Aa

Thuốc hạ huyết áp: Tại sao phải uống hàng ngày?

Chủ Nhật, 21/07/2019 - 06:00

Nếu đã bị bệnh cao huyết áp, dù huyết áp của bạn có tăng cao hay không thì bạn vẫn phải tuyệt đối tuân thủ chế độ uống thuốc hàng ngày.

Tất nhiên là chỉ với người bị bệnh cao huyết áp.

Nhưng trước hết có lẽ ta nên tìm hiểu chút, huyết áp là gì? Huyết áp là áp lực đẩy máu do sức bơm của tim và độ cản của thành mạch. Hay hiểu một cách khác đó chính là áp lực của dòng máu lên thành mạch.

Như ta đã biết, hệ tim mạch gồm hai thành phần cơ bản: tim và hệ mạch máu. Tim co bóp tạo ra áp lực đẩy máu lưu thông trong hệ mạch tới các cơ quan trong cơ thể. Mỗi lần tim co bóp lại để tống máu từ tim vào động mạch: áp lực máu tạo ra khi ấy ta gọi là huyết áp tối đa. Khi tim dãn nở ra để hút máu từ các cơ quan trở về tim, khi ấy áp lực máu lên thành mạch thấp, ta có huyết áp tối thiểu.

Huyết áp chuẩn của một người thường dao động quanh chỉ số: Tối đa là 90 - 130mmHg, tối thiểu là 60 - 85mmHg. Với những chỉ số huyết áp như vậy thì con người ta sẽ cảm thấy thật là khỏe mạnh yêu đời.

Còn thế nào là cao huyết áp? Là khi thầy thuốc thăm khám mà thấy huyết áp của bạn thường xuyên tối đa ở ngưỡng 140mmHg và tối thiểu ở 90mmHg trở lên.

Hiện nay rất nhiều người bị cao huyết áp, tại sao vậy?

Thực ra cho đến nay giới y học vẫn hầu như chưa có hiểu biết gì lắm về nguyên nhân gây ra chứng bệnh này. Họ kết luận có tới 95% là vô căn! Nghĩa là huyết áp nó tăng lên cao mà không có căn cứ nguyên nhân rõ ràng là tại làm sao lại tăng!

Có nhiều phỏng đoán: Do lối sống, do thành mạch máu sử dụng lâu năm bị xơ vữa, cứng hóa. Do hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm vốn chịu trách nhiệm điều khiển tự động các phản xạ sống của các cơ quan trong cơ thể chúng ta gồm cả hoạt động của hệ tim mạch không được trơn tru nhịp nhàng chính xác như khi ta còn trẻ.

Ví dụ như ban đêm hoặc buổi sớm lạnh, ta tung chăn ra khỏi giường, chênh lệch giữa nhiệt độ phòng và nhiệt độ môi trường cao - đặc biệt là trong mùa lạnh, thế là hệ thần kinh vốn tự động kia của chúng ta nhận ngay được tín hiệu cần phải co mạch tăng huyết áp đưa máu đến nhanh các cơ quan để chống lạnh! Tim lập tức tăng nhịp.

Thế nhưng các cái hệ thần kinh điều khiển tim mạch của chúng ta kia có lẽ do có tuổi lâu ngày rồi, nó hoạt động không còn chính xác nữa. Thay vì tăng vừa đủ để cơ thể chống lạnh, nó tăng vọt lên cao quá đến độ... vỡ mạch máu não! Thế là xong, tai biến xảy ra.

Nhưng có một thực tế là những người bị chứng cao huyết áp mới đầu lại rất khí thế khỏe mạnh nên cảm thấy như là mình chả bệnh tật gì, không như những người bị chứng huyết áp thấp, luôn thấy mệt mỏi và chán đời! Nên nhiều khi tai biến xảy ra rồi mới ngộ thì đã muộn. Thế nên cái bệnh cao huyết áp còn được y giới đặt cho cái tên: “Kẻ giết người thầm lặng”!

Mà không chỉ có vậy, do thành mạch máu của chúng ta qua năm tháng sử dụng đã không còn trơn láng mềm mại, đã bị đóng cặn bởi Cholesterol, chít hẹp đi ít nhiều nên để đẩy đủ được lượng máu đi nuôi cơ thể tim phải tăng lực co bóp dẫn đến tăng áp lực máu, huyết áp cao.

Mà huyết áp cao thường xuyên sẽ dẫn đến suy tim. Bởi tim phải co bóp với cường độ cao liên tục để tống máu đi các nơi lâu ngày sẽ mệt mỏi, tim phình to, van tim bị giãn hở, suy tim. Không hạ huyết áp giảm tải cho tim kịp thời đến một lúc nào đó tim suy không hồi phục được nữa. Trên hình ảnh siêu âm các bạn sẽ thấy một quả tim to bất thường. Và sức khỏe của sẽ cực kỳ suy sụp.

Lúc bấy giờ muốn cứu vãn chỉ có nước thay tim! Bạn hãy hình dung liên tưởng đến hình ảnh của một chiếc bơm hơi xe đạp: cứ phải bơm với cường độ cao và áp suất lớn liên tục, cái lá gió của chiếc bơm sẽ nhanh chóng bị nhão hỏng, muốn dùng được sẽ phải thay cái khác- với trái tim con người ta cũng tương tự vậy.

Bởi không tìm được nguyên nhân sâu xa gây ra chứng tăng huyết áp nên người ta không thể chữa triệt để bệnh này được, mà chỉ có thể dùng thuốc để đưa huyết áp trở về chỉ số bình thường. Thuốc hết tác dụng là huyết áp lại có thể tăng cao bất cứ lúc nào. Nên tăng huyết áp là một chứng bệnh kinh niên!

Nói thêm: Hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm của con người nó hoạt động tự động và không phụ thuộc vào ý muốn của chúng ta nên nó còn có tên gọi chung khác là: Hệ thần kinh thực vật! Hoàn toàn tự động: gặp nóng, sẽ tự động chỉ huy cơ thể tiết mồ hôi để giải nhiệt. Gặp lạnh sẽ tự động chỉ huy cơ thể tiết ra các chất làm co mạch, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tạo phản xạ run cầm cập để chống rét. Thần kinh trung ương tư duy trí tuệ của chúng ta không tác động gì được vào hoạt động của hệ này!

Vì phần lớn bệnh cao huyết áp không tìm được nguyên nhân nên người ta chỉ dùng thuốc trị triệu chứng: huyết áp tăng cao thì hạ xuống bình thường, thế thôi, là hết vỡ mạch máu hết tai biến. Giảm tải cho tim là hết nguy cơ suy tim.

Thông thường khi xử lý những cơn tăng huyết áp cấp thày thuốc sẽ cho kết hợp nhiều loại thuốc trong đó có cả thuốc an thần (seduxen) và nằm nghỉ tại chỗ. Nhưng chủ lực thì luôn phải dùng các thuốc hạ huyết áp.

Thuốc hạ huyết áp hiện nay có rất nhiều loại, thường được chia làm 4 nhóm chính:

- Nhóm lợi tiểu: Amiloride, Furosemide, Hydrochlothiazide...

- Nhóm tác động đến hệ thần kinh: Propranolol, Acebutalol, Methydopa...

- Nhóm ức chế men chuyển: Catopril, Enalapril, Losartan, Valsartan...

- Nhóm chẹn kênh calci: Nifedipine, Amlodipine, Nimodipine...

Ngoài ra còn có loại thuốc kết hợp, ví như lợi tiểu và ức chế men chuyển vào trong một viên hỗn hợp: Losartan + Hydrochlothiazide.

4 nhóm thuốc với cả ngàn biệt dược như ma trận vậy thì chúng ta - những người bị cao huyết áp kinh niên biết chọn thứ nào? Câu trả lời ở đây là bạn hãy đi khám xét cẩn thận và kết hợp với sự chỉ dẫn của thầy thuốc để tìm cho mình một loại thuốc phù hợp với cơ địa của mình: điều này thì bắt buộc phải qua thực tế điều trị của bản thân từng người, với sự tư vấn của thày thuốc mới tìm ra được mà không có đáp số chung!

Sau khi tìm ra được loại thuốc phù hợp với cơ thể mình (hạ huyết áp tốt và không có tác dụng phụ) thì việc cần làm là các bạn phải uống thuốc hạ huyết áp hàng ngày, đều đặn, vào một giờ cố định, để giữ huyết áp luôn ở mức an toàn bình ổn.

Bởi như đã nói ở phần trên, tăng huyết áp là một chứng bệnh vô căn, nó có thể lên bất thình lình lúc nào đó không ai biết trước được. Mà huyết áp tăng cao đột ngột rất dễ dẫn đến tai biến thường gặp là vỡ mạch máu não thì rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao và di chứng nặng nề: liệt, sống thực vật...

Chính vì vậy một khi bạn đã được thầy thuốc kết luận là mắc phải bệnh tăng huyết áp thì có nghĩa là phải làm bạn với thuốc suốt đời, như cơm ăn nước uống hàng ngày. Để giữ cho huyết áp của bạn lúc nào cũng bình ổn cả 24h trong ngày.

Nhưng có một vấn đề đặt ra đó là các loại thuốc hạ huyết áp thường khi uống vào cơ thể chỉ có tác dụng từ 4 - 6h, như vậy một ngày sẽ phải uống nhiều lần rất bất tiện: Thật may các nhà bào chế dược đã phát minh ra dạng thuốc giải phóng hoạt chất chậm trong cơ thể, chỉ cần uống một viên là có tác dụng trong cả ngày.

Bởi viên thuốc này có một màng bao đặc biệt giúp cho trong quá trình di chuyển trong ống tiêu hóa không bị tan ra, mà nó sẽ phóng thích hoạt chất từ từ, để lúc nào trong máu cũng có một lượng hoạt chất vừa đủ có tác dụng hạ huyết áp cho cơ thể, nên người ta chỉ cần uống một lần mỗi ngày, một viên, thường là vào buổi sáng.

Các loại thuốc giải phóng hoạt chất chậm trong cơ thể này sẽ có chữ RETARD kèm theo tên biệt dược - tiếng Anh retard, nghĩa tiếng Việt là chậm. Ở đây là thuốc giải phóng hoạt chất chậm chứ không phải thuốc chậm có tác dụng! Ví dụ: Amlodipine 10mg retard, Enalapril 5mg retard... Bạn chỉ cần uống 1 viên buổi sáng là có tác dụng bình ổn huyết áp trong cả ngày!

Để kết bài này, xin nhắc lại các bạn lần nữa: Nếu đã bị bệnh cao huyết áp, dù huyết áp của bạn có tăng cao hay không thì bạn vẫn phải tuyệt đối tuân thủ chế độ uống thuốc hàng ngày. Để không cho những cơn tăng huyết áp bất thình lình gây tai biến có thể xảy ra. Phòng hơn chống, đó chính là nguyên tắc mà những người có chứng cao huyết áp kinh niên phải thuộc!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top