Tuy nhiên, ngay cả khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại và các hạn chế giảm bớt, người lao động vẫn e ngại quay trở lại văn phòng.
Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ quay lại văn phòng
Theo JLL, “Trung Quốc đại lục chứng kiến nhiều công ty quay lại thuê văn phòng trong những tháng gần đây, nhưng tình hình ở các thành phố Đông Nam Á thì ngược lại”.
Yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến việc các doanh nghiệp quay lại thuê văn phòng là các đợt bùng phát dịch bệnh. Khi số ca Covid-19 tăng đột biến, tỷ lệ quay lại văn phòng thường thấp hơn. Còn khi mức độ lây nhiễm được kiểm soát ổn định, tỷ lệ này sẽ tăng trở lại.
Ví dụ, Hồng Kông (Trung Quốc) đã chứng kiến tỷ lệ quay lại văn phòng giảm vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 khi đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ tư, sau đó tỷ lệ tăng cao trở lại khi mức độ lây nhiễm trở nên ổn định. Một số đợt bùng phát gần đây và việc gia tăng các hạn chế của Chính phủ đã dẫn đến việc giảm tỷ lệ quay lại thuê văn phòng ở những quốc gia như Úc, Việt Nam và Singapore.
Một yếu tố khác là tính chất và mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp kiểm soát dịch bệnh do chính phủ đưa ra, bao gồm phong tỏa và xét nghiệm diện rộng. Ở thời điểm trước, Trung Quốc đại lục, New Zealand, Đài Loan và Việt Nam đã duy trì công suất thuê gần bằng hoặc bằng 100% nhờ ngăn chặn được dịch bệnh sau khi triển khai các biện pháp kiểm dịch và phong tỏa nghiêm ngặt. Seoul cũng thành công với các chương trình xét nghiệm diện rộng. Trong khi đó, các quy định ở Singapore như làm việc tại nhà và giới hạn số lượng lao động đến nơi làm việc từ 50-70% đã khiến tỷ lệ thuê văn phòng rơi xuống mức trung bình hoặc thấp.
Một điểm đáng chú ý nữa là tỷ lệ quay lại thuê văn phòng của các doanh nghiệp trong nước có xu hướng cao hơn so với các tập đoàn đa quốc gia. Điều này là do chính sách làm việc của các tập đoàn đa quốc gia được quyết định bởi trụ sở chính và áp dụng trên toàn thế giới.
Các kịch bản sắp tới
Do số lượng người làm việc tại nhà tăng lên, các công ty không cần phải thực hiện kế hoạch mở rộng không gian làm việc, dẫn đến nhu cầu thuê văn phòng giảm. Trong ngắn hạn, thị trường văn phòng châu Á – Thái Bình Dương sẽ tiếp tục chịu rủi ro khi một số quốc gia hoặc thành phố áp dụng các biện pháp kiểm soát để phòng chống Covid-19.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều chính phủ trong khu vực đang hướng đến chiến lược chung sống với COVID-19 nhằm nỗ lực đưa cuộc sống trở lại bình thường ở một mức độ nhất định và thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Do đó trong dài hạn, nhu cầu về không gian văn phòng ở Châu Á Thái Bình Dương có nhiều khả năng phục hồi nhờ các yếu tố như văn phòng là địa điểm thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng và văn hóa công ty, đồng thời tạo điều kiện cho nhân viên giao tiếp xã hội.
Ở châu Á, diện tích nhà ở có xu hướng nhỏ hơn khiến người lao động gặp trở ngại khi làm việc tại nhà, đặc biệt tại một số thành phố như Hồng Kông và Tokyo. Đồng thời, truyền thống chung sống nhiều thế hệ dưới một mái nhà tại khu vực này cũng tạo ra thách thức cho người lao động khi làm việc tại nhà. Những điều trên sẽ khiến nhiều lao động thích quay trở lại văn phòng hơn.
Nghiên cứu từ JLL cho thấy nhiều người lao động tại châu Á – Thái Bình Dương bày tỏ ý muốn quay lại văn phòng khi các hạn chế được nới lỏng và tình trạng phong tỏa chấm dứt. Tuy nhiên, cũng có một số người thích làm việc tại nhà do thời gian di chuyển đến văn phòng quá lâu, chẳng hạn như ở Ấn Độ, điều này có thể thúc đẩy các công ty thiết lập những văn phòng vệ tinh tại nhiều địa điểm khác nhau.
Nhìn chung, về dài hạn, mô hình làm việc kết hợp, gồm cả làm việc tại nhà và tại văn phòng, sẽ được nhiều công ty áp dụng để tạo ra sự linh hoạt cho người lao động. Theo JLL, ưu tiên số một của người lao động hiện nay là cân bằng giữa công việc và cuộc sống, thay vì tập trung vào chính sách lương thưởng như trước đây. Các thay đổi này trong tâm lý của người lao động cũng sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển và bố trí các văn phòng để đáp ứng linh hoạt nhiều mô hình làm việc./.