Thu đậm từ nhà… người khác cho thuê
Nhiều năm lăn lộn với việc tìm thuê nhà nguyên căn rồi cho thuê lại, anh Trần Đức Hiếu (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết hình thức đầu tư này đang rất phát triển vì nhu cầu thuê nhà ngày càng tăng.
Anh Hiếu cùng nhóm bạn chuyên đi thuê nhà nguyên căn với giá mềm, sau đó tân trang, tách phòng ra rồi cho thuê lại. “Thuê cả căn với giá 10-15 triệu đồng/tháng, bỏ thêm khoảng 40 triệu đồng sửa sang, chia phòng. Nếu chia được 6-7 phòng, mỗi phòng cho thuê giá 3 triệu đồng thì một tháng tôi thu được 18-21 triệu đồng. Trừ tiền trả cho chủ nhà mỗi tháng tôi kiếm được 8-10 triệu đồng. Chỉ cần 3-4 tháng là lấy lại vốn sửa nhà”, anh Hiếu nói.
Theo tiết lộ của anh Hiếu, anh có vài căn nhà cho thuê lại như vậy, mỗi tháng thu hàng chục triệu đồng. Kinh nghiệm của anh là chọn những căn nhà trong hẻm, nhiều tầng, nhiều phòng và ở gần khu vực có các trường đại học, văn phòng để có lượng khách dồi dào.
Chơi lớn hơn, ông Đức Trí đầu tư thuê hẳn những khu nhà lớn với số lượng phòng lên đến 50-60 ở gần trung tâm TP. Giá cho thuê một phòng trung bình 5-6 triệu đồng/tháng/phòng nhỏ và 8-10 triệu đồng/tháng/phòng lớn. Trừ các chi phí và tiền trả chủ nhà, mỗi tháng ông Trí bỏ túi khoảng 300 triệu đồng.
Theo ông, số tiền đầu tư sửa sang, thiết kế lại, trang trí nội thất phải bỏ ra khá lớn nên ông yêu cầu chủ nhà phải ký hợp đồng cho thuê dài hạn, ít nhất trong 10 năm. “Chỉ cần khoảng 2-3 năm là lấy lại vốn, sau đó là thu lời ổn định, thậm chí còn gia tăng vì giá phòng lên từng năm” - ông Trí hồ hởi nói.
Ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc một công ty chuyên kinh doanh nhà cho thuê tại TP.HCM, phân tích nếu sở hữu rồi cho thuê thì lợi nhuận chỉ 5%-10% mỗi năm. Thế nhưng thuê nhà rồi cho thuê lại thì lợi nhuận có thể lên đến 50%-100% mỗi năm.
Cạnh đó, thị trường cho thuê lại căn hộ cũng khá màu mỡ. Ông Thành bật mí có những căn hộ trung cấp ở quận Tân Bình giá gốc chỉ 15 triệu đồng/tháng, sửa sang một chút đã có thể cho thuê lại 20-25 triệu đồng/tháng. Chỉ cần 10 căn như vậy, mỗi tháng đã lãi được 50 triệu đồng.
Xem chi tiết tại đây.
Nguồn thu ngân sách từ đất của TP.HCM giảm hơn 5.000 tỷ đồng
Theo báo cáo tình hình thị trường bất động sản năm 2018 và kiến nghị giải pháp minh bạch thị trường do Hiệp hội Bất động sản TP HCM công bố, nguồn thu ngân sách từ đất tại đô thị này đang sụt giảm mạnh so với năm trước.
Năm 2018, ước thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỷ đồng. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất là 13.868 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,32% tổng thu ngân sách. Năm 2017, đã thu ngân sách từ đất là 27.170 tỷ đồng, chiếm 11,75% tổng thu ngân sách. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất là 17.905 tỷ đồng.
Như vậy, nếu so với năm 2017, số thu ngân sách từ đất đã giảm khoảng 5.139 tỷ đồng, giảm 18,9%. Nguồn thu tiền sử dụng đất cũng giảm khoảng 4.537 tỷ đồng, tỷ lệ giảm lên đến 25,3%.
Số tiền thu ngân sách từ đất mà các doanh nghiệp và cá nhân còn nợ đến ngày 30/11/2018 đã lên đến 3.013 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ trọng số thu từ đất trong tổng số thu ngân sách của thành phố năm 2018 đã sụt giảm đến 2,43% (từ 11,75% năm 2017 xuống còn 9,32% năm 2018).
Xem chi tiết tại đây.
Sai sót ken dày tại Dự án BT khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20
Hiếm dự án nào nhận được sự quan tâm đặc biệt của Kiểm toán Nhà nước như Dự án Khôi phục, cải tạo Quốc lộ đoạn Km 0 - Km 123+105 trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng (Dự án BT Quốc lộ 20).
Ba năm sau khi “soi” lần đầu tiên vào tháng 10/2015, Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo số 672/TB - KTNN ngày 12/12/2018 thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án BT Quốc lộ 20 (phần còn lại).
Đây là khối lượng công việc được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho phép nhà đầu tư bổ sung vào Dự án vào tháng 2 và tháng 3/2016 với tổng kinh phí 1.117,43 tỷ đồng từ nguồn vốn dư để triển khai 2 hạng mục: Nút giao Dầu Giây và tuyến tránh Bảo Lộc.
Được biết, Dự án BT Quốc lộ 20 là công trình hạ tầng giao thông được triển khai theo hình thức BT có quy mô vốn lớn nhất từng được triển khai ở khu vực phía Nam, với tổng mức đầu tư ban đầu lên tới 4.589 tỷ đồng (sau được điều chỉnh lên 5.264 tỷ đồng). Mục tiêu của Dự án là nâng cấp hơn 123 km Quốc lộ 20 - tuyến huyết mạch nối TP.HCM với TP. Đà Lạt để đạt tiêu chuẩn đường cấp III, quy mô 2 làn xe, rộng 12 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, nhằm nâng cao năng lực khai thác, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển về các cảng biển nước sâu các sản phẩm nhôm và phát triển ngành công nghiệp nhôm tại 2 tổ hợp bauxite Tân Rai và Nhân Cơ.
Dự án do Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long là doanh nghiệp dự án, đại diện cho tổ hợp nhà đầu tư trong nước gồm: Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIMP Cửu Long), Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FICO), Công ty Đông Mê Kông và Công ty cổ phần Việt Ren.
Điểm đặc biệt nữa tại công trình này là, bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư (khoảng 600 tỷ đồng), phần vốn còn lại trị giá 250 triệu USD được doanh nghiệp dự án vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng quốc tế do Sumitomo Mitsui Banking Corporation là đại diện.
Trong lần kiểm toán thứ hai này, tổng chi phí thực hiện tại Dự án trong giai đoạn từ ngày 1/7/2015 đến 30/9/2018 là 2.859,6 tỷ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 72,8 tỷ đồng và khoản vốn vay nước ngoài trị giá 2.786,8 tỷ đồng.
Sai sót đầu tiên được Kiểm toán Nhà nước phát hiện tại Dự án tiếp tục lặp lại ở khâu lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư. Kiểm toán Nhà nước khẳng định các bên liên quan đã để xảy ra sai sót làm tăng tổng mức đầu tư Dự án lên 8,8 tỷ đồng do tính dự phòng chi phí giải phóng mặt bằng 2 hạng mục bổ sung không phù hợp với quy định tại Thông tư số 06/2016/TT - BXD ngày 10/3/2016 về việc hướng dẫn và quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Bộ Xây dựng.
Xem chi tiết tại đây.
Kiến nghị gỡ khó để bán đấu giá 3.790 căn hộ ở quận 2
Sở Tài chính TP.HCM vừa có báo cáo UBND TP vướng mắc trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất tại các lô từ R1 đến R5 trong khu 38,4 ha, phường Bình Khánh, quận 2 làm cơ sở để bán đấu giá.
Theo đó, Sở Tài chính cho hay năm 2017, tổng giá trị các khu đất và tài sản trên đất của khu vực trên được TP phê duyệt để làm cơ sở bán đấu giá là khoảng 9.300 tỉ đồng. Sau một thời gian đăng báo và thực hiện các thủ tục bán đấu giá, do không có đơn vị nào đặt cọc mua đấu giá các lô đất, Hội đồng thẩm định giá đất TP đã tổ chức xác định lại giá trị năm lô từ R1 đến R5 theo thời điểm hiện nay.
Theo đó, vào tháng 8-2018, các lô này có giá trị hơn 9.936 tỉ đồng. “Giá trị quyền sử dụng đất tương đương thời điểm năm 2017 nhưng giá trị công trình xây dựng tăng hơn 700 tỉ đồng do chi phí lãi vay”, Sở Tài chính giải thích.
Qua xem xét, Sở Tài chính cho hay tài sản trên đã được Trung tâm Phát triển quỹ đất ký hợp đồng bán đấu giá theo quyết định về duyệt giá trị quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất với giá khởi điểm gần 9.155 tỉ đồng. Mặc dù đã có khách hàng nộp hồ sơ tham gia đấu giá nhưng không nộp số tiền đặt trước theo quy định, dẫn tới không thể tổ chức bán đấu giá và phải thẩm định lại giá tài sản. Nay Hội đồng thẩm định giá TP đã thống nhất giá trị tài sản trên. “Với giá trị nhà, đất quá lớn, gần 10.000 tỉ đồng và việc không thể tổ chức bán đấu giá (thời điểm tháng 2-2018), khả năng thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá lần này là rất khó”, Sở Tài chính nhận định.
Xem chi tiết tại đây.
Bộ Xây dựng trả lời về sai phạm tại dự án Artemis
Nội dung chất vấn này được Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chuyển tới Bộ Xây dựng, yêu cầu trả lời đối với kiến nghị xử lý sai phạm tại dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis, kèm theo đơn kiến nghị của công dân về dự án này.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng xác định các vi phạm được đại biểu quốc hội phản ánh và đề nghị làm rõ tại dự án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Xây dựng, cụ thể:
Vi phạm trong việc sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế để trục lợi, phục vụ nhóm lợi ích, lợi ích riêng thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Quốc phòng.
Vi phạm về chỉ định chủ đầu tư không qua đấu thầu, huy động vốn đầu tư từ doanh nghiệp ngoài Quốc phòng dẫn đến thất thoát tài sản công, đặc biệt là đất quốc phòng thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Quốc phòng;
Xem chi tiết tại đây.
Thách thức bất động sản 2019
Thứ nhất, nguồn cung sụt giảm: Tổng số căn hộ chung cư được cung cấp từ 2010 đến nay là 600.000 căn, trong đó Hà Nội hơn 200.000 căn. Với mẫu số trung bình giai đoạn này 80 triệu dân thì tỷ lệ đó là thấp. Chưa kể, trong chính sách mới về quy hoạch phát triển các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM sẽ hạn chế phát triển dự án khu vực nội đô hoặc khu vực có nhiều khu dân cư hiện hữu… dẫn đến thiếu hụt nguồn cung. Đến năm 2020, nếu vướng mắc này không được tháo gỡ, thị trường sẽ thiếu nguồn cung nghiêm trọng.
Thứ hai, điều chỉnh cung – cầu: Thị trường bất động sản giai đoạn 2019 - 2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững. Sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị. Phân khúc nhà ở cao cấp cũng sẽ phát triển theo hướng tạo ra đẳng cấp khác biệt, độc đáo, tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ. Đặc biệt, xu thế xây dựng khu dân cư thông minh, tòa nhà thông minh, an toàn về phòng cháy chữa cháy sẽ rất được coi trọng.
Thứ ba, siết tín dụng: Các doanh nghiệp đang đứng trước thách thức về việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản. Nhưng đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư, giảm bớt dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay tín dụng nhằm phát triển doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.
Các doanh nghiệp cần tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực của doanh nghiệp và coi trọng việc hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn bất động sản. Xem xét chuyển đổi thành công ty cổ phần để có điều kiện gọi vốn ngoài xã hội và định hướng trở thành công ty đại chúng để đủ điều kiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Xem chi tiết tại đây.