Aa

"Tay chơi" mới gia nhập thị trường địa ốc

Thứ Năm, 07/03/2024 - 08:00

Hàng trăm doanh nghiệp mới được thành lập, trong đó nhiều “ông lớn” ngoài ngành có tham vọng lấn sân chơi bất động sản, bất chấp thị trường còn đối mặt với nhiều khó khăn.

Làn sóng "lấn sân" bất động sản mới

Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) đã thông qua việc thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen Sài Gòn có vốn điều lệ 100 tỷ đồng với mục đích hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, trong đó Tập đoàn Hoa Sen sở hữu 40% vốn. Công ty này thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản trị giá 1.000-3.000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho nhân viên Tập đoàn, cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp.

Thời gian triển khai đầu tư dự kiến trong tháng 1/2024. Trong trường hợp các cổ đông khác của Hoa Sen Sài Gòn chưa thu xếp kịp vốn để đầu tư vào các dự án, phía Tập đoàn sẽ tạm ứng kinh phí hoặc bảo lãnh các khoản vay của các cổ đông này tại ngân hàng.

Thực tế, từ năm 2009, Tập đoàn Hoa Sen đã thể hiện tham vọng lấn sân bất động sản khi cùng lúc đầu tư vào 5 dự án, trước khi rút lui sau đó 2 năm. Vì thế, nhiều thành viên thị trường đặt dấu hỏi cho sự trở lại lần này, khi doanh nghiệp còn đang gặp nhiều khó khăn với các dự án ngành thép.

Một doanh nghiệp ngành thép khác là Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) cũng lên kế hoạch đầu tư trở lại vào lĩnh vực địa ốc từ đầu năm 2023 sau nhiều năm im ắng. Với lợi nhuận bình quân trên 10.000 tỷ đồng/quý, Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp có lượng tiền mặt “khủng” nhất sàn chứng khoán hiện tại. Lợi thế “tiền tươi” sẽ giúp Hòa Phát thuận lợi hơn khi hợp tác đầu tư, M&A các dự án bất động sản trong bối cảnh khó tiếp cận các nguồn vốn như hiện nay, chưa kể còn nắm giữ lợi thế về nguồn cung vật liệu xây dựng cũng như từng có kinh nghiệm phát triển dự án từ trước đó. Bởi vậy, động thái đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản lần này được đánh giá là bước đi hợp lý của “ông lớn” ngành thép này.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển ST8 (mã ST8), sau khi thay đổi cấu trúc thượng tầng cũng như đổi tên doanh nghiệp sau hơn 20 năm thành lập, vào giữa năm 2023, ST8 quyết định mở rộng đầu tư sang lĩnh vực bất động sản bằng dự án đầu tay là Khu du lịch nghỉ dưỡng Trầm Hương Resort tại thôn Ba Dùi, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, quy mô diện tích 4,53 ha. Theo tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2024, sau khi hoàn thành thoái vốn ở các lĩnh vực không trọng điểm, ST8 sẽ tập trung hoàn tất các thủ tục đầu tư, tạo quỹ đất sạch để triển khai dự án trong năm nay.

ST8 tiền thân là Công ty cổ phần Siêu Thanh, ngành nghề kinh doanh chính là phân phối các thiết bị văn phòng như máy in, máy photocopy, máy fax, máy chiếu..., sau đó trở thành nhà phân phối chính thức của hãng Ricoh - thương hiệu thiết bị văn phòng hàng đầu Nhật Bản.

Cũng trong năm 2023, Phenikaa A&A Group - Tập đoàn mẹ của nhà sản xuất đá thạch anh Vicostone (mã VCS) “âm thầm” lấn sân bất động sản sau khi ra mắt dự án Endless Skyline Westlake gần Hồ Tây, Hà Nội. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, Phenikaa mua lại dự án này từ Công ty Song Kim từ năm 2020 với giá được đồn đoán khoảng hơn 900 tỷ đồng với mục đích phát triển tổ hợp văn phòng, khách sạn và căn hộ cao cấp.

Trước đó, Phenikaa từng triển khai 1 dự án chung cư ở Hòa Lạc, nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu nhà ở của cán bộ, công nhân viên gần nhà máy của Tập đoàn, nên dự án Endless Skyline Westlake là dự án thương mại đầu tiên. Với tổng vốn đầu tư xây dựng 1.000 tỷ đồng, đây là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của hệ sinh thái Phenikaa Group. Với số lượng sản phẩm chào bán ra thị trường khá ít ỏi (khoảng 150 căn), đây cũng là một trong những dự án đắt nhất Hà Nội ở thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát “bất ngờ” lộ diện trên thị trường bất động sản khi trở thành nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Trung tâm thương mại tại đường Đặng Văn Trơn, phường Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với tổng vốn đầu tư dự kiến 6.111,5 tỷ đồng. Trong đó, chi phí sử dụng đất (bao gồm chi phí nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, tiền sử dụng đất) là 2.253,8 tỷ đồng.

Khởi đầu từ một công ty vận tải nội địa thành lập năm 2008 với vốn điều lệ 25 tỷ đồng, Việt Phát nhanh chóng tăng vốn lên 842 tỷ đồng sau 16 năm hoạt động. Hiện tại, doanh nghiệp này chuyên cung ứng khoáng sản quặng sắt, than cốc, titan… Năm 2019, Việt Phát được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở thương mại tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng (tên thương mại là Việt Phát South City) với quy mô hơn 2,4 ha, tổng mức đầu tư 435 tỷ đồng. Trong đó, các sản phẩm nhà ở thấp tầng đã được Việt Phát hoàn thành và bàn giao 174 căn, còn công trình văn phòng thương mại dịch vụ đang được triển khai.

Một doanh nghiệp vận tải khác là Công ty cổ phần TCO Holdings (mã TCO) cũng có kế hoạch mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản. Cụ thể, tại đại hội cổ đông bất thường vào trung tuần tháng 11/2023, TCO Holdings thông qua việc tái cấu trúc toàn diện, bao gồm đổi tên doanh nghiệp và chuyển hướng hoạt động, tập trung phát triển 3 lĩnh vực chính gồm vận tải, logistics; nông nghiệp, thực phẩm và các ngành phụ trợ; đầu tư và kinh doanh bất động sản. Theo đó, vào ngày 6/12/2023, Hội đồng quản trị TCO Holdings quyết định thành lập 3 công ty con với tỷ lệ sở hữu 99,95% lần lượt là TCO Logistics (vốn điều lệ 116,72 tỷ đồng), TCO Agri (vốn điều lệ 101,71 tỷ đồng) và TCO Real Estate (vốn điều lệ 98,72 tỷ đồng).

Thêm người, “chợ” địa ốc thêm vui

Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, xu hướng mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp ngoài ngành vào lĩnh vực bất động sản là tín hiệu đáng mừng. Theo GS-TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân, những nhân tố mới với tầm nhìn, nguồn lực và hướng đi mới hứa hẹn sẽ đưa thị trường bất động sản vào giai đoạn phát triển mới, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở, nghỉ dưỡng… của người dân cả nước cũng như du khách nước ngoài. Đặc biệt, các dự án lớn được triển khai tại nhiều địa phương sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển, giải quyết nhu cầu lao động tại địa phương. Điều này mang lại cơ hội cho cả doanh nghiệp “ngoại đạo” và doanh nghiệp các lĩnh vực khác.

Đồng quan điểm, ông Phan Xuân Cần - Chủ tịch Soho Vietnam, đơn vị chuyên tư vấn các thương vụ chuyển nhượng dự án cho rằng, khi có thêm doanh nghiệp ngoài ngành tham gia, thị trường địa ốc sẽ được bổ sung thêm cả về số lượng thành viên lẫn số lượng sản phẩm. Dẫu vậy, theo quy luật, ở nơi nào hấp dẫn thì nơi đó cạnh tranh cũng hết sức khốc liệt và sự đào thải sẽ diễn ra với bất cứ doanh nghiệp nào nếu không có đủ tiềm lực.

Theo ông Cần, trong ngắn hạn, thông tin mở rộng đầu tư sang lĩnh vực bất động sản thường tạo kỳ vọng về sự đột phá doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Để kỳ vọng này được xây dựng trên một nền tảng chắc chắc, nhà đầu tư cần xem xét, tìm hiểu kỹ lợi thế của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, chiến lược đầu tư cụ thể ra sao...

Giới chuyên gia nhìn nhận, trên thị trường bất động sản, cơ hội là rộng mở với các doanh nghiệp, song điều quan trọng với những “tay ngang” là phải đánh giá được giá trị của mình trong chuỗi đầu tư bất động sản, từ đó mới xác định được rủi ro cũng như lợi nhuận kỳ vọng. Nhìn lại câu chuyện của Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (mã IDP) và Công ty cổ phần Nam Việt (mã ANV), hai “ông lớn” ngành sữa và thủy sản này cùng quyết định mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản trong năm 2022, nhưng nhanh chóng “quay xe” chỉ sau khoảng 1 năm do đánh giá chưa đúng tình hình thị trường./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top