Khát nguồn cung, giao dịch thứ cấp giảm mạnh
Theo DKRA Việt Nam, tất cả các phân khúc từ đất nền, nhà phố biệt thự cho đến bất động sản nghỉ dưỡng… đều không có nhiều tín hiệu tích cực. Cả mức giá và tình hình giao dịch thứ cấp giảm mạnh. Điều này cho thấy tính thanh khoản của thị trường khá thấp.
Trước đây, dù thì trường có khó đến mức nào thì phân khúc “đất nền” vẫn sống khỏe. Tuy nhiên, quý I/2020 nguồn cung và sức tiêu thụ của đất nền ở TP.HCM được cho là thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
DKRA Việt Nam ghi nhận, trong quý I/2020 TP.HCM chỉ có 3 dự án mới ra mắt thị trường, cung cấp khoảng 175 nền, giảm đến 74% so với nguồn cung mới của quý trước. Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới cũng giảm đến 77% so với lượng tiêu thụ của quý trước.
Tại các tỉnh giáp ranh TP.HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tình hình cũng không khá hơn là bao.
Ở phân khúc căn hộ, khu Đông của TP.HCM tiếp tục dẫn đầu về nguồn cung mới lẫn lượng tiêu thụ. Căn hộ hạng B chiếm tỷ trọng lớn, với mức giá sơ cấp từ chủ đầu tư chỉ dao động từ 32 - 40 triệu/m2, phù hợp hơn với túi tiền của khách hàng. Tuy nhiên, sức cầu cũng không “bật” nổi, tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt khoảng trên 1.100 căn, giảm đến 74% so với quý trước.
Còn lại các phân khúc: Nhà phố và biệt thự, biệt thự biển, condotel cũng đều ghi nhận sự sut giảm mạnh về nguồn cung và tỷ lệ giao dịch. Thị trường bất động sản mùa Covid-19 nhìn chung rất trầm lắng.
Sau Covid-19, thị trường bám nhu cầu thực
Theo nhận định chung của DKRA Việt Nam, khó khăn của thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM có thể sẽ kéo dài đến quý III/2020. Tình hình giao dịch có thể sẽ biến động phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản nhận định: Do mua nhà chung cư, căn hộ dựa trên nhu cầu và kế hoạch sinh sống trong dài hạn nên ít bị tác động tiêu cực từ những cú sốc lớn như dịch Covid-19. Đây là điểm lạc quan mà các doanh nghiệp địa ốc cần chú ý.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA: “Niềm tin là dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát, khống chế hiệu quả và nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại ngay sau khi chấm dứt đại dịch”.
Dù khó khăn nhưng giai đoạn hiện nay chính cũng là cơ hội để doanh nghiệp bất động sản tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, ông Châu nêu định hướng lạc quan.