Aa

Thạch Thất (Hà Nội): Vì sao thanh tra kết luận vi phạm, bể bơi Đồng Lạc vẫn không bị xử lý?

Thứ Bảy, 23/04/2022 - 11:35

Công trình bể bơi Đồng Lạc tại xã Lại Thượng (Thạch Thất, TP. Hà Nội) có nhiều sai phạm tồn tại nhưng chưa được xử lý dứt điểm, trái lại sau kết luận thanh tra chủ công trình còn tiếp tục mở rộng quy mô xây dựng.

Ngang nhiên xây dựng tổ hợp bể bơi trên đất nông nghiệp

Thời gian qua, công tác quản lý sử dụng đất trên địa bàn huyện Thạch Thất còn cho thấy tình trạng vi phạm xảy ra tại nhiều địa phương. Đáng chú ý là việc vi phạm này diễn ra trong thời gian dài và chưa được xử lý dứt điểm.

Đơn cử, Tổ hợp công trình bể bơi Đồng Lạc, tại xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất nhiều năm qua sử dụng đất sai mục đích, xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp. Theo tìm hiểu, nguồn gốc khu đất trũng sâu (gọi là thùng đào, thùng đấu) do Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Phú quản lý. Năm 1997, Hợp tác xã giao khoán 3.648m2 đất cho ông Khuất Văn Dần, sau đó ông Dần chuyển nhượng cho hộ ông Cấn Văn Vĩnh (trú tại xã Lại Thượng).

Trong quá trình sử dụng, ông Vĩnh đã tự ý san lấp một phần thùng đào, thùng đấu để trồng cây ăn quả và làm nhà tạm để trông nom. Năm 2002, UBND xã Lại Thượng đã mời ông Cấn Văn Vĩnh đến UBND xã để làm thủ tục chuyển đổi, UBND xã Lại Thượng đã có 2 biên bản bàn giao mốc đất ngày 2/12/2002 với tổng diện tích là 3.590m2 và đã thu tiền 100 triệu đồng tại 2 phiếu thu ngày 26/11/2002.

Bể bơi đồng lạc vi phạm
Kể từ năm 2008 đến năm 2012, UBND xã Lại Thượng không lập hồ sơ vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hộ ông Cấn Văn Vĩnh là không thực hiện đúng quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Đến năm 2008, hộ ông Cấn Văn Vĩnh tự ý san lấp đổ bê tông diện tích 2.400m2 để làm bãi đỗ xe kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi. Năm 2010 đến nay, hộ dân Cấn Văn Vĩnh tự ý sử dụng phần diện tích thùng đào, thùng đấu còn lại để cải tạo thành bể bơi.

Quá trình xử lý vi phạm đã trải qua nhiều lần nhưng đến nay hộ dân Cấn Văn Vĩnh vẫn ngang nhiên để các công trình tồn tại. Cụ thể, ngày 12/10/2012, UBND huyện Thạch Thất đã ban hành Kết luận thanh tra số 08/KL-UBND về việc quản lý, sử dụng đất đai trong việc giao thầu, giao khoán, cho thuê đất, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã.

Theo Kết luận thanh tra, hiện trạng hộ ông Vĩnh đã xây dựng 1 nhà điều hành kiên cố diện tích 110m2, diện tích sân láng xi măng 2.400m2, diện tích nhà tạm 52m2... Việc xây dựng các công trình này trên đất nông nghiệp của ông Cấn Văn Vĩnh (từ năm 2008) là hành vi sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Điều 15 Luật Đất đai năm 2003.

Đáng nói là, kể từ năm 2008 đến năm 2012, UBND xã Lại Thượng không lập hồ sơ vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hộ ông Cấn Văn Vĩnh là không thực hiện đúng quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, tại Nghị định 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009. Mặc dù sau khi có Kết luận thanh tra vào năm 2012, UBND huyện Thạch Thất, UBND xã Lại Thượng đã thực hiện kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm, thế nhưng điều dư luận quan tâm là tổ hợp công trình vi phạm trên sẽ bị xử lý như thế nào?

Vì sao công trình vi phạm vẫn “phình to”?

Theo tìm hiểu, tổ hợp công trình bể bơi Đồng Lạc của hộ ông Cấn Văn Vĩnh không những không được lập hồ sơ, xử lý vi phạm mà càng ngày càng “phình to” bất chấp sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Cụ thể, khi việc sử dụng đất sai mục đích (xây dựng công trình trên đất nông nghiệp) của hộ ông Vĩnh chưa được xử lý dứt điểm thì ông này tiếp tục xây dựng các công trình khác như: Khu trượt diện tích 150m2, nhà xử lý nước diện tích 25m2, nhà kho trưng bày diện tích 350m, nhà thay đồ diện tích 35m2, nhà ở nhân viên, tường bao xung quanh dài 270m2, cổng rộng 8m... Việc vi phạm phát sinh sau khi có Kết luận thanh tra số 08/KL-UBND và không được các cơ quan có thầm quyên trên địa bàn huyện lập hồ sơ, xử lý theo quy định (không có hồ sơ về thời điểm vi phạm). Đến nay, các công trình vi phạm này vẫn đang tồn tại.

Điều đáng ngạc nhiên là trong quá trình cơ quan chức năng đang thanh, kiểm tra nhưng bể bơi vẫn mở cửa hoạt động như bình thường. Bà N.T.T. người dân gần công trình vi phạm nêu trên nói: “Bể bơi Đồng Lạc này vẫn được nhiều người dân sử dụng vào mục đích thương mại, năm vừa rồi bể bơi không hoạt động vì dịch bệnh nhưng thời gian gần đây thì bắt đầu hoạt động trở lại. Theo tôi biết bể bơi này xây dựng trên đất nông nghiệp, nhưng không hiểu sao mà tổ hợp công trình nhiều năm qua lại không bị xử lý, cưỡng chế?”.

vi phạm đất đai lại thượng thạch thất
Công ty Cổ phần Công nghệ xây dựng Hà Tây, người đại diện pháp luật là ông Cấn Văn Vĩnh là đơn vị đang vận hành hoạt động của bể bơi Đồng Lạc.

Khảo sát thực tế nhiều ngày tại bể bơi Đồng Lạc, PV ghi nhận mọi hoạt động của bể bơi vẫn diễn ra và có rất đông người  từ trẻ nhỏ đến độ tuổi thanh thiếu niên đến đây bơi. Trong vai khách vào bơi tại bể bơi Đồng Lạc, PV nhận thấy đơn vị này bán vé vào cửa với giá là 30.000 đồng. Được biết, Công ty Cổ phần Công nghệ xây dựng Hà Tây, người đại diện pháp luật là ông Cấn Văn Vĩnh là đơn vị đang vận hành hoạt động của bể bơi Đồng Lạc.

“Bể bơi bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 9/4 vừa qua, mọi năm thì đông lắm, đợt 10/3 vừa qua bể bơi cũng có khá nhiều người đến. Đến ngày 30/4 và 1/5 sắp tới, dự kiến lượng người đến tắm còn đông nữa”, bảo vệ của bể bơi Đồng Lạc, xã Lại Thượng chia sẻ với PV.

Ngoài phản ánh việc bể bơi Đồng Lạc xây dựng trên đất nông nghiệp, trong quá trình khảo sát PV cũng nhận thấy cây xăng cũng nằm trên khuôn viên đất nông nghiệp của hộ dân ông Cấn Văn Vĩnh được xây dựng, nằm ngay mặt đường liên xã Lại Thượng. Theo nguồn tin riêng của PV, cây xăng này chưa có giấy phép hoạt động.

Nhiều công trình bị kết luận sai phạm, qua các đời Chủ tịch xã Lại Thượng và UBND huyện Thạch Thất nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Vậy nguyên nhân nào mà tổ hợp công trình xây dựng trên đất nông nghiệp của hộ dân ông Cấn Văn Vĩnh vẫn tồn tại như vậy? 

xây dựng trái phép LẠi Thượng
“Đối với cây xăng của hộ gia đình ông Cấn Văn Vĩnh thì xây dựng trái phép", ông Lê Đăng Hồng, Chủ tịch UBND xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất cho biết.

Trả lời PV, ông Lê Đăng Hồng, Chủ tịch UBND xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội xác nhận: “Công trình của hộ dân ông Cấn Văn Vĩnh đã tồn tại trong thời gian nhiều năm. Thế nhưng, theo quy định mới là công trình xây dựng sai phạm tồn tại trước năm 2014 thì giữ lại chờ hướng chỉ đạo của UBND huyện và UBND TP. Hà Nội”.

“Tôi mới nhận nhiệm vụ vào ngày 24/12/2021 nên chưa nắm được thông tin cụ thể để kiểm tra, xử lý. Sau thời gian 3 tháng nhận nhiệm vụ thì tôi cũng đã xem qua hồ sơ, bể bơi của hộ dân ông Cấn Văn Vĩnh nằm trong khu đất quy hoạch khu vui chơi giải trí đang chờ UBND TP. Hà Nội cấp phép”, ông Lê Đăng Hồng giải thích. Nếu đúng như lời ông Hồng nói thì phải chăng bể bơi Đồng Lạc sai phạm từ năm 2008 đến nay đã 14 năm chưa được xử lý cưỡng chế và chờ được "hợp thức hóa"?

Đại diện UBND xã Lại Thượng cũng cho biết thêm, hiện tại đoàn thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang tiến hành thanh tra và chưa có kết luận.

Bên cạnh đó, vị Chủ tịch UBND xã Lại Thượng cũng lý giải về phản ánh cây xăng trái phép mọc trên đất nông nghiệp hoạt động nhiều năm qua: “Đối với cây xăng của hộ gia đình ông Cấn Văn Vĩnh thì xây dựng trái phép. Tôi cũng đã chỉ đạo với Công an xã để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, để đảm bảo an toàn. Khi UBND xã đi kiểm tra thì cây xăng lại không hoạt động, nên chúng tôi khó xử lý”.

Vị Chủ tịch UBND xã Lại Thượng lý giải về công trình sai phạm của gia đình hộ dân ông Cấn Văn Vĩnh vẫn tồn tại một phần cũng do "vì người làng, người xã" nên rất khó xử lý? Có lẽ chính vì thế, công trình sai phạm như bể bơi, cây xăng và nhiều hạng mục công trình khác càng ngày càng “phình to”? 

Đề nghị UBND TP. Hà Nội, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Văn hóa và Thể thao, UBND huyện Thạch Thất nhanh chóng vào cuộc làm rõ những tồn tại và đưa ra biện pháp xử lý quyết liệt, có biện pháp xử lý nghiêm minh những sai phạm nghiêm trọng về đất đai nêu trên.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Để thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, trong thời gian qua UBND TP. Hà Nội đã ban hành rất nhiều các văn bản để xử lý sai phạm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, tiêu biểu như:

- Chỉ thị Số: 04/CT-UBND, ngày14/1/2014 chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn TP. Hà Nội.

- Quyết định 21/2014/QĐ-UBND về nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố do Luật Đất đai 2013 và Nghị định giao cho về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn TP. Hà Nội.

- Quyết định 109/2006/QĐ-UB Ban hành quy định về trình tự, thủ tục, cơ chế xử lý thu hồi đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người việt nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn TP. Hà Nội.

Ngoài ra, các quy định tại Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai vẫn tiếp tục được thực hiện nghiêm túc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top