Aa

Thăm đền Đồng Cổ, nhớ lời thề trung hiếu

Thứ Bảy, 11/07/2020 - 07:00

Tinh thần trung hiếu đã trở thành nền tảng tâm thức qua các thế hệ. Khi đứng trước tiền nhân, những vị thần linh bảo hộ cho non sông, thái độ trung - hiếu chính là chuẩn mực để không thẹn với giang sơn, với cha ông mình.

Năm 2014, cùng với tiến sĩ Lưu Văn Thành, một người anh, người bạn đáng quý, tôi đã có duyên lành đặt chân đến vùng đất Đan Nê, Thanh Hóa. Nơi đây có một ngôi đền cổ, xưa là miếu thờ thần trống đồng. Vùng đất này là nơi người ta tìm thấy nhiều dấu tích khảo cổ còn lại từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn. 

Bước chân vào ngôi đền nhỏ, sau khi lên hương và tìm hiểu, ngay lập tức, tôi đã bị ấn tượng bởi câu chuyện về vị thần núi có tên Đồng Cổ và lời thề còn truyền tụng đến nay của các bậc vua quan xưa: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh chu diệt”. Như vậy, tinh thần trung hiếu đã trở thành nền tảng tâm thức qua các thế hệ. Khi đứng trước tiền nhân, những vị thần linh bảo hộ cho non sông, họ từng là những vị tướng, những vị tổ tiên có công với đất nước, thái độ trung - hiếu chính là chuẩn mực để không thẹn với giang sơn, với cha ông mình.

Đền thờ Thần Đồng Cổ, Sách Thanh Hóa kỷ thắng chép:

… Trong đền thờ thần có trống đồng (…). Nguyên thần là tinh khí của trái núi, rất linh ứng. Xưa Hùng vương đi đánh Chiêm Thành trú binh dưới chân núi Khả Lao, đêm mộng thấy thần nhân nói rằng:

- Nguyện được đem trống đồng đi phù trợ vương chiến thắng.

Như vậy, đền Đồng Cổ có tích từ thời vua Hùng.

Đại Việt sử ký toàn thư chép về Lý Thái Tông:

Phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề. Trước đây, một hôm trước khi ba vương làm phản, vua chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn, phải mau đem quân dẹp ngay. Tỉnh dậy liền sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm. Đến đây xuống chiếu giao cho Hữu ty dựng miếu ở bên hữu thành Đại La sau chùa Thánh Thọ, lấy ngày 25 tháng ấy, đắp đàn ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị, đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Các quan từ cửa đông đi vào, đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng 3 có ngày quốc kỵ, chuyển sang mồng 4 tháng 4”.

Như vậy, thần Đồng Cổ còn có công giúp vua Lý trong vụ biến loạn tam vương và lời thề trung - hiếu được xác lập từ đó. Bên cạnh chi tiết độc đáo này, điều đáng lưu ý là câu chuyện về thần Đồng Cổ còn trở nên sáng tỏ với Hùng Vương thánh tổ ngọc phả, cuốn sách dịch và khảo luận về bản ngọc phả được thờ tại đền Vân Luông, Phú Thọ mà chúng tôi vừa ra mắt bạn đọc.

Ngày nay, vẫn còn dấu tích những dòng họ đã có từ thời vua Hùng như ở đền Đồng Cổ ở làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Đền Đồng Cổ là nơi có sự tích về vị thần Trống Đồng đã giúp vua Hùng Quốc Vương đánh giặc Hồ Tôn. 

Đền Đồng Cổ linh thiêng, trầm mặc bên bờ hữu sông Mã. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Cũng tại khu vực này ven dòng sông Mã, dưới thời vua Quang Trung đã tìm được một chiếc trống đồng cỡ lớn. Trống đã được hiến cho đền và sự việc được ghi lại trên bia trong đền. Đền Đồng Cổ ở Đan Nê có một vế đối về việc 3 dòng họ đã kiến lập đất đai dưới thời Hùng Vương. Đó là các họ Trịnh, Lưu, Hà từng đến khai hoang lập ấp ở đây. Đến nay vẫn còn ngôi mộ tổ của ba dòng họ này xung quanh đền Đồng Cổ.

Câu đối ở đền Đồng Cổ:

Vật lưu Bách Việt tổ

Kiến ấp Trịnh Lưu Hà

“Bách Việt tổ” là Hùng Quốc Vương, người đã định trăm họ và phân các anh em cai quản trăm vùng đầu non góc biển. 50 người giữ vùng núi gọi là các bộ Sơn tinh. 50 người xuống khai phá miền ven biển gọi là linh thần Thủy tinh. Di vật của thời kỳ này chính là những chiếc Trống đồng to lớn, tinh xảo, minh chứng rõ ràng nhất cho một thời kỳ huy hoàng của dân tộc Việt trên khắp nẻo Đông Nam Á.

Câu chuyện về đền Đồng Cổ và vị thần núi được truyền tụng cho đến ngày nay chính là một hình thức để ông cha ta lưu giữ lịch sử của dân tộc. Những vị thần được thờ, những ngôi miếu cổ, những đình, đền, chùa, quán chính là những dấu mốc đánh dấu các sự kiện lịch sử của dân tộc. 

Tâm thức người Việt là sự quy hướng về nguồn cội. Mỗi một người ra đi, theo quan niệm dân gian, không phải họ lên nước Chúa hay đến một cõi nào đó. Người đã khuất, họ đi đâu? Họ về với ông bà. Lá rụng về cội. Do vậy, người Việt trọng việc thờ cúng. Trong mỗi ngôi nhà người Việt đều có ban thờ gia tiên; trong mỗi ngôi miếu, ngôi đình chính là những vị tiền nhân có công lao được các làng, xã và đất nước kính thờ. 

Và bởi vì là “thờ” nên đình, chùa, đền, miếu, ngọc phả, gia phả, thần tích, sắc phong, văn bia, bài vị... là những vật thiêng liêng. Người ta không thể tùy tiện tạo dựng những chuyện hoang đường với những gì họ thờ kính. 

Cố nhiên, sự sao chép, lưu truyền trong dân gian từ nhiều thế hệ, nhiều vùng miền và các thời kỳ lịch sử với chiến tranh và âm mưu chặt đứt mối liên hệ văn hóa là có thực. Vậy nên, chúng ta phải thật cẩn trọng suy xét, phân tích, liên hệ đối chiếu với các dữ liệu khảo cổ, và kết hợp hài hòa giữa: Sử quan, sử pháp và sử liệu khi nghiên cứu cố sử.

Trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc Phả, phần Nam Việt Hùng Thị sử ký đoạn chép về vị con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ như sau: "Thái tử là Hùng Quốc Vương đứng đầu trăm anh em tôn thừa nghiệp lớn... Bấy giờ vua truy ơn các bậc thánh trước, bèn thực hiện việc chia đất phân cõi, lập các bộ Sơn tinh Thuỷ tinh, định làm trăm vương, đổi làm trăm họ, đặt ra chức vụ trăm quan, phong tên cho trăm thần, phân chia đầu núi góc biển, hùng cứ mỗi phương...".

Dựng hầu lập bình phong, chia nước thành 15 bộ. Đất đai 15 bộ này được xác định cương giới, định người trưởng quân gọi là Bô (bố), cha gọi là Trá (cha), con trai gọi là Côn (con). Nam nữ đều xem theo dòng cha mà xưng. Hậu thế đổi thành quan lang, phiên thần, thổ tù, phụ đạo. Cháu chắt của các công thần khai quốc được cha truyền con nối, vạn đời nối giữ Nam Bang.

Việc tìm về cội nguồn các dòng họ cũng là nhìn nhận lại cho đúng công lao của các bậc tiền nhân với dân tộc, với quốc gia 

Có thể thấy, sự kết hợp những ghi chép lưu truyền ngàn đời trong Ngọc phả Hùng Vương cùng với những di tích còn lại ở nhiều nơi trên đất Việt là những bằng chứng xác thực về sự xuất hiện các dòng họ người Việt từ rất sớm, vào thời kỳ mở đầu nước Văn Lang của các vua Hùng, cách nay khoảng 3.000 năm. 

Đây cũng là thời kỳ mà xã hội nước ta bước vào chế độ phong kiến phân quyền, khi mà mỗi công thần hay hoàng thân quốc thích được phân phong kiến lập một khu “thực ấp”, hay một nước chư hầu. Con cháu của các vị này được thừa hưởng chức vị và quyền lực từ cha ông, hình thành các dòng họ phụ đạo.

Như thế di sản của dòng họ do đó không chỉ ở cái tên gọi, mà còn là quyền lực trong xã hội và tư liệu sản xuất cơ bản xưa là đất đai. Những dòng họ lớn là những dòng họ của những đại công thần thời dựng nước. Việc tìm về cội nguồn các dòng họ cũng là nhìn nhận lại cho đúng công lao của các bậc tiền nhân với dân tộc, với quốc gia. 

Chúng ta bao đời nay, nhắc mình và nhắc nhở con cháu mình phải “uống nước nhớ nguồn”, nhớ ơn tổ tiên, nhưng lại thờ ơ khi bước vào một ngôi miếu cổ. Chúng ta nghiên cứu lịch sử, nhưng lại thờ ơ với những ghi chép của ông cha truyền lại thì quả là một điều đáng tiếc. Trong nhà, nếu ta muốn biết về tổ tiên quá 5 đời trước, ta sẽ tìm được thông tin ở đâu? Chính là ở trong cuốn gia phả. Cũng như gia phả trong mỗi gia tộc, ngọc phả của quốc gia ghi chép đầy đủ tên tuổi các vị tiền nhân, chi tiết công trạng, thông tin thờ tự, mộ huyệt,... mà chúng ta còn khảo được qua những di tích ở khắp các nơi trên mảnh đất này, vậy nên, thái độ khách quan, cẩn trọng và cầu thị là vô cùng cần thiết trong nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là cổ sử.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top