Aa

Thiên đường bất động sản nghỉ dưỡng: Bài học từ mô hình quản lý của huyện Thạch Thất

Thứ Tư, 05/04/2023 - 16:00

Trong 30 huyện, thị xã, có lẽ Thạch Thất là huyện “thành công” nhất trong thu hút du lịch và phát triển bất động sản nghỉ dưỡng. Chỉ cần gõ từ khoá “homestay Thạch Thất”, gần 1 triệu kết quả xuất hiện.

Thiên đường bất động sản nghỉ dưỡng

Chẳng cần phải đi đâu xa, chỉ cách Hà Nội khoảng 30km, Thạch Thất là điểm đến lý tưởng cho chốn nghỉ dưỡng cuối tuần ngắn ngày. Sở hữu vị trí cách Hà Nội chỉ gần một tiếng di chuyển bằng ô tô, nơi có địa hình đa kết hợp giữa núi non, suối nước và bầu khí hậu mát mẻ, Thạch Thất lại hội tụ quá nhiều tiềm năng. 

Thế nhưng, có lẽ so với các huyện vùng ven Hà Nội, Thạch Thất sở hữu lợi thế “khó huyện nào sánh bằng” – đó là nguồn cung homestay. Chẳng khó để tìm một căn hộ nghỉ dưỡng qua đêm ở Thạch Thất. Bởi kết quả tìm kiếm từ khoá “homestay Thạch Thất” được trả về gần 1 triệu kết quả. Ngay cả khi không tìm kiếm từ khoá này, đi vào thực tế, chỉ cách vài km, thậm chí chỉ vài chục mét, các homestay đã xuất hiện liên tiếp, chào đón khách. Đơn cử như riêng một xã Tiến Xuân, có tới hàng chục homestay.

Chưa kể, nếu nhìn và quy mô hoạt động, các dịch vụ phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng, Thạch Thất không chỉ cho thấy vị trí đứng đầu về nguồn cung homestay mà còn là minh chứng về chất lượng dịch vụ du lịch được nâng cấp. Theo đó, các homestay không đơn thuần là nơi nghỉ dưỡng cho du khách, khám phá trải nghiệm sống giữa thiên nhiên mà còn được cung ứng chuỗi tiện ích đi kèm như phòng karaoke, nhà hàng, khu vui chơi, khu nướng BBQ… Tất cả đều được quảng cáo và vận hành khá chuyên nghiệp. 

homestay
Các homestay mọc san sát nhau có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng tại huyện Thạch Thất - Hà Nội (Ảnh: Nam Khánh)

Sức hút của vùng đất kế cận Hà Nội, với lợi thế nghỉ dưỡng, nhiều hộ gia đình còn biến chính không gian sống thành homestay. 

Nhờ tốc lực thu hút và phát triển các khu homestay, các công trình nghỉ dưỡng mà những năm qua, Thạch Thất ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số. Đơn cử năm 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tốc độ phát triển kinh tế của huyện vẫn đạt mức tăng trưởng 10,1% so với năm 2020.

Thống kê năm 2022, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 31.536.910 triệu đồng, bằng 100,1% kế hoạch năm và tăng 13,6% so với năm 2021. Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, với ngành thương mại - Dịch vụ chiếm tới 25%.

Bài học “vàng” từ huyện Thạch Thất

Xét về lợi thế phát triển, Sóc Sơn, Ba Vì… có những xuất phát điểm tương đồng gần như Thạch Thất. Nhưng nhìn vào cách thức phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, không phải huyện nào cũng như Thạch Thất, có thể thu hút được nhà đầu tư đến, thu gom đất nông nghiệp, xây dựng các công trình homestay nhiều đến như vậy. 

Điều gì tạo nên kết quả đầy ấn tượng như vậy tại Thạch Thất?

Đầu tiên, có thể thấy, đó là tư duy cởi mở của những người lãnh đạo nơi đây đã táo bạo trong quản lý và cấp phép, vượt qua cả luật lệ được cho đôi lúc còn chồng chéo. Khi nhiều huyện khác, chật vật với việc quản lý, duyệt cấp phép xây dựng, quản lý phát triển các khu nghỉ dưỡng do hộ gia đình kinh doanh thì dường như đó không phải là bài toán thách thức với huyện Thạch Thất. Bởi chỉ cần nhìn vào số lượng homestay hoạt động -dù không giấy phép kinh doanh, dù thiếu giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hay không giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy vẫn tiếp tục vận hành như thông thường, càng thấy những người đứng đầu Thạch Thất đã sẵn sàng tạo ra sự đột phá như thế nào? Chính có sự táo bạo như vậy của  những người đứng đầu huyện Thạch Thất, mới có “thiên đường khu nghỉ dưỡng như ngày hôm nay”. 

thạch thất
Công trình "mọc" trên khu đất trồng cây lâu năm chuyển đổi từ đất rừng tại địa phận xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất
(Ảnh: Báo Tiền Phong)

Chưa kể, nếu nhìn và quy mô hoạt động, các dịch vụ phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng, càng thấy rằng “cần phải học hỏi cách quản lý của huyện Thạch Thất”. Một vùng đất mà đồi núi chiếm tỷ trọng không nhỏ đã được tận dụng triệt để lợi thế đặc thù hiếm có về địa hình trong phát triển bất động sản nghỉ dưỡng. Những quả đồi từng sừng sững, được san bằng, xây dựng thành nơi nghỉ dưỡng đầy mộng mơ, với tầm view đẳng cấp. Hay hàng loạt công trình tiện ích khác cũng được dựng lên, ngay trên lừng chừng đồi hay dọc con suối… Hiếm có huyện nào, địa phương nào tận dụng khéo léo được địa hình, không gian cảnh quan trong phát triển du lịch nghỉ dưỡng đến như vậy? Và hiếm có huyện nào sẵn sàng để các nhà đầu tư tự tin “vượt rào” về pháp luật để xây dựng công trình homestay, phục vụ nhu cầu du khách.

Sự bất khuất… của Thạch Thất

Năm 2008, khi Thạch Thất chính thức sáp nhập và trở thành một phần của Hà Nội, giá đất tăng vù vù, những dự án được phê duyệt nhanh chóng. Theo thống kê từ đơn vị báo chí năm 2018, chỉ đơn cử riêng xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), đã có tới 25 dự án. Một xã chỉ có diện tích 43,58km dân số hơn 7000 người (tính đến thời điểm năm 2021) nhưng đón nhận tới 25 dự án. Một ước tính đưa ra, nếu như 25 dự án trên cùng triển khai thật, tổng diện tích mà Tiến Xuân bị mất là hơn 1.000ha, trong đó có hơn 643,59ha đất rừng trồng; 301ha rừng phòng hộ, còn lại là diện tích đất nông nghiệp.

Song đến hiện tại, các dự án ở xã Tiến Xuân vẫn nằm trên giấy và chưa tìm ra câu trả lời giải quyết vướng mắc. Dù đó là vướng mắc lớn được nhắc lại nhiều năm qua nhưng với chính quyền Thạch Thất: Vướng mắc đó không làm lùi đi “chính sách” phát triển của huyện, thu hút nhà đầu tư, đưa Thạch Thất trở thành thiên đường bất động sản nghỉ dưỡng, bất chấp phản ánh của dư luận, báo chí. 

Đáng chú ý, trước đó, rất nhiều đơn vị báo chí phản ánh về tình trạng phân lô bán nền, san đồi làm homestay, không cung cấp đầy đủ giấy phép hoạt động kinh doanh, đồng thời lên tiếng về hệ luỵ của tình trạng này như phía lãnh đạo xã Tiến Xuân hay huyện Thạch Thất luôn trong tình trạng im lặng, hoặc chưa sắp xếp được lịch. 

Vào tháng 10/2022, Uỷ ban nhân dân TP Hà Nội cũng ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn. Theo đó, một trong những nội dung trọng tâm là yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối,... để phân lô, bán nền; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật.

Trong công văn số 847 về việc tập trung tổ chức thực hiện Chuyên đề 03 của UBND thành phố đối với nội dung "Công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng, đất sử dụng trái mục đích trên địa bàn thành phố", UBND TP. Hà Nội chỉ đạo chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Đây là một trong những nội dung đang thu hút được quan tâm của dư luận, đặc biệt là người dân trên địa bàn xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất. Hy vọng rằng, Thạch Thất vẫn "bất khuất" phát triển công trình homestay, vẫn là một trong những huyện đang trong lộ trình phát triển theo kế hoạch… vẫn đáng là “tấm gương” để các huyện khác học hỏi.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top