Khách sạn, khu nghỉ dưỡng là một trong các phân khúc bất động sản “thấm đòn" nặng nhất vì Covid-19. Song, trong quý I/2021, thị trường khách sạn Hà Nội đã có sự tăng trưởng trở lại.
Báo cáo mới đây từ Savills cho hay, nguồn cung toàn thị trường khách sạn trong quý I/2021 đạt gần 10.120 phòng từ 17 khách sạn 5 sao, 17 khách sạn 4 sao và 32 khách sạn 3 sao, tăng 1% theo quý và tăng 2% theo năm. Một khách sạn 5 sao tại quận Đống Đa được chính thức xếp hạng sao trong khi hai khách sạn 4 sao tại quận Ba Đình và Tây Hồ đã hết hạn sao. Khách sạn Capella tại quận Hoàn Kiếm được đưa vào hoạt động trong quý I tuy nhiên chưa được chính thức xếp hạng. Tuy vậy, tới cuối quý I/2021, hai khách sạn ba sao với khoảng 130 phòng vẫn đang phải tạm đóng cửa.
Mặc dù vậy, trong quý I/2021, giá thuê phòng trung bình đạt 76 USD/phòng/đêm, tăng 8% theo quý.
Theo bà Đỗ Thu Hằng: “Ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 vào cuối tháng 1 tại Hà Nội đã kéo công suất thị trường khách sạn trong tháng 2 và tháng 3 xuống còn dưới 20%. Tuy vậy, phân khúc khách sạn 5 sao vẫn dẫn đầu thị trường về doanh thu buồng phòng, trung bình là 25 USD/phòng/đêm”.
Đặc biệt bà Hằng cho rằng, trong quý vừa qua khách nội địa đã giải cứu ngành du lịch. Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 3, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều điểm du lịch trong thành phố mở cửa trở lại, khách du lịch nội địa tới Hà Nội đạt 685.000 lượt, tăng 180% theo tháng và 360% theo năm. Khách lưu trú nội địa trong tháng 3 tại Hà Nội đạt 133.000 lượt, tăng 220% theo tháng.
Như vậy, trong quý I, khách du lịch nội tới Hà Nội đạt 1,93 triệu lượt, tăng 4% theo quý. Khách nội địa lưu trú trong quý đạt 230.000 lượt, tăng gấp đôi theo quý. Đây là tín hiệu tốt giúp thị trường khách sạn có thể gia tăng công suất và tỷ lệ lấp đầy phòng.
Triển vọng trong giai đoạn 2021 - 2023, chuyên gia Savills dự báo, nguồn cung sẽ xấp xỉ 3.000 phòng, tới từ 14 khách sạn dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động. Trong đó, năm 2021 sẽ có thêm một khách sạn 5 sao, một khách sạn 4 sao và một khách sạn 3 sao với trên 400 phòng được đưa ra thị trường. Khu vực nội thành đóng góp gần 1.500 phòng hay 52% nguồn cung tương lai, theo sau là khu vực phía Tây với 33%.
Đáng chú ý, với vị trí giao thông thuận lợi, chất lượng dịch vụ đẳng cấp, không khí trong lành và mật độ dân số ở mức thấp hơn so với nội thành Hà Nội là những điểm cộng rất lớn để khách du lịch lựa chọn khách sạn 5 sao khu vực phía Tây để nghỉ dưỡng.
Phân khúc 5 sao cũng dẫn đầu nguồn cung tương lai trong giai đoạn này, chiếm 80%. Các thương hiệu khách sạn lớn sẽ gia nhập thị trường gồm Grand Mercure, Fairmont, Eastin, Four Seasons, Lotte, Dusit, và Wink Hotel.
Theo khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), du khách cho biết sẵn sàng đi du lịch mà không cần chờ đến khi được tiêm vắc-xin. Trong đó, 30,6% số người được khảo sát sẽ đi du lịch vào tháng 3 - 4 và cao điểm vào mùa hè; 53,3% sẽ đi du lịch từ tháng 5 - 9 năm 2021.
Thực tế ghi nhận, nhu cầu đi du lịch của người dân đang hồi phục mạnh trong thời gian qua, sau khi dịch được kiểm soát tốt trên cả nước. Tại nhiều công ty du lịch, lượng khách đặt tour tăng dần qua từng tuần, Hà Nội cũng được nhận định là một điểm đến du lịch hấp dẫn trong dịp này. Giới chuyên gia cho rằng, đây chính là cơ hội để thị trường khách sạn tăng trưởng trở lại.
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự đoán du lịch thế giới sẽ bắt đầu phục hồi từ quý III/2021 với kịch bản tích cực nhất là du lịch sẽ phục hồi từ tháng 7 với số khách du lịch quốc tế trên thế giới năm 2021 sẽ tăng 66% theo năm. Với du lịch Hà Nội, thành phố dự báo sẽ đón tới 15 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2021, gần gấp đôi khách du lịch năm 2020 và bằng 70% khách du lịch năm 2019.
Ngoài ra, thống kê từ Official Aviation Guide (OAG) cho thấy, trong tháng 3/2021, đường bay 2 chiều Hà Nội - TP.HCM tiếp tục được xếp hạng là đường bay nội địa bận rộn thứ hai trên thế giới với khoảng 980.000 khách, chỉ đứng sau đường bay Jeju - Seoul của Hàn Quốc với 1,4 triệu khách. Đây là những bệ đỡ vững chắc để thị trường khách sạn Hà Nội hồi phục trong quý II/2021./.