Sẽ thành lập trung tâm giao dịch bất động sản do nhà nước quản lý
Bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, nhằm nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp của thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng hợp tác với Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã nghiên cứu và xây dựng đề án thành lập Trung tâm Giao dịch Bất động sản do Nhà nước quản lý. Sáng kiến này được kỳ vọng sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý vững chắc, hỗ trợ hiệu quả các chủ thể tham gia thị trường từ người mua thực, nhà đầu từ, chủ đầu tư, các sàn giao dịch, môi giới bất động sản.

Việc thành lập Trung tâm giao dịch bất động sản do nhà nước quản lý nhằm kiến tạo một thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh
Bà Hạnh cho rằng Trung tâm giao dịch bất động sản sẽ kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình từ khâu xác định đủ điều kiện giao dịch của bất động sản, xử lý các thủ tục hành chính, cho đến cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Đồng thời, đây sẽ là cầu nối vững chắc giữa các sàn giao dịch tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, góp phần tạo nên một hệ sinh thái giao dịch hiệu quả và tích cực.
Theo kế hoạch, Bộ Xây dựng sẽ trình đề án này lên Chính phủ vào ngày 30/6/2025. Sau khi nhận được sự chấp thuận từ Chính phủ, đề án sẽ tiếp tục được trình Bộ Chính trị để xin chủ trương và đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm. Nếu được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2025, Trung tâm Giao dịch Bất động sản Quốc gia dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2026.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản khẳng định thêm, đây là một nỗ lực tổng thể nhằm kiến tạo một thị trường bất động sản công khai, minh bạch, chuyên nghiệp và an toàn hơn. Lợi ích của các bên tham gia thị trường được đảm bảo công bằng, minh bạch.
Giá nhà đang bị đẩy cao phi lý
Cũng tại hội thảo, TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định giá nhà đang bị đẩy lên quá cao. Theo ông Nghĩa, thị trường xuất hiện rất nhiều dự án căn hộ cao cấp, hạng sang, nhiều khu đô thị hoành tráng, hoa lệ. “Người nghèo nhìn vào các khu đô thị, các dự án đó chỉ biết rơi nước mắt bởi giá nhà vượt quá sức tưởng tượng, khiến họ vô vọng về nhà ở. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu nguồn cung”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
Phân tích thêm, vị chuyên gia cho rằng, quan hệ cung – cầu của thị trường bất động sản khác các thị trường hàng hóa bình thường. Khi giá bất động sản tăng cao, người bán có tâm lý ngừng bán và chờ giá tăng tiếp. Điều này khiến cung – cầu đi song song, không gặp nhau. Ông Nghĩa cũng cảnh báo nếu không sớm tăng cung cho thị trường, đặc biệt là nguồn cung phù hợp nhu cầu số đông người dung, “bong bóng” bất động sản có thể sẽ nổ. Hệ lụy là nguy cơ đổ vỡ thị trường bất động sản và ảnh hưởng đến cả hệ thống ngân hàng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng nguồn cung hạn chế và chỉ nằm trong tay một vài doanh nghiệp lớn, thiếu trầm trọng nguồn cung phù hợp túi tiền người dân khiến giá bị đẩy cao, mất tính cạnh tranh, tiềm ần nhiều nguy cơ bất ổn cho thị trường.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho biết, gần đây, nguồn cung đã có tín hiệu đáng mừng khi các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại lâu nay “đắp chiếu” đã được tháo gỡ mạnh trong 6 tháng đầu năm nay. “Nhờ Nghị quyết 171 của Quốc hội (về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất), Hà Nội có trên 100 dự án được tháo gỡ. Chúng tôi khảo sát trong 4 “đại gia” bất động sản lớn ở Hà Nội thì có một “đại gia” đang vướng 5 dự án đều đã được gỡ, một “đại gia” khác có 6 dự án vướng mắc thì gỡ vướng 4 dự án, còn 2 dự án do doanh nghiệp chưa chuẩn bị kịp hồ sơ. Nguồn cung sắp tới sẽ dồi dào hơn và sẽ có sự cải thiện”, ông Nghĩa nói.