Aa

Thân phận con người

Chủ Nhật, 19/04/2020 - 07:00

Suy tư về thân phận, về số phận của con người trong thế giới này luôn là sự muôn đời. Là việc muôn đời của những con người có tư duy.

Thân phận hay số phận của mỗi con người luôn là điều trăn trở day rứt, không chỉ của các nhà triết học, khoa học hay các văn nhân nghệ sĩ trí thức mà còn của hầu hết chúng sinh trong cõi đời này. Mấy ai trong cõi trăm năm mà đã không từng tự hỏi số phận mình là ở đâu? Thân phận mình nay mai rồi sẽ ra sao?

Cô thiếu nữ thôn quê ngày xưa cũng bâng khuâng:

“Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào giếng ngọc hạt ra ruộng cày.”

Đại thi hào Nguyễn Du thì viết:

“Ngẫm hay muôn sự tại trời

Trời bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao”

Làm người có thân. Thân là thân phận. Là số phận của từng người đó...

Trước đó, nhà thơ đất Kinh Bắc, Ôn như hầu Nguyễn Gia Thiều đã viết trong “Cung oán ngâm khúc”:

“Cái quay búng sẵn trên trời

Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”

Là ông cho rằng mọi sự trên đời, mọi thân phận con người đã được một đấng tối cao ấn định sẵn. Thân phận con người hay sự vận hành của vũ trụ đều trong một cái guồng quay mà thượng đế, đấng tối cao đã búng sẵn trên trời rồi. Thượng đế sáng tạo ra cả thế giới này như là một trò chơi của ngài, như trẻ con làm cái con quay, rồi ngài búng một phát cho cái con quay ấy hoạt động. Và cuộc sống loài người trên thế giới này bắt đầu tuần hoàn sáng trưa chiều tối. Đời người bắt đầu sinh, lão, bệnh, tử...

Có lẽ trong các nhà thơ cổ Việt Nam, Nguyễn Gia Thiều là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất, thơ ông đầy những tâm trạng, nhưng suy tư về vũ trụ, về kiếp nhân sinh, những câu hỏi u uất về kiếp người.

Lan man chút chuyện thơ văn ngày xưa để thấy rằng, suy tư về thân phận, về số phận của con người trong thế giới này luôn là sự muôn đời. Là việc muôn đời của những con người có tư duy. Giới trí thức xưa đã thế mà ngày nay cũng vậy. Cũng không ngừng nghỉ với những câu hỏi, chúng ta là ai, chúng ta ở đâu đến, chúng ta sẽ đi đâu, chúng ta là gì trong cái vũ trụ mênh mông không cùng không tận này? 

Chúng ta là gì trong cái vũ trụ mênh mông không cùng không tận này?  (Ảnh: Internet)

Gần đây có một giả thuyết được nhiều người chia sẻ cho rằng, thực ra thế giới mà chúng ta đang sống chỉ là một “trò chơi” sáng tạo của một tay kỹ sư vi tính ở một thế giới khác tạo ra, mà loài người gọi là tạo hóa, thượng đế, đấng sáng thế, ông giời... Cuộc sống thực của chúng ta nhưng là ảo của thế giới khác. Chúng ta đang sống “thực tại ảo”! Nếu giả thuyết này đúng thì mỗi con người chúng ta đều đã được đấng tối cao kia chẳng đã lập trình sẵn cho một số phận rồi đó sao?

Gần đây tôi có đọc một bài báo khoa học dài, rất hay của Giáo sư Tiến sĩ khoa học Vật lý ứng dụng Trần Xuân Hoài - Trần Gia Ninh, nhan đề: “Chuyện vận hạn dưới góc nhìn khoa học". Trần Gia Ninh còn là một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử rất hấp dẫn nữa kia. 

Trong bài báo này, ông đã dùng kiến thức khoa học để lý giải câu hỏi: Con người ta sinh ra có số phận định sẵn hay không? Theo lý giải của một nhà khoa học như ông, sau khi khảo sát những vấn đề của các môn bói toán tử vi tướng số, của Kinh Dịch phương Đông, Kinh Thánh phương Tây... ông cho rằng “Nếu loại bỏ những điều phi khoa học, không logic và mang màu huyền bí thì những luận cứ của Chiêm tinh, Tử vi, Kinh Dịch khả dĩ chấp nhận dưới góc nhìn khoa học có thể tóm tắt thành các định đề dưới đây:

Một là, con người sinh ra đã được tạo hóa định mã lập trình (có thể hiểu là số phận).

Hai là, con người là một thực thể vũ trụ, do âm dương kết hợp mà thành, chịu ảnh hưởng của vũ trụ trong quá trình hình thành. Mà ảnh hưởng nhất là Mặt Trời và Mặt Trăng.

Ba là, sự phát triển của đời người dựa trên cơ sở lập trình lúc hình thành và biến chuyển liên tục dưới tác động của vũ trụ.

Bốn là, dấu ấn của vũ trụ và mã lập trình được xác định trong khoảng thời gian hình thành lấy thời điểm ra đời (ví dụ ngày sinh) làm mốc.

Khoa học dù có tiến đến đâu thì cũng không thể hiểu hết được đại vũ trụ là không gian bao la rộng lớn không cùng không tận ngoài kia (Ảnh: Internet)

Đưa ra soi xét vi mô cơ thể con người dưới ánh sáng khoa Sinh học phân tử hiện đại, nay người ta đã giải mã được hoàn toàn bộ gien của từng người. Trên cơ sở đó người ta đã nghiên cứu và gần như xây dựng được một cái gọi tạm là “lá số tử vi sinh học cuộc đời” cho từng cá nhân. 

Bởi trong bộ gien của chúng ta đã mang sẵn các quy định tầm vóc, tính cách, tuổi thọ cho đến cả những căn bệnh cá nhân đó sẽ mắc phải vào thời gian nào. Tất cả đã được ấn định ngay tức khắc thời điểm khi tinh trùng mang ADN của người cha xuyên qua vỏ trứng lao vào để kết hợp với ADN của người mẹ, hoài thai ra chúng ta. 

Tất cả đã được ấn định khi đó, bộ gien con người hoàn chỉnh đã hình thành. Và bộ gien ấy đã quy định cho chúng ta sống một cuộc đời như thế nào sau này. Vậy thì chả rõ một điều là, mỗi con người phải có số phận riêng biệt từng người sao? Những tác động của mặt trăng, mặt trời, của các lực vô hình trong vũ trụ ngay tại thời điểm hình thành ADN của một con người mới, trong cái thời khắc của đấng tối cao kia thì khoa học chưa lý giải được. Mà chắc là vĩnh viễn không lý giải được! 

Bởi khoa học dù có tiến đến đâu thì cũng không thể hiểu hết được đại vũ trụ là không gian bao la rộng lớn không cùng không tận ngoài kia. Và chắc chắn cũng không thể nào hiểu cho cặn kẽ được cái tiểu vũ trụ là mỗi con người của mình. Khoa học thực ra chỉ để thỏa mãn trí tò mò cố hữu của con người chứ không hy vọng gì để một ngày kia loài người sẽ hiểu rõ mọi chuyện, rành rẽ đến mức độ như là trong những câu chuyện cổ truyền kỳ đầy rẫy trên trái đất này rằng, đấng tạo hóa đã tạo ra muôn sự muôn vật như thế nào. 

Không. Vĩnh viễn chúng ta sẽ không hiểu được, không tìm được lời giải đáp cho dù muôn kiếp qua đi sẽ vẫn đau đáu với những câu hỏi, ta là ai, ta từ đâu đến, ta sẽ đi về đâu...?

“Có một đấng tối cao đã sáng tạo ra thế giới này!” (A.Einstein)

Một trí tuệ siêu việt hàng đầu thế giới ở thế kỷ XX là A. Einstein, sau một đời nghiên cứu khoa học, tư duy suy ngẫm, cuối đời cũng đã thốt lên: “Có một đấng tối cao đã sáng tạo ra thế giới này!” Còn đấng tối cao đó sáng tạo như thế nào, hình thù ra sao... loài người đang cố công, nhưng sẽ vĩnh viễn không hiểu nổi. Và đấng tạo hóa hình như đang đứng bên ngoài vũ trụ của chúng ta cười ruồi trước cái nhốn nháo, nhôn nhao của con người! 

Bởi ta hãy thử tưởng tượng xem, những nhân vật trong một trò chơi vi tính trong máy tính, có thể hiểu được tâm tư tình cảm hay cách làm việc của tay kỹ sư chế tạo ra cái phần mềm trò chơi có tên là “Thế giới loài người” không? Chắc chắn là không. Vĩnh viễn là không. Và hoàn toàn có khả năng, đến một lúc nào đó, tay kỹ sư vi tính kia, không thích cái trò thế giới loài người nữa, tay ấy delete. Thế là chỉ cần một cú click chuột, cái thế giới loài người đang huy hoàng đẹp đẽ, nhốn nháo khổ đau, lừa lọc khốn nạn hay hạnh phúc thăng hoa... tan biến!

Thế nhưng nói thế không có nghĩa là chúng ta cứ ngồi yên để xem con tạo xoay vần đến đâu, để mặc cho số phận cuộc đời nổi trôi. Sống ở trên đời này, đến giờ phút này, đã có ai dám đoán chắc ý trời, biết trước được số mệnh của mình và của mọi người? 

Mà như trong bài báo của nhà khoa học Trần Xuân Hoài, số phận của con người, thân phận của một cá nhân hay thậm chí của cả một cộng đồng, dân tộc còn chịu sự chi phối của các yếu tố ngẫu nhiên trong vũ trụ kia. Vậy nên câu chuyện đoán trước thân phận, số mệnh của một con người nhiều lúc cũng chỉ là câu chuyện phiếm bên bàn trà khi mọi sự đã đi qua mà thôi. Thôi chúng ta đành “tận lực tri thiên mệnh”, hãy lao động và chiến đấu hết mình, sẽ biết số phận ở đâu và cuộc đời - Đấng sáng thế, dành cho mình những gì!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top