Theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, công trình cảng của nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn được thiết kế để tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 40.000 DWT, công suất nhập cảng 10 triệu tấn dầu thô/năm.
Từ lần nạo vét gần nhất năm 2019 đến nay, sau quá trình hoạt động, khu vực luồng tàu bị sa bồi nghiêm trọng, không bảo đảm độ sâu cho phép để có thể tiếp nhận tàu dầu như thiết kế, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã lập dự án nạo vét, duy tu công trình cảng để phục vụ cho hoạt động vận tải vào ra nhà máy giai đoạn 2022 - 2026, với tổng khối lượng chất nạo vét khoảng 6,964 triệu m³, xử lý bằng phương án nhận chìm ở biển hoặc tận thu làm vật liệu san lấp.
Tại hội nghị xem xét phương án xử lý chất nạo vét từ dự án nạo vét, duy tu công trình cảng nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (ngày 25/5), đại diện lãnh đạo các sở, ngành, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn, UBND Thị xã Nghi Sơn... hầu hết không thống nhất phương án của nhà máy, vì cho rằng phương án này không chỉ ảnh hưởng tới ngư trường mưu sinh của ngư dân vùng biển Nghi Sơn, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới hệ sinh thái vùng biển khu vực đảo Hòn Mê.
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn là nhà đầu tư chiến lược của tỉnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy không chỉ có vai trò quan trọng đối sự tăng trưởng, tăng thu ngân sách của địa phương, mà còn đối với cả nước. Do vậy, tỉnh Thanh Hóa rất trăn trở tìm giải pháp phù hợp để đồng hành, hỗ trợ nhà máy hoạt động hiệu quả.
"Nhà máy cũng phải chú trọng bảo đảm môi trường sống cho nhân dân và môi trường sinh thái biển. Tỉnh Thanh Hóa sẽ cân nhắc, nghiên cứu phương án tốt nhất cho cả địa phương và doanh nghiệp, và đề nghị doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm đối với mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Để hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn theo xu thế chung của thế giới, phù hợp với định hướng phát triển đất nước và quy định tại Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo (chỉ được nhận chìm chất nạo vét ở biển khi không thể đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền hoặc việc đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền không hiệu quả về kinh tế - xã hội), tỉnh Thanh Hóa đề nghị Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn nghiên cứu phương án đổ thải trên bờ tận dụng làm vật liệu san lấp”, ông Giang cho biết thêm./.