Xưa nay nói đến trí tưởng tượng là người ta chỉ nghĩ đến văn chương, nghệ thuật và đối tượng sản sinh ra chúng. Hiển nhiên không có trí tưởng tượng thì không có nhà văn, không có họa sỹ, nhạc sỹ… cùng các tác phẩm nghệ thuật. Điều sơ đẳng này ai cũng biết.
Nhưng nếu ai cũng chỉ biết như vậy thì vô tình đã hạ thấp, tự khoanh vùng giới hạn vai trò của trí tưởng tượng. “Trí tưởng tượng quan trọng hơn học vấn!” - Khi nói như vậy, ông tổ của thuyết tương đối Anhxtanh muốn cảnh báo nhân loại rằng thảm họa lớn nhỏ, những tăm tối về trí tuệ... đều có nguyên nhân từ việc thiếu trí tưởng tượng. Học vấn càng cao, khả năng làm chủ khoa học, công nghệ càng tinh vi, mà trí tưởng tượng cằn cỗi, thì thảm họa càng khủng khiếp! Không có trí tưởng tượng, con người không thể vẽ sơ đồ các nguyên tử, sẽ không có toán học, không có phần mềm phần cứng, không thể hình dung ra lịch sử tiến hoá của nhân loại. Để lên được vũ trụ, đặt chân xuống mặt trăng, con người không thể không được dẫn đường bằng trí tượng tượng.
Nhưng đấy là những chuyện quá hiển nhiên, đồng thời luôn quá xa vời.
Có một lĩnh vực vô cùng cần đến trí tưởng tượng, nhưng ở ta, nó luôn luôn bị bỏ qua hoặc không được coi trọng đúng mức, thậm chí xem thường: Đó là lĩnh vực hoạch định các chính sách (ở tầng cao hơn là luật pháp), đưa ra những quy định liên quan đến lợi ích của hàng chục triệu người. Với những người thiếu trí tưởng tượng, họ chỉ chăm chú đến khía cạnh lý thuyết, sao cho chính sách đó, quy định đó, nghị định đó đảm bảo nằm trong khung pháp luật. Mặc dù, ngay cả điều đơn giản nhất ấy nhiều khi vẫn không đạt được. Nói khác đi, họ chỉ quan tâm đến việc đặt ra những quy định để coi như xong một việc, mà không để ý đến quá trình sẽ đi vào đời sống của quy định ấy.
Người có trí tưởng tượng sẽ luôn hình dung thấy trước những gì sẽ diễn ra sau một chính sách, một quyết định, một quy định nào đó. Anh ta sẽ không tuỳ tiện cắt điện, cắt nước vào những hôm thời tiết oi bức bởi anh ta thấy trước cảnh hàng vạn đứa trẻ sẽ giãy đành đạch trên giường trong khi hàng vạn người khác thoi thóp ngoi ra đường... Trải nghiệm nỗi khổ của người khác chính là trí tưởng tượng.
Nhờ thế, anh ta sẽ thấm nỗi cơ cực của người dân lặn lội đường xá xa xôi, bỏ công bỏ việc để đến công đường làm thủ tục giấy tờ, nên tìm cách chia sẻ với họ thay vì hạch sách, gây phiền nhiễu vô tội vạ. Anh ta sẽ hiểu và hình dung rõ mồn một nỗi đau của người bị thu hồi đất đang an cư hợp pháp, từ đó tìm mọi cách hạn chế tối đa những bất cập trong quy hoạch, chấm dứt quy hoạch treo, hoặc trong trường hợp nếu bắt buộc phải thu hồi đất, thì sẽ tạo sự bù trì tốt nhất cho những người bị thu hồi, giảm thiểu thấp nhất xáo trộn về sinh thái, xã hội cho họ...
Người có trí tưởng tượng sẽ không đưa ra những quy định không ai thực hiện được, hoặc nếu muốn thực hiện thì không thể không vi phạm ít nhiều những quy định khác. Ví dụ, một thời quy định phải có bình chữa cháy trong xe cá nhân, hay việc hạn chế người có hộ khẩu Hà Nội đăng kí xe máy. Cả hai quy định trên, ngay lập tức, đều tạo ra những hệ lụy lớn gấp nhiều lần tác hại của việc không đặt ra quy định đó!
Vì thế, càng những chính sách lớn liên quan đến nhiều người, càng cần những trí tưởng tượng phong phú tham gia hoạch định.
Và đã đến lúc, khả năng tưởng tượng (phẩm chất này hóa ra rất dễ thấy) phải được tính như là năng lực cần có khi đề bạt một cán bộ nào đó.