài cho triệu tập hội nghị Bình Than để khẳng định quyết tâm đánh giặc giữ nước. Tại hội nghị này đã bàn bạc và đề ra đường lối chiến lược cho cuộc chiến. Và đặc biệt, bộ chỉ huy quân sự tối cao của đất nước khi ấy được cử ra, mà đứng đầu là vị tướng lẫy lừng, Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - vị Tổng tư lệnh tối cao của quân Đại Việt khi đó.

Cũng tại hội nghị này đã ra đời hai câu chuyện được đi vào huyền sử: Đức vua Trần Nhân Tông đã cởi áo hoàng bào khoác lên vai Trần Khánh Dư vốn đang là kẻ tội đồ, để phong lên làm phó tướng cho Hưng Đạo Vương, đặc trách thủy quân. Và câu chuyện của võ tướng trẻ tuổi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản bóp nát quả cam vì không được dự bàn cũng còn lưu mãi trong sử xanh...

Có nhiều người thắc mắc, tại sao vua quan nhà Trần lại không hội họp ở kinh đô mà lại kéo nhau xuống tận bến Bình Than trên sông Đuống gần Lục Đầu Giang? Sử sách không có một dòng nào chép về lý do, nhưng theo suy đoán của một người đọc sử tôi cho rằng, sở dĩ phải xuống dưới bãi sông hoang vu, ba bề bốn bên là nước kia là do yếu tố bí mật quân sự. Bởi như ta biết kinh thành Thăng Long là nơi đô hội, nhiều giao thương. Có cả vô vàn thương nhân từ bên kia sang, lẽ dĩ nhiên sẽ có nhiều tai mắt của kẻ địch cử sang nghe ngóng tình hình, bởi đó là phép dùng binh. Nên để tránh mọi sự nhòm ngó, lộ thiên cơ, các vua Trần đã cùng các vương hầu về bến Bình Than để hội nghị. 

Và một điều nữa, bến Bình Than chỉ cách Vạn Kiếp, nơi căn cứ địa của đức ông Trần Quốc Tuấn không xa (độ dưới 10 km), mà khi đó đức ông đang là Chưởng môn của phái Đông A, đứng đầu võ nghệ cả nước. Hội nghị ở đó như là một sự bày tỏ kính trọng với vị đứng đầu môn phái võ của triều đình dự kiến sẽ được trao trọng trách nắm toàn quân. Mà đánh giặc xưa kia, ngoài tinh thần quyết chiến, thì vũ khí và khả năng võ thuật đối chiến của tướng sỹ khi lâm trận là điều quyết định. Và như ta đã biết, tại hội nghị này đức ông Trần Quốc Tuấn đã được trao trọng trách Quốc Công Tiết Chế.

Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - vị Tổng tư lệnh tối cao của quân Đại Việt khi đó. (Ảnh minh họa)

Thật ra cho đến hôm nay, giới sử học vẫn không nhất trí xác quyết được cụ thể địa điểm hội nghị Bình Than là tại điểm nào trên dòng sông Đuống - Lục Đầu Giang. Thế nhưng tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh vẫn còn địa danh bến Bình Than. Hình như cả vùng quanh khu vực sông Đuống - Lục Đầu Giang - Vạn Kiếp, cũng chỉ có nơi đó duy nhất là mang tên Bình Than đúng như trong cổ sử đã ghi. 

Ta hoàn toàn có thể kiểm chứng điều này trên thực địa. Nếu xuất phát từ Hà Nội men theo đê bờ hữu sông Đuống xuôi xuống khoảng 50 cây số sẽ gặp đền thờ Cao Lỗ Đại Vương, một danh tướng thời An Dương Vương. Tại đây chúng ta có thể đi đò qua sông Đuống sang bãi bồi Nguyệt Bàn, nằm bên bờ tả, nhưng vẫn thuộc đất của xã Cao Đức. 

Đi đò để ta có thể cảm nhận cái hơi thở của dòng sông Đuống - sông Thiên Đức huyền thoại, chất chứa đầy trong lòng những trầm tích của lịch sử oai hùng cha ông ta xưa. Ta có thể thả hồn tưởng tượng lại cảnh các chiến thuyền của vua quan vương hầu tướng lĩnh nhà Trần tụ họp về khúc sông này sẽ hùng tráng ra sao… Tương truyền bãi Nguyệt Bàn xưa đây chính là nơi thuyền ngự đã đỗ lại và các vương hầu tướng lĩnh đã họp bàn với nhau về kế đánh giặc giữ nước. 

Dân gian lưu truyền rằng, sở dĩ có tên Nguyệt Bàn là do hội nghị tổ chức vào những ngày cuối tháng 10, trăng muộn. Cả ngày bàn bạc chưa ra lẽ, về khuya đức vua Trần Nhân Tông không ngủ được đã sai người vời Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải cùng lên bãi đi dạo ngắm trăng và bàn thêm. Có lẽ cuộc bàn bạc dưới trăng đêm ấy của ba vị chủ chốt triều đình Đông A, đã cho ra những đường hướng chiến lược để hôm sau trình ra, các vương hầu khác tin tưởng cùng đồng lòng quyết chiến. 

“Nguyệt Bàn” là vậy: Một bãi nổi giữa sông, xưa cách ly hoàn toàn dân cư, xung quanh là những cánh đồng hoang ngập nước. Bãi này khi đó chỉ có lau sậy ngút ngàn. Vương hầu nhà Trần đã chọn một địa điểm tuyệt đối yên tĩnh bí mật để hội nghị bàn bạc những vấn đề trọng yếu cho cuộc chiến không tránh khỏi đang sắp tới gần. 

Cuộc hội họp của những vương hầu tướng lĩnh đàn ông đủ tuổi trưởng thành. Trần Quốc Toản khi đó 17 tuổi, vốn là cháu nội nhành thứ của đức vua khởi nghiệp Trần Thái Tông, đang ở cùng với mẹ tại châu Vũ Ninh ngay đó nhưng không được triệu, đã một mình một thuyền chèo tới đòi dự, vẫn không được vào. Quân pháp bất vị thân. Nhưng rồi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản bằng hào khí Đông A và nhiệt huyết tuổi trẻ cũng ghi danh cho mình vào sử sách nước nhà một cách chói lọi…

Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản bằng hào khí Đông A và nhiệt huyết tuổi trẻ cũng ghi danh cho mình vào sử sách nước nhà một cách chói lọi… (Ảnh minh họa)

Trên bãi Nguyệt Bàn nay có ngôi đền thờ Tam Phủ, di tích cấp Quốc gia. Dân xung quanh thì hay gọi là đền Trần, bởi có lẽ nó gắn với cái hội nghị huyền thoại mùa Đông năm 1282. Để rồi từ hội nghị của các tướng lĩnh vương hầu này, đường lối kháng chiến chống Nguyên Mông đã được đề ra. Tiếp theo, đến năm 1284, vua Trần lại cho tổ chức hội nghị Diên Hồng, mời bô lão cả nước về kinh đô cùng khẳng định quyết tâm đánh giặc. Tiếng hô “sát thát” của quân dân Đại Việt dường như vẫn còn vọng đến hôm nay.

Vua tôi một lòng. Tướng sỹ quyết chiến. Quân dân cả nước kết thành một khối. Có lẽ đó là nguyên nhân căn bản để Đại Việt triều Trần làm nên chiến thắng vẻ vang lừng lẫy ba lần đánh tan quân Nguyên Mông. Bài học ấy thiết tưởng đến nay vẫn còn chưa cũ…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top