Aa

Sứ vệ sinh, kính kém chất lượng tràn ngập thị trường nội địa

Chủ Nhật, 06/10/2019 - 06:00

Hiện nay, một số mặt hàng vật liệu xây dựng (VLXD) như sứ vệ sinh, gạch men, kính xây dựng… đang bị “trà trộn” bởi vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tuy nhiên, việc phát hiện, kiểm soát các loại mặt hàng này đang gặp khó khăn gây ảnh hưởng lớn đến lòng tin, uy tín của nhiều thương hiệu sản xuất VLXD có tiếng trong nước.

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, số vụ phát hiện, bắt giữ liên quan đến các mặt hàng VLXD không rõ nguồn gốc nhập lậu vào Việt Nam trong những năm gần đây chủ yếu liên quan đến các mặt hàng như: Tôn thép (thép không gỉ, dây thép hợp kim, thép hình, tôn màu); gạch xây, gạch tráng men và không tráng men, gạch ốp tường, gạch lát nền (ceramic và granite); các loại sứ, thiết bị vệ sinh (bồn tắm, bồn massage, vòi nước, chậu rửa, cửa nhựa...); ống nhựa uPVC, gỗ lát sàn; giấy dán tường, kính xây dựng…

Các mặt hàng này chủ yếu có xuất sứ từ Trung Quốc với địa bàn buôn bán, nhập lậu chủ yếu tại khu vực cửa khẩu các tỉnh phía Bắc như: Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hà Nội…

Thị trường vật liệu xây dựng trong nước đang bị nhiễu loạn bởi sự trà trộn của nhiều mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng.

Cũng theo thông tin từ phía các Chi cục Quản lý thị trường, hiện nay, tình trạng các mặt hàng VLXD không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, gian lận thương mại từ Trung Quốc “đội lốt” các thương hiệu chính hãng của Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới đang ngày càng diễn ra phổ biến. Các mặt hàng này có giá rẻ hơn nhiều so với các mặt hàng chính hãng và có mẫu mã, màu sắc đa dạng, bắt mắt, khó phân biệt; đặc biệt là các mặt hàng thiết bị vệ sinh như bồn tắm, bồn massage, vòi nước, chậu rửa, cửa nhựa... được làm nhái của các thương hiệu nổi tiếng như Toto, Inax, Kohler, Ceasar, American.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số tuyến phố chuyên về VLXD như Cát Linh, An Trạch, Hoàng Quốc Việt… Một trong những sản phẩm thiết thực và “ngốn” không ít tiền của người tiêu dùng là thiết bị vệ sinh. Tham khảo thị trường sứ vệ sinh, dễ dàng nhận thấy sự phân chia thị trường thành các tầng sản phẩm khá cách biệt.

Những người có thu nhập cao thường lựa chọn những thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc như: Ceasar, American Standard, Inax… có giá thành tương đối cao từ vài chục triệu đến vài trăm triệu một bộ sản phẩm.

Những sản phẩm “thuần Việt” như Thiên Thanh, Dolacera, Viglacera... có giá phải chăng, như một bộ sản phẩm thiết bị vệ sinh của Viglacera có giá từ 8 – 10 triệu một bộ, được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Hàng Việt Nam tuy có ưu điểm về giá rẻ, song ưu điểm này cũng đang bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng Trung Quốc khi thị trường lại đang tràn ngập hàng sứ vệ sinh dạng này với kiểu dáng đẹp, hiện đại và giá hợp lý.

Đóng vai một người mua hàng, phóng viên đến cửa hàng bán sản phẩm sứ vệ sinh trên đường Cát Linh. Bà chủ cửa hàng đon đả mời khách giới thiệu rất nhiều sản phẩm từ bệt vệ sinh, bồn rửa mặt, đến bồn tắm. Nhiều loại cao cấp của nước ngoài như: Inax, Toto cùng nhiều hãng Việt Nam như: Viglacera, Dolacera được bày bán tại đây. Nhận thấy vẫn còn băn khoăn về giá cả bà chủ quán đã giới thiệu cho phóng viên một sản phẩm bệt vệ sinh nhái của hãng Inax có giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng, rẻ hơn khoảng 1 triệu đồng/1 sản phẩm. Một mặt hàng khác cũng được “nhái” bày bán công khai tại cửa hàng là bồn rửa mặt “nhái” Viglacera có giá 200 nghìn, “to nhỏ như nhau”.

Khi phóng viên đề cập đến cách nhận biết sản phẩm chính hãng và nhái, bà chủ này cho biết: “Dấu hiệu nhận biết căn cứ vào độ bóng của men và tem mác. Hàng chính hãng có logo in chìm trên sản phẩm, còn các sản phẩm hàng nhái chỉ có tem giấy”. Bà chủ đon đả tiếp, “Rẻ hơn mà độ bền như nhau thôi, dùng mấy chục năm mới hỏng được. Các em mua số lượng lớn chị chiết khấu thêm và freeship (miễn phí vận chuyển - PV) cho”.

VLXD bị làm nhái thương hiệu với hình thức rất tinh vi, người dùng nên thận trọng khi lựa chọn.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn ngành đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý 8.933 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.426 tỷ 581 triệu đồng; thu ngân sách đạt 157.288 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan khởi tố 20 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 51 vụ. Trong đó, một số mặt hàng VLXD thu giữ: 25.000kg gạch, 200 hộp gạch men, 1.983m3 và 8.000 tấn cát; 81.111 tấn xi măng và 1.651 cái bồn rửa bằng sứ…

Thực tế này cũng cho thấy, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của lực lượng hải quan và quản lý thị trường vẫn còn nhiều hạn chế. Việc để các loại VLXD không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường không những làm mất niềm tin đối với người tiêu dùng, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cũng như chất lượng sản phẩm của những doanh nghiệp sản xuất VLXD trong nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top