Giới đầu tư ngoại tỉnh đua nhau "săn" đất nền, nhà phố
Trong bối cảnh thị trường bất động sản Hà Nội có giá cao, dòng vốn đầu tư bất động sản khu vực phía Bắc đang dịch chuyển mạnh mẽ về các tỉnh lân cận như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương... Đáng chú ý, thị trường bất động sản Thái Nguyên đang thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư.

Ghi nhận giá bất động sản khu vực ven trung tâm TP. Thái Nguyên tăng đột biến sau tin đồn sáp nhập tỉnh. (Ảnh: Khánh Tùng)
Khoảng hơn một tháng trở lại đây, dù chưa có quyết định chính thức về việc sáp nhập tỉnh thành nhưng thông tin lan truyền về việc Thái Nguyên được sáp nhập với Bắc Kạn và lấy trung tâm hành chính, kinh tế mới sau sáp nhập tại TP. Thái Nguyên khiến dòng tiền đổ mạnh vào thị trường bất động sản. Đất nền, nhà phố tại thị trường Thái Nguyên đang nhận được sự quan tâm lớn, nhất là những vị trí khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, việc Thái Nguyên được chọn là nơi đặt trụ sở chính của Ngân hàng Nhà nước khu vực V, Chi cục Thuế khu vực VII và Kho bạc Nhà nước khu vực VII đã lập tức trở thành "chất xúc tác" khiến thị trường bất động sản tại đây sôi động hơn.
Theo ghi nhận của phóng viên Reatimes, phân khúc đất nền và nhà phố tại TP. Thái Nguyên có sự tăng giá đột biến. Đơn cử, tại khu vực phường Phan Đình Phùng, lô đất 75m2 được rao bán với giá 3,5 tỷ đồng, tương đương khoảng 47 triệu đồng/m2. Trong khi thời điểm trước Tết, lô đất này được chủ nhà rao bán chỉ với giá 2,8 tỷ đồng.
Bà N.Loan (phố Cột Cờ, phường Trưng Vương) chia sẻ: "Cuối năm ngoái, tôi rao bán căn nhà gần 120m2 mặt phố Cột Cờ với giá gần 5 tỷ đồng để chia tài sản cho các con mà không tìm được người mua. Thế nhưng 1 tháng trở lại đây có rất nhiều người quan tâm hỏi mua và tôi vừa bán được căn nhà với giá 6,5 tỷ đồng".
Trong khi đó, chị N.Huyền cho biết mới mua lô đất 80m2 trong ngõ ô tô tránh nhau trên đường Bến Oánh (cạnh quảng trường Võ Nguyên Giáp) ngay sau Tết với giá 2,3 tỷ đồng. "Hơn 1 tháng qua, ngày nào cũng hai ba tốp khách vào hỏi mua lại, giá giờ đã được trả lên mức 2,9 tỷ đồng", chị Huyền nói.

Tại Khu dân cư số 4 - phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), giá đất tăng thêm từ 6 đến 8 triệu đồng/m2 sau thông tin sáp nhập tỉnh. (Ảnh: Khánh Tùng)
Ghi nhận tại Khu dân cư số 4 - phường Túc Duyên, lô đất 190m2 đang được chào bán với giá 6 tỷ đồng, xấp xỉ 32 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, thời điểm trước Tết, giá đất khu vực này được rao bán chỉ từ 26 triệu đồng/m2.
Môi giới N.Tuấn cho biết: "Mảnh đất này chỉ cách khu trung tâm hành chính và phố đi bộ trung tâm thành phố sắp triển khai vài trăm mét nên mua đất lúc này là cơ hội đón đầu dự án, giá chỉ tăng chứ không giảm".
Theo thông tin từ một số văn phòng môi giới tại TP. Thái Nguyên, thời gian khoảng 2 tháng trở lại đây, lượng khách ngoại tỉnh quan tâm đầu tư bất động sản tại trung tâm thành phố tăng lên khoảng 40% so với năm ngoái và chiếm hơn nửa trong đó là khách hàng quan tâm tới từ Bắc Kạn.
Anh Vũ Nguyễn Việt Dũng (Sàn bất động sản Bigstar Land) chia sẻ: "Từ khi có tin đồn về việc sáp nhập tỉnh, bất động sản khu ven trung tâm TP. Thái Nguyên có sự tăng giá đột biến. Nếu trung bình trước đó chỉ khoảng từ 28 triệu đồng/m2 thì sau khi có thông tin, giá đất đã tăng lên mức 36 đến 38 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất nền và nhà phố khu trung tâm hành chính tăng cao, vì nhà đất tại khu vực này hiếm người bán và chỉ cần có thông tin là không đến nửa ngày sẽ có cả chục người quan tâm giao dịch".
Cảnh giác trước cơn "sốt đất ảo" ăn theo thông tin sáp nhập tỉnh
Gần đây, khi xuất hiện thông tin về việc sáp nhập một số tỉnh thành nhằm tinh gọn bộ máy và thúc đẩy phát triển kinh tế, thị trường bất động sản tại những khu vực liên quan đã có dấu hiệu biến động mạnh. Giá đất nhiều nơi bị đẩy lên cao bất thường, tạo ra những cơn sốt đất ảo. Các chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư và người dân cần tỉnh táo trước những chiêu trò thổi giá nhằm trục lợi.

TS. Trần Xuân Lượng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam
Trao đổi với PV Reatimes, TS. Trần Xuân Lượng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam nhận định: Khi có thông tin về việc sáp nhập tỉnh, một số nhóm đầu cơ đã tận dụng cơ hội để thao túng thị trường bằng cách tung tin đồn về quy hoạch, trung tâm hành chính mới nhằm kích thích tâm lý mua vào của nhà đầu tư; giao dịch nội bộ, tạo hiệu ứng sốt đất khiến giá tăng nhanh trong thời gian ngắn; đẩy giá lên cao vượt xa giá trị thực, khiến nhà đầu tư và người mua sau dễ mắc kẹt.
Ví dụ điển hình là đợt sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội năm 2008. Giá đất tại nhiều khu vực như Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất từng bị đẩy lên gấp 2-3 lần chỉ trong vài tháng, nhưng sau đó giảm mạnh khi thực tế quy hoạch không đúng như kỳ vọng. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ bị mắc kẹt, không thể bán ra hoặc phải chịu lỗ nặng.
Ông Lượng nhấn mạnh, một thị trường bất động sản có giá trị thật phải đảm bảo các yếu tố: Cầu có khả năng thanh khoản (người mua có đủ khả năng tài chính để thực hiện giao dịch); thông tin minh bạch (có dữ liệu chính thức từ cơ quan quản lý, tránh bị thao túng bởi tin đồn); bất động sản tạo ra dòng tiền (có thể khai thác thương mại, cho thuê hoặc sử dụng thực tế); hạ tầng đầy đủ (đường sá, điện, nước, tiện ích công cộng phải hoàn thiện, thay vì chỉ dựa vào kỳ vọng quy hoạch) và các yếu tố kinh tế xã hội khác.
Trong khi đó, một thị trường bất động sản ảo có đặc điểm: Giá đất bị đẩy lên cao nhưng ít giao dịch thực tế; tỷ lệ bỏ hoang cao, không có hoạt động thương mại hoặc cho thuê; hạ tầng chưa phát triển, chủ yếu dựa vào các dự án chưa rõ ràng.
Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư và người mua nhà, TS. Trần Xuân Lượng cảnh báo: Nhà đầu tư không nên chạy theo tâm lý đám đông, chỉ đầu tư khi có đầy đủ thông tin minh bạch. Bên canh đó, cần xác định rõ nhu cầu mua để ở hoặc kinh doanh, cần đánh giá tiềm năng thực sự thay vì kỳ vọng lướt sóng. Tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức, đề phòng nguy cơ vỡ nợ khi giá đất giảm. Bên cạnh đó, cần kiểm tra pháp lý kỹ lưỡng, tránh mua đất không rõ ràng về quyền sở hữu hoặc vướng tranh chấp.
"Thông tin sáp nhập tỉnh có thể tạo cơ hội phát triển nhưng cũng đi kèm với nguy cơ thao túng giá đất. Nhà đầu tư và người dân cần tỉnh táo, không chạy theo cơn sốt đất ảo. Nhà nước cần có biện pháp quản lý chặt chẽ để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, tránh những hệ lụy nghiêm trọng về kinh tế và xã hội", ông Lượng nói./.