Aa

Thể chế hoá quan điểm "không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự" như thế nào sau gần ba thập kỷ bỏ lỡ?

Thứ Bảy, 17/05/2025 - 06:00

Quan điểm “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự” đã được cụ thể hóa rõ nét trong Nghị quyết 68 với nhiều định hướng pháp lý đột phá, cụ thể. Điều doanh nghiệp quan tâm tiếp theo là việc thể chế hoá, áp dụng vào thực tiễn sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới.

Dù đã nhiều lần được nhấn mạnh trong các văn bản trước đây, nhưng tinh thần "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự" chỉ thực sự được cụ thể hóa trong Nghị quyết 68-NQ/TW với loạt định hướng đột phá về sửa đổi pháp luật và cách thức xử lý vi phạm. Nghị quyết ưu tiên áp dụng các biện pháp dân sự, kinh tế, hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự khắc phục sai phạm, thiệt hại. Đây là bước tiến thể chế quan trọng, góp phần tạo niềm tin và động lực để kinh tế tư nhân phát triển vững vàng, trở thành trụ cột của nền kinh tế.

Tuy nhiên, để chỉ đạo này thực sự đi vào cuộc sống, vấn đề đặt ra là cần hiện thực hóa bằng hệ thống pháp luật rõ ràng, dễ thực thi và đồng thời kiểm soát chặt chẽ các rủi ro lạm dụng chính sách, bảo đảm nguyên tắc công bằng và minh bạch trong xử lý vi phạm.

Chuyển từ "pháp trị hành chính" sang "pháp trị phát triển"

"Không ai phủ nhận có sai phạm trong các vụ việc đó, nhưng nếu hệ thống pháp lý đủ minh bạch và có cơ chế điều chỉnh sớm, có lẽ đã không để lại hậu quả nghiêm trọng như vậy. Môi trường pháp lý không rõ ràng, kém linh hoạt là mảnh đất cho rủi ro pháp lý và hình sự hóa lan rộng", PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân), bày tỏ sự tiếc nuối khi chia sẻ với Reatimes về các vụ án kinh tế rúng động những năm qua. 

Theo ông Lạng, các vụ án đó là "tín hiệu cảnh báo" về một độ trễ đáng tiếc trong cải cách tư duy pháp lý. Nếu không cẩn thận, việc xử lý các sai phạm kinh tế sẽ vừa gây tổn thất lớn về tài sản và niềm tin, vừa khiến thị trường rơi vào trạng thái bất ổn kéo dài, đặc biệt trong các lĩnh vực vốn nhạy cảm như tài chính - ngân hàng - bất động sản. Trong một số trường hợp, chỉ vì thiếu hành lang pháp lý điều chỉnh mềm dẻo, một sai lệch quản trị có thể bị xử lý hình sự, dẫn đến phản ứng dây chuyền tiêu cực lên toàn bộ thị trường.

Thực tế, chủ trương "hình sự hóa" xuất phát từ thực tiễn phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần trong gần bốn thập kỷ qua (1986 - 2025). Khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, nhận thức pháp luật còn hạn chế, việc hình sự hóa đã từng được sử dụng như một công cụ răn đe để duy trì trật tự.

Tư tưởng "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự" cũng không phải là điều mới mẻ. Chủ trương này đã từng được nêu ra cách đây gần 30 năm, nhưng vì nhiều lý do, trong đó có tư duy quản trị nặng về kiểm soát và hành chính hóa, nên đến nay vẫn chưa được thể chế hóa bằng các quy định rõ ràng, cụ thể, để thực sự đi vào đời sống pháp lý và kinh tế.

Vì vâỵ, ông Lạng chỉ ra, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong khu vực tư nhân, rơi vào trạng thái bất an vì lo ngại các sai sót trong hoạt động kinh doanh có thể bị xử lý hình sự. Mà sai sót kinh doanh, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường nhiều biến động và hệ thống pháp lý còn chưa hoàn thiện là điều khó tránh khỏi. Điều này đã làm giảm ý chí khởi nghiệp, triệt tiêu động lực đổi mới sáng tạo của họ. Việc xử lý hình sự đã bóp méo môi trường đầu tư, dựng lên những rào cản vô hình, kìm hãm sự phát triển của khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, đây là cách tiếp cận không còn phù hợp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập sâu rộng. Đã đến lúc cần thay đổi mạnh mẽ tư duy lập pháp, chuyển từ "pháp trị hành chính" sang "pháp trị phát triển", để pháp luật đồng hành cùng doanh nghiệp, chứ không phải chỉ là công cụ kiểm soát.

"Nhiều vi phạm trong lĩnh vực kinh tế hoàn toàn có thể, và nên được giải quyết thông qua các biện pháp dân sự, hành chính và khắc phục hậu quả", ông Lạng nhấn mạnh.

Nhận thức rõ điều đó, lần đầu tiên, Nghị quyết 68 đã cụ thể hóa rõ ràng tinh thần này tại hai quan điểm then chốt: Không hình sự hóa các quan hệ hành chính, dân sự và kinh tế; Trong trường hợp buộc phải xử lý hình sự, cần ưu tiên biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế thay cho hình phạt tù hoặc tử hình.

Đi liền với đó là loạt định hướng pháp lý mang tính cải cách: Sửa đổi quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng... để khi xử lý vi phạm, phải ưu tiên áp dụng các biện pháp dân sự, hành chính, kinh tế trước; đồng thời không hình sự hóa các hành vi thiếu chứng cứ rõ ràng. Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc không hồi tố các quy định pháp luật gây bất lợi cho doanh nghiệp, và bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử.

PGS. TS Nguyễn Thường Lạng đánh giá, Nghị quyết 68 là bước tiến lớn trong tư duy pháp lý, chuyển từ "quản lý để kiểm soát" sang "quản lý để phục vụ", từ "trừng phạt" sang "hỗ trợ, kiến tạo". Ưu tiên đầu tiên khi xử lý sai phạm kinh tế là tạo điều kiện để doanh nghiệp sửa sai, khắc phục hậu quả và tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế. Đây là tiền đề để thiết lập môi trường pháp lý minh bạch, bảo vệ doanh nghiệp khỏi các rủi ro hình sự hóa, từ đó củng cố niềm tin và thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới, đầu tư phát triển.

Làm rõ ranh giới giữa sai sót và vi phạm, thiết lập cơ chế giám sát công bằng

Với những bước ngoặt thể chế ở Nghị quyết 68, cộng đồng doanh nghiệp vừa vui mừng, vừa đặt ra nhiều băn khoăn xoay quanh việc làm sao để chủ trương "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự" thực sự đi vào cuộc sống, trở thành cơ chế bảo vệ hiệu quả đối với doanh nhân, doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho biết, để tinh thần của Nghị quyết 68 phát huy hiệu quả, điều cốt lõi là phải thay đổi tư duy lập pháp và phương thức thực thi pháp luật. Việc hình sự hóa sai phạm kinh tế sẽ chỉ hợp lý nếu có đủ căn cứ chứng minh yếu tố phạm tội rõ ràng. Bởi thực tế, nhiều rủi ro trong hoạt động kinh doanh là khách quan, không mang tính chủ đích, nên cần phân định rõ giữa sai sót hành chính và hành vi vi phạm hình sự. Nếu không, doanh nghiệp sẽ bị bóp nghẹt bởi tâm lý bất an, e ngại đổi mới, và từ đó không thể phát triển mạnh mẽ.

Doanh nhân là lực lượng kiến tạo của cải, họ cần được bảo vệ bằng một hệ thống pháp luật công bằng, rõ ràng và nhất quán. Ba yếu tố then chốt là cải cách thể chế, làm rõ ranh giới giữa sai sót và hành vi vi phạm, và thiết lập cơ chế giám sát công bằng.
Thể chế hoá quan điểm "không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự" như thế nào sau gần ba thập kỷ bỏ lỡ?- Ảnh 1.PGS.TS Nguyễn Thường Lạng

"Doanh nhân là lực lượng kiến tạo của cải, họ cần được bảo vệ bằng một hệ thống pháp luật công bằng, rõ ràng và nhất quán. Ba yếu tố then chốt là cải cách thể chế, làm rõ ranh giới giữa sai sót và hành vi vi phạm, và thiết lập cơ chế giám sát công bằng. Khi doanh nhân không còn bị "đe dọa" bởi những quy định mơ hồ, họ mới dám nghĩ lớn, làm lớn và đổi mới sáng tạo," ông Lạng nhấn mạnh.

Là người gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam rất đồng tình với việc cần phân biệt rõ sai sót trong kinh doanh và sai phạm pháp lý. Nếu pháp luật không quy định rõ ràng đâu là hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự, thì các cơ quan chức năng có thể lạm dụng, khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Do đó, pháp luật về kinh doanh phải chắc chắn và minh bạch. Khi doanh nghiệp biết hành vi nào không bị hình sự hóa, họ sẽ yên tâm làm ăn, nhất là khi quy mô hoạt động lớn lên, vì làm lớn rất dễ gặp thiếu sót trong quá trình vận hành.

Bên cạnh đó, ông cho rằng, trong kinh doanh hiện đại, muốn phát triển lớn thì phải dựa vào cái mới - từ tư duy đến phương pháp. Doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào lao động hay tài nguyên như trước đây. Tuy nhiên, cái mới thì pháp luật đôi khi chưa theo kịp vì pháp luật luôn chạy sau cuộc sống. Nếu không có quy định rõ ràng, doanh nghiệp sẽ luôn canh cánh nỗi lo vi phạm. Vì vậy, việc ưu tiên tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục hậu quả thay vì hình sự hóa là một chính sách bao dung, có ý nghĩa thực chất.

Đồng thời, việc khắc phục hậu quả, ngoài liên quan đến trách nhiệm trước pháp luật, thì còn là trách nhiệm với các chủ thể khác trong xã hội, bao gồm cả khách hàng, đối tác, cộng đồng... Khi doanh nghiệp có sai sót nhưng biết nhận lỗi và bù đắp được hậu quả, thì hành động đó cần được nhìn nhận như một phần của giá trị đạo đức và văn hóa kinh doanh.

Điều này phù hợp với một nội dung khác được nêu trong Nghị quyết 68, đó là xây dựng văn hóa kinh doanh. Nghị quyết nhấn mạnh việc đào tạo doanh nhân không chỉ giỏi quản trị mà còn có đạo đức nghề nghiệp, nâng cao nhận thức về hành vi ứng xử trong kinh doanh. Một nhà cung cấp, dù lớn hay nhỏ, nếu gây tổn thương cho khách hàng, thì hành động đầu tiên của họ cần là xin lỗi và khắc phục hậu quả, đó chính là nền tảng của văn hóa kinh doanh lành mạnh.

Để thể chế hóa tốt, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, cần xác định rõ ràng ranh giới giữa sai sót kinh doanh và sai phạm pháp lý.

"Doanh nghiệp rất quan tâm và thường xuyên có nhiều ý kiến phản ánh liên quan đến việc này. Trên phương diện pháp lý, để một vụ việc bị xử lý hình sự thì phải thỏa mãn đủ bốn yếu tố cấu thành tội phạm: chủ thể, khách thể, mặt chủ quan và mặt khách quan. Khi xem xét vụ việc, chúng ta cần căn cứ rõ ràng vào các yếu tố này để đưa ra quyết định phù hợp. Nếu một doanh nghiệp không vi phạm cả bốn yếu tố trên thì không thể bị xử lý hình sự. Thậm chí, trong một số trường hợp, nếu lỗi của doanh nghiệp có tính chất nhạy cảm hoặc chưa rõ ràng, thì cũng chưa đủ căn cứ để hình sự hóa", ông Nam gợi ý.

Còn LS. Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật, điều quan trọng là cải cách trong hành vi và tư duy thực thi của cơ quan chức năng.

Bởi lẽ, tình trạng "hình sự hóa" trong lĩnh vực kinh tế không hoàn toàn bắt nguồn từ các quy định pháp luật, mà chủ yếu xuất phát từ cách tiếp cận và hành xử của các cơ quan thực thi. Trong nhiều trường hợp, vì đơn giản và nhanh chóng nên nhiều cơ quan có xu hướng "hình sự hóa" để giải quyết mọi vấn đề, từ tranh chấp hợp đồng đến sai phạm hành chính. Đó là cách xử lý tiện lợi cho bộ máy quản lý, nhưng lâu dần tạo thành thói quen hành chính hóa hình sự, dẫn đến tình trạng lạm dụng. Vì vậy, không nên để tinh thần cải cách của Nghị quyết 68 kém hiệu quả trong thực tiễn bởi thói quen hành chính hóa trong thực thi.

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp và người dân cũng có xu hướng tìm đến cơ quan điều tra như một cách để giải quyết nhanh chóng các vấn đề pháp lý, kể cả tranh chấp hợp đồng. Tình trạng này vô hình trung góp phần duy trì vòng luẩn quẩn của tư duy hình sự hóa trong môi trường kinh doanh. Vì vậy, cả hai phía cần phải thay đổi tư duy, nhận thức và thói quen ứng xử của mình.

Tôi hy vọng các cơ quan chức năng sẽ thiết kế được các chế định pháp luật với chất lượng khoa học ở cấp độ tối ưu nhất có thể.
Thể chế hoá quan điểm "không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự" như thế nào sau gần ba thập kỷ bỏ lỡ?- Ảnh 2.Luật sư Nguyễn Tiến Lập

Đặc biệt, LS. Nguyễn Tiến Lập nhấn mạnh, không có chính sách nào mà không gây tác động, đặc biệt là các tác động không mong muốn. Nếu thiết kế thiếu chặt chẽ, có thể tạo ra nguy cơ "mua chuộc công lý", khi người vi phạm có thể chủ động trả tiền để thoát tội. Do đó, việc thể chế hóa nội dung này cần được thực hiện trên nền tảng pháp lý chất lượng cao, với các chế định minh bạch, đủ sức ngăn chặn nguy cơ lạm dụng.

'"Khi triển khai thể chế hoá nội dung rất hệ trọng này của Nghị quyết, tôi hy vọng các cơ quan chức năng sẽ thiết kế được các chế định pháp luật với chất lượng khoa học ở cấp độ tối ưu nhất có thể", ông Lập chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top