Mà không thấy hiện diện ở phiên tòa phúc thẩm xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương?
Đó là câu hỏi tôi bật ra khi nghe tin bác sĩ Lương bị án tù giam. Và nay đọc tin tức về việc Bộ Y tế đang có văn bản phản bác bản án và yêu cầu giám đốc thẩm lại vụ án thảm họa chạy thận Hòa Bình mà tâm điểm là số phận của bác sĩ trẻ Hoàng Công Lương, tôi lại tự hỏi liệu ông thần công lý kia có tiếp tục “ngủ quên” nữa hay không!
Theo kết luận điều tra của cơ quan công an mà tòa dựa vào đó để phán quyết: 9 bệnh nhân Hòa Bình chết vì ngộ độc HF (acid flohydric). Lượng HF tồn dư này được cho là do bên súc rửa máy sử dụng gây ra. Bác sĩ Lương bị kết tội là do chỉ nghe lời từ miệng các y tá và nhân viên kỹ thuật nói, máy sửa xong rồi, tốt rồi nên ra y lệnh chạy máy lọc thận cho bệnh nhân, thay vì phải nhìn thấy biên bản xác nhận tình trạng máy móc và chất lượng nguồn nước... Tòa đã ra phán quyết ở phiên phúc thẩm, bác sĩ Lương phải chịu án 3 năm tù giam cho hành vi sơ xuất của mình.
Mới đây, Viện trang thiết bị và công trình y tế đã dựng lại toàn bộ hệ thống máy lọc thận nhân tạo ở Bệnh viện Hòa Bình để nghiên cứu và đưa ra kết luận: Các van của hệ thống này bị hỏng, nguồn nước máy rỉ vào nước đã lọc, dẫn đến ô nhiễm đa chất nguồn nước dùng lọc thận là nguyên nhân gây tử vong - sốc phản vệ do nước bẩn!
Vậy thì rốt cuộc 9 bệnh nhân tại Hòa Bình chết vì nguyên nhân gì? Ngộ độc HF hay là sốc phản vệ do nước nhiễm bẩn đa chất? Hai nguyên nhân tử vong này hoàn toàn khác nhau và có các triệu chứng lâm sàng điển hình khác nhau. Hồ sơ bệnh án còn lưu. Các biên bản khám nghiệm tử thi vẫn còn lưu. Tại sao tòa án Hòa Bình bất chấp tất cả, không thèm đếm xỉa đến ý kiến của các nhà chuyên môn sâu để ra một phán quyết vô cùng bất nhân đến vậy?
Đành rằng bác sĩ Hoàng Công Lương có lỗi. Nhưng đó chỉ là lỗi về mặt hành chính. Bởi thực tế thì dù có biên bản đó hay không, thảm họa vẫn xảy ra. Với cơ chế vận hành hệ thống máy móc như vậy thì rõ ràng là nằm ngoài sự kiểm soát và trách nhiệm của bác sĩ điều trị. Chịu trách nhiệm về máy móc và chất lượng nước là bộ phận vật tư y tế chứ không phải bác sĩ. Cho nên dù là nguyên nhân tử vong nào thì cũng đứng ngoài khả năng và trách nhiệm của bác sĩ Lương.
Với cái lỗi hành chính của mình, đáng ra bác sĩ Lương chỉ phải chịu kiểm điểm nghiêm khắc về việc tuân thủ các quy trình làm việc hoặc cùng lắm là một cái án treo có tính chất răn đe nhắc nhở. Đằng này không. Tòa án Hòa Bình đã đánh đồng một bác sĩ vô tội (nhưng vẫn có lỗi) với cả một hệ thống gây ra chết người nơi đây mà đứng đầu là Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc bệnh viện!
Họ phán xét bác sĩ Lương không khác gì những tên tội phạm khác: một bản án bất công đến nỗi y giới và nhân dân cả nước phải ngửa mặt lên trời kêu, thần công lý đã đi vắng!
Những người làm chuyên môn đều biết, khi thiết lập một hệ thống máy móc điều trị nào đó là người chịu trách nhiệm cao nhất của cơ sở điều trị phải ra quyết định thành lập tổ chức nhân sự hệ thống vận hành bảo quản. Và đồng thời phải xây dựng các quy trình làm việc liên quan.
Trong vụ này, trách nhiệm hoàn toàn là của giám đốc bệnh viện chứ không ai khác. Trong lần xét xử đầu tiên, tòa án Hòa Bình đã định đem bác sĩ Lương ra làm vật tế thần, còn Giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương thì đi Canada chơi. Sau này do sức ép của dư luận cả nước họ đã đành phải gọi Trương Quý Dương và đồng bọn ra tòa.
Thế nhưng thay vì xử đúng người đúng tội, họ lại vẫn giáng lên đầu vị bác sĩ trẻ tuổi một bản án khắc nghiệt với những lời kết tội như anh ta là nguyên nhân chính gây ra thảm họa! Thật là điên rồ ngu xuẩn hết chỗ nói! Tòa Hòa Bình vì trình độ kém hay vì nguyên nhân nào khác đã đưa ra bản án vô luân bất chấp đạo lý, lẽ phải như vậy?
Cho đến hôm nay đã có rất nhiều uẩn khúc của vụ án này được phơi bày. Các nhà chuyên môn sâu ở trình độ cao đã lên tiếng. Bộ Y tế cần phải có văn bản chính thức kháng nghị giám đốc thẩm vụ này đến Quốc hội, Bộ Công an, Viện kiểm sát tối cao, Tòa án tối cao ngay lập tức. Tuyệt đối không để các ngành tư pháp của tỉnh Hòa Bình tham gia xét xử.
Cần phải có một phiên tòa mới với các thẩm phán công tâm và mời các nhà chuyên môn đến tham dự để cùng tranh luận tìm ra nguyên nhân chính xác của thảm họa. Không chỉ là bảo vệ các bác sĩ chân chính đang hành nghề. Không chỉ là rút ra bài học cho mọi nơi. Mà còn là để cho nhân dân cả nước thấy rằng, rốt cuộc thì lẽ phải vẫn luôn chiến thắng.
Và vị thần công lý vẫn tồn tại trên đời!