Aa

Đò ngang

Chủ Nhật, 04/08/2019 - 06:01

Quê tôi cạnh con sông Đuống. Đó là tên nôm. Còn tên chữ khá đẹp: Sông Thiên Đức. Sông Đuống nối sông Hồng với sông Thái Bình rồi đổ ra biển Đông.

Từ cửa sông là chỗ ngã ba Dâu lấy nước sông Hồng xuôi đến cửa Đại Than là chỗ tiếp Lục Đầu Giang chỉ chưa đầy bảy mươi cây số, nhưng con sông này mang trong lòng nó cả một chiều dài lịch sử nước nhà. Và cũng chính con sông này với dòng nước đỏ nặng phù sa xưa kia đã bồi đắp nên cả một miền quê trù phú hai bên bờ tả hữu...

Sông khá rộng, mùa lũ nước chảy xiết nên để qua lại hai bờ xưa thường phải có đò: những bến đò ngang. Thế nên xuôi từ phía đằng Đông Anh, Hà Nội xuống Lương Tài, Bắc Ninh có vô số bến đò ngang: đò Lời, đò Chi, đò Á Lữ, đò Hồ, đò Ngăm, đò Bình Than, đò Kênh Vàng... kể không hết.

Tôi đã đi đò qua sông Đuống vô số lần, không nhớ nổi nữa. Nhưng chưa từng lần nào gặp một ai đó để “chuyến đò nên nghĩa”, như câu ca dao người quê tôi vẫn hát.

Tôi không có duyên chăng mà bao lần về, sang trên các con đò khắp triền sông quê vẫn không lưu lại được một kỷ niệm nào về người. Mà tôi chỉ nhớ mãi hình ảnh con đò kẽo kẹt mái chèo kiên nhẫn vượt sông... Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến ông bạn nhà thơ vong niên Nguyễn Bảo Sinh, viết về con đò, chuyến đò:

                 “Cùng trên một chuyến đò ngang

                   Kẻ thì sang bến người đang về nhà

                  Ông đò lái mãi thành mê

                  Sang về chẳng biết là về hay sang”.

Lần đầu đọc xong, thấy bàng hoàng. Một điều giản dị bấy lâu mà nay mình mới ngộ. Đúng là cùng trên một chuyến đò sang sông ấy, tôi thì đang đạp xe sang Ninh Hiệp, chợ Giàu mua bán. Còn mấy cô nàng áo đỏ quần hồng ngồi véo von đầu thuyền kia lại hình như vừa đi hội bên chùa Bút Tháp trở về.

Người thì đi, kẻ thì về ấy vậy mà đều cùng trên một chuyến đò ngang qua dòng Thiên Đức. Một đò. Một ông lái. Đi về một hướng. Nhưng tâm tưởng lại khác hẳn nhau, đối lập: kẻ về thì xôn xao vui vì về nhà mình, kẻ đi thì bất định biết điều gì chờ phía trước?

Nhưng đi hay về thì cũng đều trên một con thuyền, cập một bến. Hình như nhà thơ Bảo Sinh đang đưa ra cho chúng ta một công án thiền chứ không phải là ông ta làm thơ nữa! Chúng ta xuôi ngược trên dòng đời bất tận, kẻ kiếm công danh kẻ kiếm tiền. Người hô nhân nghĩa tu tiên, kẻ thì lại bất chấp đạo lý chỉ để thỏa mãn dục vọng cá nhân...

Nói chung nhân gian hình như mục đích, sở thích sống chả mấy khi trùng nhau, giống nhau. Nên người ta mới nói, “nhân tâm tùy sở thích”. Thế nhưng chúng ta đều phải cùng nhau ngồi trên một chuyến đò cuộc đời, đều phải đến một bến bờ cuộc đời: Cái chết! Tại đó người khoan khoái như cuộc trở về nhà, coi cái chết là sự trở về, là cát bụi lại về cát bụi.

Nhưng lại có kẻ coi đó như là một sự khởi đầu của kiếp luân hồi mới, mang tâm thế của người lữ hành lo âu dấn bước, bỏ lại chuyến đò cuộc đời với những hỷ nộ ái ố sau lưng.

Đọc kỹ bài thơ, tôi ngộ ra một điều, cuộc đời như một chuyến đò của đấng tối cao trên đó mỗi người có thể hướng theo những mục đích khác hẳn nhau, đối lập nhau. Nhưng rồi vẫn phải cùng nhau sang sông.

Những tranh giành cắn xé tước đoạt nhau, ném đồng loại ra khỏi con đò cuộc đời khiến cho họ không thể đi hết chuyến đò đời mình. Thì rồi kẻ cậy mạnh mà ném đồng loại kia cũng chỉ có tới một bến cuối như ai mà thôi. Đời là vậy đó. Ta hãy chấp nhận cùng nhau ngồi trên một chuyến đò dù có thế nào, hẳn có vui hơn không.

Khi tôi biết được bài thơ này thì tôi hầu như không còn đi đò ngang nữa. Bởi tôi đã chuyển sang lái ô tô và, qua sông Đuống giờ đây đã có rất nhiều cầu: Cầu Đuống, cầu Phù Đổng, cầu Phật Tích, cầu Hồ, cầu Bình Than... Và sẽ còn thêm nhiều cầu nữa. Thế nhưng mỗi lần lái xe trên cầu qua sông, tôi rất hay nhẩm trong đầu bài thơ trên.

Và ngẫm nghĩ mãi. Tôi thấy hơi tiếc khi xưa chưa lần nào hỏi ông lái đò bến Bình chỗ tôi hay đi ngày xưa là ông ấy có nghĩ gì khi cứ ngày ngày kẽo kẹt chèo đi về giữa hai bờ. Có lúc nào ông ấy mê đi và tự hỏi như nhà thơ Bảo Sinh viết không nhỉ, “Sang về chẳng biết là về hay sang”!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top