Giao thừa không hoa, không tiệc, không tiếng pháo. Lời chúc phúc từ xa vắng ngắt. Chưa bao giờ giao thừa lại im lìm đến vậy. Đường phố vắng tanh, lặng lẽ đến nao lòng. Là sự thinh lặng chuyển giao hay sự cảm ngộ thu nạp trong mặc niệm của con người với đất trời?
Tôi tin rằng, tiếng vọng vô ngôn là điều vi diệu trong tầng cảm thức, sẽ chuyển hóa được điều không may mắn trong một năm qua. Có nhiều điều không cần hiện bày, và có nhiều việc phải lặng lẽ, dùng cảm linh mới cảm thụ được mọi vấn đề.
Cả châu Âu chìm trong giấc ngủ quá dài vì đại dịch Covid-19. Đâu rồi các thánh địa huy hoàng, giờ đây không có người chiêm bái. Đâu rồi vẻ đẹp mỹ lệ, được mệnh danh là trái tim của châu Âu, những thủ đô danh giá phồn hoa còn giữ lại được vẻ đẹp cổ kính trong thời kỳ Phục Hưng, giờ đây thiếu vắng sự trầm trồ, cảm thán chiêm ngưỡng.
Những thành quách đền đài hùng vĩ, trong sự huyền bí từ thời La Mã cổ đại vẫn sừng sững, mà chẳng bóng người khám phá, tìm hiểu. Paris xinh đẹp mộng mơ, soi bóng diễm lệ bên dòng sông Seine, giờ đây cô đơn đến tiêu điều vì dịch bệnh.
Nơi tôi đang sống - Thủ đô Berlin của nước Đức, mang hơi thở hiện đại, tất cả thành phố đường sá đều được nâng cấp tu sửa mỗi ngày. Berlin như một đại diện, để khẳng định sự lớn mạnh của con chim sắt được mệnh danh là con chim đầu đàn trong khối Liên minh châu Âu. Vậy mà năm nay không còn những gian hàng đầy ắp một luồng sinh khí nữa. Không còn những mùi thơm của bắp rang bơ hạnh nhân, đậu phộng quyện bọc với lớp đường khiến ai cũng phải hít hà. Không còn hoạt cảnh, cả không gian trù phú dập dìu trong tiếng nhạc, quyện mùi thức ăn đồ uống thơm phức đánh thức khứu giác của con người đến no đủ trong cái tiết trời giá lạnh căm buốt ngày đông tận năm.
Tôi vẫn nhớ, cảm giác ấm áp khum hai bàn tay cong lạnh ủ trong ly rượu vang đỏ đậm đặc, được người ta đun nóng chưng cất ở một nhiệt độ nhất định - thứ rượu vang nóng truyền thống, đặc trưng của châu Âu vào mùa đông, trong những khu chợ giải trí cuối năm.
Năm nay chẳng có những tiếng cụng ly và tiếng cười giòn tan của những du khách hay biển người khắp nơi trên thế giới đổ về cổng thành Brandenburg nơi biểu tượng của nước Đức. Những điều bình dị hàng năm, nay bỗng trở thành xa xỉ. Sự trầm mặc, u ám của những ngày tháng cách ly bao trùm lên khắp Châu Âu nói chung, Thủ đô Berlin nơi tôi đang sinh sống nói riêng. Ngay trước đêm giao thừa, chỉ trong vòng 24 giờ, nước Đức thật sốc khi 1.129 người đã chết vì nhiễm dịch Covid.
Thực sự chúng ta bây giờ mới hiểu rằng, chính sự sống của con người lại được duy trì vận hành trong tất cả những tạp âm mà tạo thành nguồn sống. Sự sống của chúng ta lại bị giam cầm bởi siêu virus bé nhỏ.
Chúng ta đã phải trải nghiệm 356 ngày lo lắng, hồi hộp, bất an và cả sự bất lực trong biến động cùng cực của một thế giới khủng hoảng về chính trị, kinh tế, sức khỏe, tính mạng con người. Chúng ta phải chứng kiến bao nhiêu thảm họa chết chóc, đau thương chia lia vì bệch dịch liên miên. Khi dịch bệnh chưa thuyên giảm, chúng ta vẫn sẽ phải gồng mình trong sự kiệt quệ của nền kinh tế, suy thoái toàn cầu.
Công việc và đời sống của bị ảnh hưởng trầm trọng. Một năm điêu đứng trước sự tàn phá của Covid-19. Nhiều tập đoàn lớn toàn cầu phá sản. Một biến cố lịch sử của thế giới chưa từng có trong tiền lệ.
Vậy điều gì khiến chúng ta phải suy ngẫm và đúc kết? Ngoài sự sống và sức khỏe, chúng ta mang được gì, giữ được gì trong thế giới dịch bệnh và sự chết chóc tiểm ẩn đang hoành hành này?
Bệnh dịch làm đảo lộn hoàn toàn cơ cấu.
Những đúng và sai được hoán đổi, những điều nhỏ bé như một ý niệm bỗng trở thành thiêng liêng. Những điều trái ngược của cuộc sống bỗng nhiên được nhìn nhận trong một tư duy mở hơn.
Đôi khi chúng ta cứ theo đuổi những mong cầu của cá nhân mà vô tình quên đi tính nhân loại đang hiện hữu. Chỉ sau khi bệnh dịch hoành hành, chúng ta mới thực sự được cảnh tỉnh và nhận ra bài học nhân văn về sức mạnh của ý thức cộng đồng.
Sự liên kết được cho là mật thiết. Trong các mối quan hệ giao thương bỗng tiềm ẩn mối họa. Sự yêu thương, một vòng tay ôm ấp chăm sóc bỗng trở thành khủng bố tính mạng, tinh thần cho người thân yêu. Một nụ hôn ngọt ngào bỗng trở thành cái chết bất ngờ.
Bệnh dịch biến những nhà máy, hãng sản xuất, giải trí, hàng không, thể thao... bị đóng băng giao dịch. Những thương hiệu nổi tiếng được xây dựng lên bởi một đế chế hùng mạnh bỗng chốc sụp đổ trong sự biến chủng khôn lường của dịch bệnh Covid-19.
Liệu mười năm nữa hay hai mươi năm nữa, chúng ta có thể tái thiết lập lại được những thứ đã và đang mất đi như bây giờ không? Thật là một bài toán và phép thử khó cho cuộc chiến cam go này, trong một tương lai nhiều năm sau nữa.
Những ngành nghề nào quan trọng nhất và có khả năng tồn tại sau mùa dịch bệnh? Đó chính là điều đáng lưu tâm mà thế hệ chúng ta phải định hướng cho thế hệ con em của mình.
Và điều gì là cốt lõi trăn trở nhất trong mỗi cá thể sau một năm dịch bệnh? Sức khỏe, lòng nhân ái hay vật chất tiền tài cùng sự tư lợi, cao thấp hơn thua, tranh giành cho bản thân? Tái cơ cấu toàn cầu hay tái tạo tư duy của mỗi cá nhân? Và điều gì sẽ được thiết lập lại trong xu thế tái cơ cấu toàn cầu trong năm 2021?
Tương lai còn ở phía trước với khó khăn chồng chất khó khăn. Chưa biết bao giờ dịch bệnh mới chấm dứt, nhưng chúng ta có quyền được đặt niềm hy vọng trong vận niên mới. Phải thế không?
Thời khắc quan trọng đã đến, trong sự chuyển giao của năm mới, tôi và chúng ta, lại lạc quan trong ước mong, gửi thác niềm tin tươi sáng.
Trong một niềm tin tuyệt đối thường hằng, nguyện cho chúng ta sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt mọi sở cầu. Cầu nguyện cho thế giới sớm được bình yên trong quy luật vận hành vốn có của nhân loài.
Happy New Year 2021!
Từ Berlin, Đức.