Aa

Thất thoát tiền đầu tư công trong xây dựng

Thứ Ba, 15/06/2021 - 07:00

Tiền dân ky cóp dính cả nước mắt và máu, chắc chắn không phải là vỏ hến. Nhưng nếu còn để tồn tại thực trạng đã nêu, thì vỏ hến cũng không rẻ rúng như tiền của dân.

Chúng ta được coi là quốc gia xuất khẩu gạo lớn vào loại nhất nhì thế giới. Đó quả thật là một kỳ tích. Nhưng mấy chục triệu nông dân của chúng ta ngày đêm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, rồi sàng sẩy, gằn gọt cả năm trời mới thu về cho đất nước quãng một vài tỷ USD. Trừ các loại chi phí, công vận chuyển, hao hụt... thì không biết số tiền do công sức lao động còn lại bao nhiêu? Chưa ai làm phép tính quan trọng này, nhưng kết quả biết trước là rất đau đớn!

Trong khi đó, nếu quy ra USD thì ngày công của các em bé, các bà già lượm ve chai, lông gà, lông vịt... là bao nhiêu? Cũng không ai bỏ công thực hiện việc này. Nhưng kết quả chắc chắn sẽ khiến nhiều người kinh ngạc về sự rẻ mạt!

Chúng ta được coi là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng thực tế không thể né tránh là chúng ta vẫn rất nghèo, nguồn lực quốc gia còn yếu. Thật may là người dân của chúng ta chịu khổ giỏi, chăm chỉ làm việc, trong khi tằn tiện cũng vào loại hàng đầu thế giới. 

Thực tế này của đất nước cần được sự chia sẻ của tất cả mọi người. Nhưng dường như có một bộ phận quan chức không thèm biết tới điều đó. Khi được giao quyền sử dụng những đồng tiền ky cóp, khó nhọc của dân trong tay, họ chỉ còn một việc là ngày đêm vắt óc nghĩ cách biến càng nhiều càng tốt số tiền đó thành của riêng mình. 

Một trong những cách ấy là móc ngoặc để rút tiền bạc từ ngân sách quốc gia. Tệ nạn này xảy ra ở mọi lĩnh vực, mọi cơ quan như chúng ta vừa thấy qua hàng chục vụ án nâng khống giá thiết bị y tế, thiết bị văn phòng, thiết bị giáo dục… để chia nhau. Có những trường hợp đầu tư công, từ xây cái nhà vệ sinh công cộng bé tí, đến đầu tư đường cao tốc ngàn tỷ đồng, đã xảy ra tình trạng chia chác tiền của dân.

tham-nhung
Ảnh minh họa

Qua thời gian, đã đủ để đưa ra kết luận: Tệ rút ruột, ngân sách, thất thoát tiền đầu tư công xảy ra nhiều nhất trong lĩnh vực xây dựng. Vốn dành cho xây dựng luôn luôn là số tiền tiết kiệm, dành dụm quan trọng của một quốc gia đầu tư cho tương lai. Bản thân từ xây dựng đã bao hàm ý nghĩa đó một cách điển hình. Nhưng thực tế nhiều năm qua, nhiều công trình xây dựng tốn kém lại là bằng chứng mỉa mai nhất về sự tàn phá! Tôi không muốn liệt kê số những công trình ấy.

Có lẽ đó là việc không cần, vì những công trình ấy có mặt ở mọi nơi trên đất nước này, bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy. Vì nó bị rút ruột, có chỗ đến non nửa, nên chất lượng tuổi thọ của nó chỉ bằng một phần nhỏ so với thiết kế. Nếu may mắn được hoàn thành rồi đưa vào sử dụng, thì chỉ vài năm là sẽ lại phải cần tiền tỉ để sửa chữa, khắc phục những khuyết tật? Nguyên nhân của nó, một phần rất nhỏ được coi là rủi ro, còn lại chủ yếu là bị các bên liên quan móc ngoặc rút ruột.

Môi giới dự án là kẻ ăn chặn đầu tiên. Sau đó đến chủ đầu tư. Duyệt kế hoạch, duyệt cấp vốn... cũng không thể ký chay. Khảo sát, thiết kế tự nâng giá ngày công bằng ăn bớt quy trình, công đoạn; nhiều công trình việc mua sắm vật tư phải qua tay nhóm lợi ích được gài cắm, mất thêm vài phần trăm; rồi đơn vị thi công ăn bớt, ăn cắp; rồi thất thoát do vô trách nhiệm... 

Thường thì các công trình xây dựng ít khi hỏng ngay, kịp cho những kẻ bòn rút tẩy sạch những đồng tiền có được bằng sự nhơ bẩn, đôi khi tẩy sạch luôn cả lương tâm nhơ nhuốc của họ nữa. Tiền dân ky cóp dính cả nước mắt và máu, chắc chắn không phải là vỏ hến. Nhưng nếu còn để tồn tại thực trạng đã nêu, thì vỏ hến cũng không rẻ rúng như tiền của dân./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top