Aa

Thanh Hóa: Phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Ba, 27/10/2020 - 14:35

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, phấn đấu đưa Thanh Hoá trở thành cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc.

Trong những năm qua, các cấp ủy Thanh Hóa luôn đề ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng xác định “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà tư trong và ngoài nước vào đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh” là một trong các khâu đột phá quan trọng của nhiệm kỳ này. 

Ông Lê Minh Nghĩa, đại biểu Đảng bộ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành trong tỉnh, môi trường đầu tư kinh doanh của Thanh Hóa tiếp tục được cải thiện rõ rệt, thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả quan trọng.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 24 cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2016. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh từ nhóm điểm trung bình và xếp thứ 27 năm 2016 tăng lên nhóm điểm cao và xếp thứ 11 cả nước.

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 1.072 dự án đầu tư trực tiếp, gấp gần 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, với tổng vốn đăng ký là 114.500 tỷ đồng và 3,6 tỷ USD. Thanh Hóa luôn đứng trong nhóm đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Toàn tỉnh hiện có 132 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký là 14,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 610 nghìn tỷ đồng, gấp 1,8 lần so giai đoạn trước và nằm trong nhóm 5 tỉnh thành phố huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước.

Giai đoạn 2016 - 2020 có 14.200 doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký là 99.000 tỷ đồng gấp 2,7 lần về số doanh nghiệp và gấp 4,4 lần về vốn đăng ký so với giai đoạn 2011 - 2015 và đứng thứ 7 cả nước về thành lập mới doanh nghiệp.

Những kết quả đạt được trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tạo ra bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 12,1%; quy mô nền kinh tế năm 2020 gấp 1,8 lần so với năm 2015. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 ước đạt 28.900 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với đầu nhiệm kỳ và đưa Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước.

Thanh Hóa có được kết quả nêu trên là nhờ công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, thực hiện đổi mới quy trình xử lý văn bản hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính, chuyển từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan quản lý Nhà nước.

Bên cạnh đó, tỉnh đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, quyết liệt, là một trong những địa phương đi tiên phong trong công tác vận động xúc tiến đầu tư và có nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn lớn trong nước biết đến và đầu tư thành công tại Thanh Hóa. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện có hiệu quả nguyên tắc “4 tăng, 2 giảm, 3 không” trong giải quyết thủ tục hành chính.

Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025 là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn”.

Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX lần này, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025 là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn”.

Đồng thời, để đạt được mục tiêu Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị đã đặt ra cho Thanh Hóa là phấn đấu trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Hội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc thì việc tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức hấp dẫn mới để thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển là yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là:

Tập trung hoàn chỉnh và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, rà soát, điều chỉnh bổ sung các chương trình kế hoạch phát triển các ngành lĩnh vực phù hợp với quy hoạch tỉnh được duyệt.

Tham mưu cho tỉnh các giải pháp lãnh đạo chỉ đạo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Chủ động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, các dự án sản xuất, kinh doanh, dự án phát triển kinh tế - hạ tầng, phát triển đô thị quy mô lớn. Đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nắm bắt thời cơ, đón đầu làn sóng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI vào Việt Nam sau đại dịch Covid-19.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế, chính sách của tỉnh như chính sách về ưu đãi đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư – PPP...

Huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, bằng cách thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, nguồn lực của doanh nghiệp, của khu vực dân cư để đầu tư hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại,… nhằm tạo sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư.

Nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top