Aa

Thu hồi đất nông nghiệp để phát triển đô thị: Bài toán khó ở Quảng Nam

Thứ Tư, 23/08/2023 - 06:27

Trong công tác giải phóng mặt bằng, vấn đề thu hồi đất, đặc biệt thu hồi đất nông nghiệp thực sự là bài toán khó khăn, nan giải ở nhiều địa phương.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở, phát triển đô thị, các dự án đầu tư công… phải nằm trong tình trạng chậm tiến độ, xin gia hạn nhiều lần vì công tác giải phóng mặt bằng không thể hoàn thành đúng dự kiến, gây ra nhiều khó khăn cũng như thiệt hại cho chủ đầu tư.

Việc thu hồi đất nông nghiệp để phát triển các dự án hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. (ẢNH: Đông Duy)

Nguyên nhân của sự chậm trễ trên có thể xuất phát từ yếu tố khách quan như hồ sơ đất đai bị thất lạc, đất tranh chấp… Về chủ quan, việc không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án là yếu tố chủ yếu để dự án khó có thể triển khai, hoàn thành đúng tiến độ cam kết.

Đơn giá thu hồi đất nông nghiệp còn thấp?

Tại nhiều báo cáo về những tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của các dự án phát triển đô thị trên địa bàn TX. Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), dễ dàng nhận thấy sự trùng lặp của nguyên nhân chậm tiến độ triển khai dự án: Đó là xuất phát từ việc người dân không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng được đưa ra; một số hộ yêu cầu bố trí tái định cư khi thu hồi đất nông nghiệp; nhiều hộ dân “còn tâm lý chờ chủ đầu tư thương lượng”…

Thực tế, hầu hết người dân đồng tình với chủ trương về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị tại địa phương. Tuy nhiên, đơn giá bồi thường đối với diện tích đất nông nghiệp khi thu hồi quá thấp, có sự chênh lệch lớn so với giá trị thửa đất khi được bán ra dưới dạng sản phẩm của dự án làm cho tâm lý người dân đa phần không chấp nhận, yêu cầu chủ đầu tư (doanh nghiệp) thoả thuận riêng. Từ đó phát sinh nhiều yêu cầu và kết quả là “không tìm được tiếng nói chung giữa người dân và doanh nghiệp”.

Đơn cử, với dự án Khu dân cư mới 2A (giai đoạn 2) tại TX. Điện Bàn, dù đã chậm tiến độ và đang trong thời gian thực hiện các thủ tục gia hạn, nhưng với hộ ông Đ.B.T (Khối phố Viêm Trung, phường Điện Ngọc) có hơn 2.800m2 diện tích đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án vẫn sẵn sàng chấp nhận giải tỏa, bàn giao mặt bằng, điều kiện là phải có mức bồi thường phù hợp.

Theo bảng giá đất thời kỳ 2020 - 2024 của tỉnh Quảng Nam, đối với đất nông nghiệp trên địa bàn TX. Điện Bàn, tuỳ từng vị trí khác nhau, đất trồng lúa có đơn giá từ 35.000 – 55.000 đồng/m2; đất trồng cây hằng năm có đơn giá từ 29.000 – 52.000 đồng/m2; đất trồng cây lâu năm có đơn giá từ 40.000 – 58.000 đồng/m2… và có hệ số điều chỉnh giá đất (k) = 1,0.

Với ông N.V.Đ (Khối phố Ngân Giang, phường Điện Ngọc) cho rằng sau khi thu hồi đất nông nghiệp thì doanh nghiệp cũng phải bỏ thêm tiền để đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, đường… rồi mới hình thành nên các lô đất nền để bán. Dẫu biết đầu tư là phải có lời nhưng nếu so giá 1m2 đất nền bán ra và giá 1m2 đất nông nghiệp khi thu hồi có sự chênh lệch quá lớn dễ tạo nên tâm lý “chênh lệch giữa bồi thường và bán ra” nếu người dân không được giải thích đầy đủ.

Trong khi đó, các dự án phát triển đô thị tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc nói riêng và TX. Điện Bàn nói chung, diện tích đất ảnh hưởng của người dân chủ yếu là đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm. Phần lớn, với dự án phát triển đô thị tại TX. Điện Bàn, chủ đầu tư sẽ có khoảng 35 - 40% diện tích đất trên tổng diện tích dự án để khai thác thương mại (như đất phân lô liền kề, đất biệt thự, đất thương mại - dịch vụ…).

Người dân tận dụng các khu đất chưa đầu tư xây dựng để trồng trọt.

Thực tế, khi nằm trong diện giải toả, ngoài việc được nhận lại giá trị tương ứng diện tích bị thu hồi (không vượt quá diện tích sở hữu đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật) thì người dân cũng sẽ được nhận chi phí đầu tư vào đất còn lại, bồi thường cây trồng, vật nuôi… Tuy nhiên, cộng lại tất cả chi phí thì vẫn còn ở mức khiêm tốn so với kỳ vọng của người dân. Vì vậy, nhiều dự án khi triển khai giải phóng mặt bằng thường gặp vướng bởi yêu cầu bố trí tái định cư khi thu hồi đất nông nghiệp; yêu cầu chủ đầu tư thoả thuận riêng… bằng không thì không nhận được sự hợp tác từ người dân.

Bên cạnh đó, có nhiều chủ đầu tư quá kém về năng lực tài chính, sau khi thu hồi đất nông nghiệp nhưng nhiều năm dự án vẫn chưa được triển khai thi công, trong khi người dân trước đây bị thu hồi đất là nông dân đã có tuổi, khó hoặc không thể chuyển đổi ngành nghề, làm xuất hiện tình trạng người dân không có tư liệu sản xuất còn đất đai thì trong tình trạng hoang hoá, không phát huy được giá trị.

Đây cũng là vấn đề gây nhức nhối, bức xúc cho người dân tại các dự án “treo”, chậm tiến độ nhiều năm. Và với những người dân nằm trong diện giải tỏa, đền bù về đất nông nghiệp, nhưng chưa hoàn thành phương án bồi thường, hỗ trợ thì vấn đề trên cũng phần nào tạo tâm lý ái ngại, khó chấp nhận bàn giao tư liệu sản xuất để triển khai dự án.

Nhiều chủ đầu tư yếu năng lực tài chính cũng là nguyên nhân khiến việc giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư chậm tiến độ.

Số lượng suất tái định cư cũng từng là rào cản

Vấn đề thu hồi đất ở và bố trí tái định cư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được áp dụng theo các quy định khác nhau cũng từng tạo nên rào cản trong việc thu hồi đất đối với người dân nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án.

Theo ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND TX. Điện Bàn, trước đây, trong một hộ thuộc diện bị thu hồi đất sẽ được xem xét đủ điều kiện tách bao nhiêu hộ thì được cấp bấy nhiêu lô đất tái định cư, không tính diện tích đất bị thu hồi rộng bao nhiêu (áp dụng theo quy định tại Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh Quảng Nam).

Nhưng khi áp dụng theo Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND ngày 21/12/2021 thì quy định đất tái định cư bố trí lại không quá diện tích đất ở thu hồi. Trong một dự án sẽ có rất nhiều phương án giải phóng mặt bằng, những hộ áp dụng phương án theo Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND sẽ thiệt thòi hơn so với những hộ được áp dụng phương án theo Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND. Vì vậy, nhiều hộ dân đã không đồng tình, không chấp nhận phương án giải phóng mặt bằng được đưa ra.

Trước thực trạng trên, ngày 20/10/2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ban hành kèm theo Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND ngày 21/12/2021. Đáng chú ý, với trường hợp trong hộ gia đình có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng đủ điều kiện tách hộ theo quy định hoặc nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở thu hồi thì cho phép diện tích đất ở được giao tại khu tái định cư vượt diện tích đất ở thu hồi. Như vậy, việc bố trí tái định cư khi thu hồi đất ở sẽ không còn bị hạn chế bởi diện tích đất ở bị thu hồi.

Trong thời gian khoảng 10 tháng, từ thời điểm áp dụng quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (ngày 1/1/2022) đến thời điểm áp dụng sửa đổi, bổ sung quy định nêu trên (1/11/2022), chính là khoảng thời gian vướng mắc bởi quy định về bố trí tái định cư dựa trên hạn mức thu hồi đất ở, khiến người dân không đồng thuận, gây khó khăn rất lớn cho quá trình giải phóng mặt bằng của nhiều dự án tại Quảng Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top