Lời tòa soạn:
Thời gian qua, công tác quản lý quy hoạch, đất đai tại nhiều địa phương còn nhiều bất cập. Nhiều khu đất được quy hoạch làm dự án nhưng lại xây dựng sai so với phê duyệt ban đầu, việc buông lỏng quản lý của chính quyền đã kéo theo những hệ lụy như biến tướng dự án, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng sai phép... nở rộ như “nấm sau mưa” vì không thể xử lý triệt để và có diễn biến ngày càng phức tạp.
Trên tinh thần nghiên cứu, thu thập tài liệu, thông qua khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng bài viết "Thạch Thất (Hà Nội): Hàng nghìn mét vuông đất dự án biến thành khu sinh thái" với mong muốn đưa đến cho độc giả những góc nhìn khách quan về vấn đề này.
Trân trọng giới thiệu tới độc giả!
“Phù phép” dự án thành khu sinh thái
Tìm hiểu được biết, ngày 30/12/2016, UBND huyện Thạch Thất ban hành Quyết định số 16360/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nội bộ đất nông nghiệp từ đất trồng lúa trong vùng trũng, kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây trên bờ, trồng nấm và rau” tại khu Gò Bông, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất cho hộ gia đình ông Kiều Văn Chúc.
Theo đó, dự án có tổng diện tích là 13.473,4m2 (có bản vẽ quy hoạch mặt bằng và thuyết minh dự án kèm theo). Quy hoạch sử dụng đất như sau: Diện tích công trình hỗ trợ sản xuất là 28m2; Diện tích công trình phục vụ sản xuất 850m2; Khu ươm mầm và trồng nấm sò trắng 1500m2; Ao nuôi trồng thủy sản 3.100m2; Diện tích trồng cây ăn quả 3.495,4m2; Diện tích trồng cây hàng năm khác 4.100m2; Diện tích sân, đường đi bộ 400m2.
Việc xây dựng các công trình hỗ trợ sản xuất và phục vụ sản xuất chỉ sử dụng vật liệu dễ tháo dỡ (nhà khung thép hoặc tre, gỗ; vách tường lắp ghép bằng tôn hoặc xây bằng gạch chỉ, gạch bavanh, xây tường 10, mái lợp tôn hoặc phibroximang), chiều cao các công trình xây dựng không quá 3,0m tính từ mặt nền đến dạ quá giang.
Đồng thời, đất đào ao phục vụ việc đắp bờ, độ sâu ao thả cá không quá 1,5m so với cao trình mặt ruộng hiện tại. Không vận chuyển đất ra khỏi nơi thực hiện dự án và không vận chuyển đất từ nơi khác đến nơi thực hiện dự án. Hàng rào bảo vệ sản xuất phải đảm bảo độ thông thoáng, chiều cao tối đa của hàng rào so với mặt ruộng không quá 1,5m.
Quyết định nêu rõ, UBND huyện Thạch Thất giao UBND xã Đồng Trúc đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dự án để chủ đầu tư thực hiện dự án theo đúng quyết định được phê duyệt.
Tuy nhiên, những gì người dân phản ánh lại hoàn toàn trái ngược, việc chủ đầu tư ngang nhiên cho xây dựng nhiều hạng mục không nằm trong quy hoạch đang biến dự án thành khu sinh thái hoành tráng.
Khảo sát dọc Đại lộ Thăng Long qua địa phận khu Gò Bông (xã Đồng Trúc, Thạch Thất, Hà Nội), phóng viên ngạc nhiên khi xuất hiện khuất sau lùm cây um tùm là khuôn viên hàng nghìn m2 được bài trí trang nhã với con đường lát bê tông uốn lượn, cỏ cắt tỉa gọn gàng, tiểu cảnh lớn nhỏ được sắp xếp bắt mắt.
Quan sát ngay cổng vào là 2 hồ nước được thiết kế đối xứng, lát kè chắc chắn. Phía xa là ngôi nhà trệt dựng lên theo kiểu mái Thái, bao quanh là dãy tường dài được xây dựng kiên cố, chính giữa là cánh cổng kiên cố đóng kín mít.
Bao giờ xử lý dứt điểm vi phạm?
Đáng chú ý, nhiều hạng mục tại dự án được xây dựng sai so với quy hoạch được phê duyệt nhưng chính quyền xã Đồng Trúc và cơ quan chức năng huyện Thạch Thất dường như “bất lực” vì không có phương án xử lý dứt điểm.
Cụ thể, tại biên bản kiểm tra hiện trạng ngày 14/6/2021 của Đội quản lý Trật tự Xây dựng đô thị huyện Thạch Thất và UBND xã Đồng Trúc cho thấy: Hiện trạng gồm có 1 công trình nhà gỗ lợp ngói, diện tích: 13,6 x 8,4 = 114,24m2, dưới nền nhà gỗ là 01 tầng hầm. Công trình thứ 2: Nhà xây gạch chỉ, mái tôn, tường 110, diện tích: 18,1 x 12 = 217m2 và phần mái vảy lợp tôn, khung sắt, diện tích 9,9 x 9 = 89,1m2. Công trình thứ 3: Một nhà chòi (3.85m x 3.35m)x2 = 29.64m2. Hệ thống nền sân và đường đi: Đã đổ bê tông và trải đều quanh khu đất và công trình đào ao thả cá: Đã kè và xây tường bao xung quanh.
Đối chiếu với các quy định tại quyết định phê duyệt dự án (và bản vẽ quy hoạch mặt bằng cùng thuyết minh dự án kèm theo) thì việc xây dựng dự án đã vi phạm nghiêm trọng về loại công trình, mật độ xây dựng. Đặc biệt là các công trình có tính chất kiên cố như tầng hầm, đường bê tông, kè bờ ao và xây tường bao quanh.
Tại biên bản này, Đội quản lý trật tự xây dựng huyện Thạch Thất đã đề nghị xã Đồng Trúc chỉ đạo cán bộ chuyên môn kiểm tra hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu, ngày 8/12/2004, khu đất này đã được UBND huyện Thạch Thất phê duyệt dự án Chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp đầu tư xây dựng trang trại, làm dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi và trồng cây ăn quả, của hộ ông Kiều Văn Chúc tại Quyết định số 2165/QĐ-UB. Theo đó, thời gian thực hiện dự án là: Từ năm 2004 đến 15/10/2013. Sau năm 2013, nếu chủ dự án triển khai thực hiện dự án đúng nội dung được phê duyệt, có hiệu quả, chấp hành tốt mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước và phù hợp với quy hoạch, các văn bản pháp luật hiện hành, đảm bảo vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng tới sản xuất của khu vực lân cận thì được xem xét để cho phép tiếp tục thực hiện không phải lập dự án.
Tiếp đó, đến tháng 8/2016, ông Kiều Văn Chúc lại lập lại dự án và xin phê duyệt dự án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nội bộ đất nông nghiệp từ đất trồng lúa trong vùng trũng, kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây trên bờ, trồng nấm và rau. Tuy nhiên, hiện tại khu đất này đã được ông Kiều Văn Chúc sang nhượng cho ông Nguyễn Đình Anh trú tại Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 29/6/2021, UBND xã Đồng Trúc đã mời ông Nguyễn Đình Anh đến làm việc. Tại buổi làm việc, UBND xã Đồng Trúc yêu cầu ông Nguyễn Đình Anh tự tháo dỡ các công trình vi phạm để trả lại nguyên hiện trạng theo đất của dự án đã được phê duyệt theo Quyết định số 16360/QĐ-UBND. Thời hạn tự tháo dỡ từ ngày 29/6/2021 đến hết ngày 30/7/2021.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên vào đầu tháng 10/2021, toàn bộ các hạng mục vi phạm tại dự án vẫn chưa được khắc phục.
Tại buổi làm việc với Reatimes, ông Nguyễn Đình Nghi – Phó Chủ tịch xã Đồng Trúc thừa nhận sai phạm tại dự án, ông Nghi viện dẫn việc chậm trễ khắc phục do yếu tố khách quan: “Thực tế theo phê duyệt thì chủ đầu tư xây dựng chỉ sai về vị trí và địa điểm, chúng tôi đã lập biên bản yêu cầu tháo dỡ hạn đến 30/7/2021 nhưng vướng giãn cách xã hội do dịch bệnh nên chúng tôi tiếp tục cho hạn đến 15/10/2021”.
Để khách quan sự việc, phóng viên tiếp tục liên hệ với chủ đầu tư thì bất ngờ nhận được thông tin dự án đang làm thủ tục chuyển đổi và sẽ liên hệ lại sau.
Liên quan đến việc biến tướng, sử dung đất sai mục đích tại nhiều địa phương, Luật sư Lê Lưu Phú, Văn phòng luật sư Long Tâm cho rằng, theo Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau:
Thứ nhất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
Thứ hai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 77 Nghị định 139/2017/NĐ-CP về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như cảnh cáo, phạt tiền và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả./.