Aa

Tâm thức văn hóa Việt Nam

Thứ Bảy, 28/03/2020 - 07:00

Một người sinh ra, đó là con của một gia đình, là sự tiếp nối của dòng tộc. Công danh không chỉ là công danh của một cá thể độc lập mà còn là đại diện cho gia tộc. Dân tộc Việt vốn đặt ân nghĩa, đặc biệt là lòng hiếu lớn

Văn hóa của dân tộc Việt từ ngàn xưa đến nay được khởi nguồn và phát triển dựa trên nhân sinh quan của người Việt về lòng biết ơn. Cụ thể biểu hiện của lòng biết ơn ấy là Hiếu Đạo. 

Người Việt quan niệm, không có cá nhân biệt lập mà chỉ có thành viên của một cộng đồng huyết thống cấu thành gia đình. Gia đình theo nghĩa rộng hơn là Họ tộc - Làng xã - Tổ quốc. Cả dân tộc cùng chung một gia đình với Cha Rồng - Mẹ Tiên, cùng gọi nhau bằng hai tiếng “đồng bào”. Trăm họ cùng từ một gốc chung như anh em môt nhà. 

Lý giải về nguồn gốc dân tộc mà cha ông ta đã trao truyền để cháu con tiếp nối qua nhiều ngàn năm dựng nước và giữ nước cho đến ngày nay chính là để nhắc nhở chúng ta về một tâm thức văn hóa đã được khởi nguồn, bắt rễ sâu ngay từ thuở ban đầu. Đó chính là một nền văn hóa với xuất phát điểm từ mối quan hệ gia đình. Mỗi một sinh mệnh thuộc về một gia đình, có sự yêu thương hoặc gắn kết chồng - vợ hoặc thuộc về một quan hệ huyết thống trong gia tộc. Những tích cổ còn kể lại như Sự tích Trầu Cau, ta thấy được sự vấn vít quện trong mối dây liên kết giữa chồng - vợ, anh - em.

Tích cổ kể rằng: “Thời xưa, một nhà quan lang họ Cao có hai người con trai hơn nhau 1 tuổi và giống nhau như in, đến nỗi người ngoài không phân biệt được ai là anh, ai là em. Bố mẹ chết sớm, hai anh em theo học ông đạo sĩ họ Lưu. Họ học hành chăm chỉ lại đứng đắn nên được thầy yêu như con. Khi hai anh em đến tuổi trưởng thành, ông thầy gả con gái cho người anh. Từ khi người anh có vợ thì tình thương yêu giữa hai anh em không được thắm thiết nữa. Người em rất buồn nhưng người anh vô tình không để ý đến.

Một hôm hai anh em cùng lên nương, tối mịt mới về, chị dâu nhầm là chồng mình ôm chầm lấy. Người anh về sau thấy thế hiểu nhầm và càng hờ hững với người em. Một buổi chiều, anh chị đều đi vắng cả, người em ngồi một mình nhìn ra khu rừng xa xa, cảm thấy cô quạnh, lại càng buồn tủi, vùng đứng dậy ra đi.

Chàng đi, đi mãi cho đến khu rừng phía trước mặt, rồi theo đường mòn đi thẳng vào rừng âm u. Ði đến một con suối rộng nước sâu và xanh biếc, chàng không lội qua được, đành ngồi nghỉ bên bờ. Ðêm mỗi lúc một khuya, sương xuống mỗi lúc một nhiều, sương lạnh thấm dần vào da thịt chàng, chàng chết mà vẫn ngồi trơ trơ, biến thành một tảng đá.

Người anh cùng vợ về nhà, không thấy em đâu, lẳng lặng đi tìm, không nói cho vợ biết. Theo con đường mòn vào rừng, chàng đi mãi, đi mãi, và sau cùng đến con suối xanh biếc đang chảy cuồn cuộn dưới ánh trăng và không thể lội qua được, đành ngồi bên bờ suối, tựa mình vào một tảng đá. Chàng có ngờ đâu chính tảng đá là em mình! Chàng rầu rĩ khóc than hồi lâu, ngất đi và chết cứng, biến thành một cây không cành, mọc thẳng bên tảng đá.

Ở nhà, người vợ không thấy chồng đâu, vội đi tìm và cũng theo con đường mòn đi vào rừng thẳm. Nàng đi mãi, rồi cuối cùng cũng gặp con suối nước sâu và xanh biếc. Nàng không còn đi được nữa. Nàng ngồi tựa vào gốc cây không cành mọc bên tảng đá, than khóc. Chưa đầy nửa đêm mà nàng đã mình gầy xác ve, thân mình dài lêu nghêu, biến thành một cây leo quấn chặt lấy cây không cành mọc bên tảng đá.

Về sau, câu chuyện đến tai mọi người, ai nấy đều thương xót. Một hôm, vua Hùng đi qua chỗ ấy, nhân dân đem chuyện ba người kể lại cho vua nghe và đến xem. Vua bảo thử lấy lá cây leo và lấy quả ở cái cây không cành nghiền với nhau xem sao, thì thấy mùi vị cay cay. Nhai thử, thấy thơm ngon và nhổ nước vào tảng đá thì thấy bãi nước biến dần ra sắc đỏ. Nhân dân gọi cây mọc thẳng kia là cây cau, cây dây leo kia là cây trầu, lại lấy tảng đá ở bên đem về nung cho xốp để ăn với trầu cau, cho miệng thơm, môi đỏ”.

Thuở ấy, một miếu thờ “Anh em thuận hòa, vợ chồng tiết nghĩa” đã được dựng lên để làm biểu tượng cho sự đề cao đạo nghĩa vợ chồng và tình anh em trong mối quan hệ gia đình của người Việt. Cổ tích, ấy là những tích cổ được kể lại. Lớp bụi mờ của thời gian cùng những dị bản có thể khiến cho câu chuyện có những điểm khác nhau nhưng cốt lõi thì chỉ có một: Gia đình là gốc, vợ chồng nghĩa tình son sắt thủy chung và anh em thương quý, trên kính, dưới nhường. 

Câu chuyện xa xưa giải thích cho một quan niệm đề cao mối quan hệ gia đình trong cộng đồng người Việt Cổ từ thuở ban đầu. Cho đến tận ngày nay, quả cau lá trầu có mặt trong mọi nghi lễ thờ cúng tổ tiên và những dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời người Việt. Từ lễ cúng mụ khi tròn cữ cho đến lễ cưới hỏi để đánh dấu ngày thành gia thất, khi mừng thọ và cả lúc qua đời đều không thể thiếu. Đặc biệt, trong lễ cưới, đánh dấu sự ra đời của một gia đình huyết thống mới với những trọng trách tiếp nối, kế thừa, có hẳn một lễ gọi là “lễ bỏ cơi trầu”. Tất cả những mỹ tục ấy truyền lại nhiều ngàn năm trong lòng dân tộc là để con cháu không quên tầm quan trọng của việc xây dựng một gia đình với tình và nghĩa sắt son, đủ đầy.

Trong khảo cổ, rất nhiều những ngôi mộ thuyền có niên đại thời Hùng Vương - An Dương Vương, khu mộ thuyền Châu Can, hay mộ cổ sông Tô Lịch, Hà Nội, chủ nhân là những người Lạc Việt nhuộm răng đen và ăn trầu. Bên trong ngôi mộ hình thuyền ở An Khê, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình là một người phụ nữ giữ nguyên tục nhuộm răng đen. Ngôi mộ được xác định có niên đại thời Lục Triều, thế kỷ V-VI [14, tr.27-33]. Tục nhuộm răng đen có từ thời Hùng Vương được gìn giữ suốt chiều dài lịch sử.

Và xuyên suốt cho đến ngày hôm nay, qua nhiều ngàn năm nhưng quả cau lá trầu ấy vẫn còn nguyên giá trị biểu tượng sâu xa mỗi dịp cưới hỏi hay trên ban thờ gia tiên ngày lễ tết. Tâm thức văn hóa đã được bắt rễ và ở trong lòng dân tộc Việt ngàn đời nay như thế.

Xuyên suốt cho đến ngày hôm nay, qua nhiều ngàn năm, quả cau lá trầu ấy vẫn còn nguyên giá trị biểu tượng

Thời Hùng Vương, dân tộc ta còn có câu chuyện về tấm gương hiếu đạo của Lang Liêu: Lang Liêu nghèo, không sai thuộc hạ lên rừng xuống biển tìm sơn hào hải vị được. Vợ chồng chàng chỉ có tấm lòng nên tự tay làm ra bánh chưng, bánh dày với biểu tượng của Trời và Đất, lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái để dâng cúng tổ tiên.

Tục lấy ngũ cốc để làm ra thực phẩm dâng cúng tổ tiên ấy là một hành động thật đẹp. Kết quả của sự cần lao, của những khó nhọc trên từng thớ đất. Sức người cùng với phù sa từ đất và gặp thời mưa thuận gió hòa để đồng lúa trổ bông kết hạt, Lang Liêu, hoàng tử út của Vua Hùng đã làm thành chiếc bánh mang tâm tình hiếu nghĩa dâng tiên tổ trong ngày Tết. 

Khi con cháu sum vầy cũng là để tỏ lòng kính nhớ đến tổ tiên. Một dân tộc với nền văn minh lúa nước đã hình thành được ý thức hệ ngay từ buổi đầu sơ khai. Vuông - Tròn là biểu hiện của nhân sinh quan người Việt. Vừa là tượng hình Trời - Đất, vừa là Mẹ - Cha, vừa là Tổ Tiên. Sự tích bánh chưng bánh dầy đã cụ thể hóa tất cả những diễn tả vô cùng phức tạp, huyền bí về Trời và Đất bằng ngôn ngữ kể chuyện vô cùng dân dã, đơn sơ mà ý nghĩa đủ đầy.

Trong những nghiên cứu về Văn hóa Việt Nam của mình, GS. Vũ Ngọc Khánh có viết: “Người Việt Nam (và dân tộc Việt Nam) dù rất mộ đạo, vẫn không quên đời bao giờ”. Và nếu như: “Ẩn sĩ Trung Quốc vào núi, ẩn sĩ Ấn Độ vào rừng, ẩn sĩ Việt Nam thì về làng. Người dân Việt Nam không băn khoăn về cái chết trước thượng đế, sợ hãi vì tội lỗi trước sau, mà chỉ sợ chết xa làng, chết không con. Ở trong một làng, người được tôn trọng không phải bởi do chức tước hay tài sản, mà bởi tuổi tác và đức độ. “Kính lão, đắc thọ” là bởi vậy.

Chết chỉ là về, nên mới gọi “quy tiên”, tức là trở về với ông bà tổ tiên, với nguồn cội. Tất cả hiện hữu đều được bắt nguồn từ một truyền thống, một gốc rễ. “Sống vì mồ mả chứ không ai sống vì cả bát cơm” và “Sống gửi, thác về”. Người Việt Nam vốn không trọng ngày sinh nhật, mà trọng ngày mất. Vì vậy, tất cả lễ nghi khi còn sống đều hướng đến kính ngưỡng thương tưởng tổ tiên.

Công danh hai chữ tờ mờ

Lấy gì khuya sớm phụng thờ tổ tiên.

Một người sinh ra, đó là con của một gia đình, là sự tiếp nối của dòng tộc. Công danh không chỉ là công danh của một cá thể độc lập mà còn là đại diện cho gia tộc. Dân tộc Việt vốn đặt ân nghĩa, đặc biệt là lòng hiếu lớn hơn cái tôi của mỗi một cá nhân. Con người sinh ra vốn đã nợ ân cha mẹ sinh thành. Bởi vậy, trước khi họ là ông nọ bà kia, họ ý thức mình là con trong một gia đình, là một đại diện của dòng tộc. 

Trong tập tục người Việt, nếu một đứa con chẳng may vắn số qua đời sớm, trước bố mẹ, người ta sẽ trách đứa con ấy cướp công cha mẹ, chưa rạng danh gia đình dòng họ, chưa báo hiếu khi mẹ cha trăm tuổi. Nên, công danh, trước là để tiếp nối và báo ơn đến mẹ cha và tổ tiên. Mọi ý hướng sống đều hướng về nguồn cội. “Sống gửi, thác về”, thác - chết, là hòa vào nguồn cội, là trở về với ông bà tổ tiên. Đó chính là nhân sinh quan, là nền tảng tâm thức văn hóa Việt.

(Còn tiếp...)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top