Aa

Thông điệp từ những cơn thịnh nộ

Thứ Ba, 17/11/2020 - 07:00

Tôi cũng như bạn, như bất cứ ai, đều rất lo lắng và đau buồn trước đại dịch. Căn bệnh bất ngờ xuất hiện đã giết chết hàng triệu đồng loại của mình và đẩy mấy chục triệu người khác sa vào giường bệnh.

Bỗng vào một ngày, không hề có bất cứ mệnh lệnh nào, gần năm tỷ con người trên toàn thế giới, đủ các mầu da, đủ thành phần giai cấp, đủ lứa tuổi, từ người sở hữu khối tài sản bằng cả một quốc gia, đến kẻ bần hàn dưới đáy cùng không một xu dính túi… đều nhất loạt bảo nhau ru rú ngồi yên trong nhà.

Một “phép màu” như vậy luôn nằm ngoài khả năng của con người.

Nhưng con virus corona, loài sinh vật còn chưa hoàn thiện tối thiểu về mặt cấu trúc cơ thể, lại đã làm được, biến mọi đường biên giới quốc gia, mọi khả năng phòng thủ tốn kém nhất trở nên vô nghĩa.

Từ những ngày ảm đạm và đầy lo âu ấy cho đến bây giờ, tôi cứ hay nhớ tới Stephen Hawking và lời của ông tha thiết nhắn nhủ loài người: “Sự sống là thứ có xác suất nhỏ đến mức mà sự xuất hiện trên hành tinh của chúng ta gần như trở thành độc nhất, vô nhị trong vũ trụ”.

Thế mà hãy thử xem chúng ta đã đối xử với sự sống như thế nào?

Chưa đầy hai thế kỉ qua, con người (trong đó, buồn thay, người Việt chúng ta nằm trong số hăng hái nhất) đã làm thay đổi sinh thái trái đất gấp cả trăm lần hàng tỉ năm trước đó. Có tới cả triệu loài động vật, những loài góp phần bảo vệ, chuyển tải và nâng cấp sự sống đến mức hoàn hảo nhất là con người, đã vĩnh viễn biến mất bởi chính kẻ đến sau phải mang ơn; Già nửa số rừng bị chặt phá, khiến tầng Ozon, lá chắn bảo vệ sự sống, bị đục thủng để mặc sự chết chóc tung hoành; Lòng đất mỗi ngày lại bị khoét rỗng thêm, trong khi biển, cái nôi của sinh tồn, thì đang thoi thóp, chết ngạt và ngộ độc từng ngày bởi đồ phế thải.

Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã từng làm biến đổi thế giới.
Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Tôi cũng như bạn, như bất cứ ai, đều rất lo lắng và đau buồn trước đại dịch. Căn bệnh bất ngờ xuất hiện đã giết chết hàng triệu đồng loại của mình và đẩy mấy chục triệu người khác sa vào giường bệnh. 

Nhưng nếu so với việc biến mất của sự sống, thì đôi khi “một cơn thịnh nộ” có giới hạn có lẽ cũng rất cần?

Trong Kinh Cựu ước, để trừng phạt sự sa đọa đạo đức thời chưa có luật, Chúa đã từng phải loại bỏ đi hàng vạn kẻ vô hạnh.

Thời đại đã khác. Không nói đến Kinh thánh với các câu chuyện kể phần nhiều bị trí tuệ hỗn tạp của chúng ta coi là hoang đường; ngay bản thân Chúa cũng bị chúng ta nghi ngờ, phỉ báng, xua đuổi, vì thế, không có cách nào khiến hàng tỉ người trong chúng ta tin vào giả định rằng, thay vì làm như đã làm nhiều ngàn năm trước, lần này Chúa phái xuống con virus corona?

Nhưng hãy hình dung về sự kiện đó theo cách chúng ta có thể tưởng tượng được: Nếu sau mỗi trăm năm, thời gian đủ dài khiến kinh nghiệm và kí ức một lớp người trôi tuột đi mà chả được ai nhắc nhở, với thói kiêu ngạo mỗi ngày một phình to, thì nhân loại này sẽ hành hạ, hủy hoại chính sự sống của mình kinh khủng như thế nào? Điều đó khiến chúng ta phải quý trọng sự thật khốc liệt sau: Chỉ đến khi con virus corona xuất hiện, nhân loại mới biết quý trọng trở lại từng li sự sống! Hóa ra khả năng sự sống có thể bị tiêu diệt hoàn toàn trong hòa bình là có thật?

Tạo nên một sự tĩnh lặng toàn cầu để cùng nhau đánh giá về tương lai bấp bênh của loài người, hóa ra lại là hành động mang mầu sắc của cứu rỗi.

Đôi khi tôi nghĩ: Động đất, sóng thần, lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng, sa mạc hóa và đại dịch Covid… tất nhiên là thảm họa đáng sợ, nhưng ở khía cạnh nào đó, liệu có phải là những cơn thịnh nộ cần thiết nhằm đánh thức lương tâm và sự sáng suốt của con người, muốn con người trả lời câu hỏi: Các vị thi nhau coi thường sự sống từ khi nào? Các vị đã nhìn thấy hậu họa báo trước từ sự coi thường ấy không?

Tôi không biết, không thể đưa ra câu trả lời.

Nhưng tôi biết chắc chắn rằng, con người sẽ còn phải bị đối mặt với câu hỏi khủng khiếp này trong suốt hành trình tiến về tương lai của mình?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top