Aa

VN-Index tiếp tục vươn lên mức cao mới, nhóm BĐS phân hóa trở lại

Thứ Bảy, 03/04/2021 - 06:00

VN-Index tiếp tục tăng điểm khá mạnh và vươn lên mức cao mới. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá tốt, tạo động lực giúp đẩy các chỉ số đi lên.

Phiên giao dịch, ngày 2/4, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi theo chiều hướng tích cực khi VN-Index vươn lên mức cao mới. Các chỉ số tăng điểm ngay từ đầu phiên giao dịch với sắc xanh áp đảo hoàn toàn nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Dòng tiền “ồ ạt” đổ vào thị trường, đặc biệt là sàn HoSE, đã khiến hiện tượng nghẽn lệnh trên sàn này diễn ra ngay trong phiên sáng. Gần như toàn bộ thời gian của phiên chiều nhà đầu tư không thể thực hiện được giao dịch trên HoSE. Trong khi đó, giao dịch trên HNX và UPCoM diễn ra vẫn thông suốt và cũng sôi động.

Hàng loạt cổ phiếu lớn trên thị trường như STB, PNJ, ACB, BID, HDB, VNM, BVH, HPG… đều tăng giá tốt và tạo động lực đẩy các chỉ số đi lên dù đôi lúc áp lực chốt lời khá lớn. STB tăng đến 4,6% lên 22.600 đồng/cp và tiếp tục khớp lệnh rất mạnh với 56 triệu cổ phiếu, PNJ tăng 3,7% lên 88.700 đồng/cp, BID tăng 2,4% lên 45.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 2/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Dù vậy, đà tăng của các chỉ số cũng có chút trở ngại khi số mã giảm dần tăng lên sau khi sự hưng phấn hạ nhiệt. Các mã như REE, POW, GAS, VJC… đều chìm trong sắc đỏ.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 2/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, VHM tăng 1,7% lên 100.700 đồng/cp và có đóng góp lớn nhất vào đà tăng của VN-Index. Bên cạnh đó, NVL và THD tăng nhẹ lần lượt 0,2% và 0,3%. Trong khi đó, các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn còn lại gồm VIC, VRE và BCM đều đứng ở mức tham chiếu.

Sự phân hóa đã quay trở lại với nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ. Ở chiều tăng, các cổ phiếu như NTB, PPI, STL, HTT hay IDV đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, DRH tăng 5,7 lên 12.900 đồng/cp, ITA tăng 4,8% lên 7.240 đồng/cp.

IDC tăng 2,6% lên 39.600 đồng/cp. Mới đây, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Tổng Giám đốc IDC đã đăng ký mua 150.000 cổ phiếu IDC. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 1/4 - 29/4/2021 thông qua thỏa thuận và khớp lệnh.

DIG tăng 0,7% lên 29.200 đồng/cp. Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, HĐQT của DIG sẽ trình cổ đông kế hoạch doanh thu hợp nhất 2.800 tỷ đồng, tăng 13%; lãi trước thuế 1.444 tỷ đồng; tăng 60%. Riêng với công ty mẹ, doanh thu kế hoạch tăng 5% lên 2.550 tỷ đồng; lãi trước thuế tăng 145% lên 1.500 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức ở mức 18 - 22%.

Chiều ngược lại, không có quá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm sâu. Trong đó, HAR gây chú ý khi giảm 2,5% xuống 6.300 đồng/cp. Các cổ phiếu như CEO, AGG, ASM, LDG, SCR, DXG, CII, TCH… đều chỉ giảm dưới 1%.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,35 điểm (0,69%) lên 1.224,45 điểm. Toàn sàn có 274 mã tăng, 142 mã giảm và 67 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,49 điểm (0,85%) lên 294,89 điểm. Toàn sàn có 117 mã tăng, 89 mã giảm và 69 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,56 điểm (0,69%) lên 82,27 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 956 triệu cổ phiếu, trị giá gần 21.000 tỷ đồng. FLC và ITA là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với lần lượt 29,4 triệu cổ phiếu và 26 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 2/4.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất.
Nguồn: Fialda.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng 720 tỷ đồng trên toàn thị trường trong phiên 2/4. VRE và VIC là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 giá trị bán ròng của khối ngoại với lần lượt 9 tỷ đồng và 5,7 tỷ đồng. Chiều ngược lại, có 3 cổ phiếu bất động sản nằm trong danh sách được mua ròng mạnh là NVL, CII và VHM.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 62,24 điểm (+5,4%) lên 1.224,45 điểm; HNX-Index tăng 23,93 điểm (+8,8%) lên 294,89 điểm. Thanh khoản trên hai sàn giảm nhẹ so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 19.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 3,1% xuống 79.406 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 0,5% xuống 3,5 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 20,7% lên 15.771 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 8,8% lên 934 triệu cổ phiếu.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), cuối cùng thì sau 4 tuần thử thách ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm (từ đầu năm 2021 đến nay), VN-Index đã vượt qua được ngưỡng cản tâm lý quan trọng này và thậm chí còn vượt luôn cả mức đỉnh mọi thời đại trước đó là 1.211 điểm (tháng 4/2018). Diễn biến này đã giúp cho tâm lý nhà đầu tư trở nên tích cực hơn và dòng tiền mua lên xuất hiện đã giúp VN-Index thiết lập các mức cao mới. Khối ngoại quay trở lại mua ròng trong tuần qua cũng là một diễn biến tích cực khác.

Trên góc độ kỹ thuật, thị trường vẫn đang trong sóng tăng 5 với target quanh 1.250 điểm dự kiến đạt được vào nửa đầu tháng 4/2021 nên dư địa trong khoảng 2 tuần nữa là vẫn còn. Trong tuần giao dịch tiếp theo, thị trường có thể tiếp tục tăng điểm để hoàn thành nốt sóng tăng 5. Nhà đầu tư trung hạn đã mua vào trước Tết tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới để hướng đến 1.250 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào trong phiên 24/3, 25/3, 26/3 khi thị trường điều chỉnh về MA50 và đã chốt lời một phần trong phiên 1/4 nắm giữ danh mục còn lại để hướng đến mục tiêu 1.250 điểm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top