Aa

Thủ tục hành chính và sự tha hóa của nụ cười

Thứ Ba, 16/10/2018 - 06:01

Để phá “ma trận” thủ tục hành chính, điều trước tiên và vấn đề gốc rễ là phải loại bỏ những công chức tha hóa, lợi dụng công vụ để hành dân, phục vụ cho lợi ích của riêng mình hay một nhóm lợi ích. Chỉ có như thế, nền hành chính mới trở lại đúng bản chất phục vụ dân chứ không phải “hành dân là chính”.

Ngày 9/ 10, Reatimes có đăng bài Longform với tiêu đề: Phá “ma trận” thủ tục hành chính. Mở đầu bài viết có đoạn: “Chìa tập biên bản có tới hơn chục con dấu đỏ chót sau buổi làm việc với các cơ quan chức năng để xin duyệt một dự án, ông A (chủ một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại Hà Nội, đề nghị được giấu tên) tỏ vẻ ngán ngẩm trước cách giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý đối với các hoạt động kinh doanh trên thị trường bất động sản”.

Và theo lời ông kể thì để đầu tư một dự án resort 300 phòng trên diện tích 10ha, từ khi nảy sinh ý tưởng đến khi dự án đi vào hoạt động phải mất 167 tháng, tức là 13 năm 11 tháng. Trong đó mất 5 năm 3 tháng để chờ có được giá đất và 6 năm 1 tháng để được cấp quyền sử dụng đất.

Nhiều người sẽ giật mình về các con số này. Bởi với ngần ấy thời gian chạy vạy thì còn gì là cơ hội kinh doanh. Cộng thêm trả lãi ngân hàng, và những khoản bôi trơn bất thành văn thì còn đâu giá cả cạnh tranh.

Tôi cũng “giật mình”, nhưng lại “giật mình” bởi một nguyên nhân khác. Đó là cái tên nhân vật phải viết tắt và cái câu trong ngoặc đơn: “ông A (chủ một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại Hà Nội, đề nghị được giấu tên)”. Giật mình vì tại sao một người nói lên một sự thật như thế mà lại phải giấu tên? Giật mình nhưng lại không lạ, bởi câu trả lời hết sức đơn giản nhưng chua xót: Vì sợ bị trả thù, bị gây khó dễ, thậm chí hết đường làm ăn.

Rất nhiều lần, trong các cuộc điều tra xã hội học hay thăm dò, lấy ý kiến (tất nhiên là lấy kín) giới doanh nhân, bức xúc đầu tiên của họ là về chi chí bôi trơn và sự phiền hà, sách nhiễu, tham nhũng từ vặt đến lớn của một bộ phận công chức thực thi công vụ trong “ma trận” thủ tục hành chính. Nhưng cũng chỉ là dám bày tỏ mà không có gan lộ danh tính. Còn trong các hội nghị, nếu có vị nào cả gan dám phát biểu công khai thì cũng chỉ có thể nói chung chung chứ đố dám chỉ rõ, đích danh, cụ thể công chức nào ở cơ quan nào “hành” mình.

Ảnh minh họa.

Thiết kế: Hoàng Linh

Bị hành, bị nhũng nhiễu mà không dám kêu, thậm chí còn phải xuýt xoa khen lấy lòng. Không ai dám kêu, dám vạch mặt những kẻ hạch sách, nhũng nhiễu thì hậu quả tất yếu là sẽ tiếp tục bị hành, bị nhũng nhiễu, thậm chí mức độ sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Nhưng nếu dám chỉ mặt vạch tên thì có một thực tế là liệu có đi đến đâu không hay sẽ bị phản đòn: Liệu hồn! Hãy đợi đấy!

Luật pháp, chính quyền không “trả thù” những người nói sự thật, nhất là sự thật đang làm biến chất nền hành chính nói chung và việc tiến hành các thủ tục hành chính nói riêng, đến mức mà dân gian đã có câu định nghĩa về hành chính tức là “hành” là chính. Mà sự trả thù ở đây là từ chính những công chức được giao thực thi công vụ, trực tiếp giải quyết thủ tục cho những người dám tố cáo ấy. Đó chính là sự tha hóa của công chức.

Bộ máy Nhà nước từ chỗ được sinh ra để phục vụ xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp đã bị bộ phận công chức tha hóa này lợi dụng để mưu cầu lợi ích cá nhân bằng cách nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Mất thời gian, tổn hại chất xám để lo chạy chọt các cửa, tốn chi phí bôi trơn và tiền trả lãi ngân hàng cũng như ứ đọng vốn vì thời gian làm thủ tục kéo dài một cách vô lối không những sẽ lấy đi cơ hội mà còn làm tăng giá thành sản phẩm. Điều đó gây tổn hại cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng; và tệ hại hơn, nó làm mất đi sức cạnh tranh và làm biến dạng, tha hóa cả nền kinh tế.

Có điều lạ mà không lạ là, cái “ma trận” thủ tục hành chính được một bộ phận người thực thi công vụ dựng lên kín cổng cao tường đến thế, nhưng lại để “lọt lưới” không ít vụ việc to hơn con voi, làm thất thoát khối tài sản rất lớn của nhà nước. Phải chăng nguồn gốc sâu xa chính là vấn đề lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến câu chuyện “hành chính nụ cười” ở Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE). Tại một số công sở UAE, người ta thí điểm trang bị những chiếc cửa có thiết bị cảm biến đo mức độ hài lòng của người dân đến giải quyết công việc. Người dân đến làm thủ tục hay giải quyết công việc nào đó, khi ra về sẽ phải qua cái cửa đặc biệt này; một thiết bị gắn sẵn camera tích hợp, có khả năng nhận diện và phân tích biểu hiện khuôn mặt của người đứng trước nó. Khi gương mặt thể hiện nụ cười, cửa sẽ mở; nếu không hài lòng, cửa không mở và một bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ mời họ trở lại bàn để nghe giải đáp những băn khoăn còn tồn tại. Sau một thời gian cho thấy, những người dân đến đây, dù là làm thủ tục đăng ký hay nộp phạt thì cũng đều ra về với nụ cười hài lòng. Thậm chí một người còn nói: "Hôm nay tôi đến nộp phạt những vi phạm lái xe trong 2 tháng qua và lấy lại tài khoản bị khóa do quá hạn nộp. Ở đây, cảm giác mình được chăm sóc dịch vụ hơn là bị phạt".

Nghe chuyện này, có người nói, nếu Việt Nam làm theo mô hình này thì chắc chẳng có mấy người được bước ra cửa ngay lần đầu. Nhưng cần phải có cái cửa đặc biệt này thì mới có thể xóa bỏ được câu: Hành chính = “Hành” là “chính”.

Riêng tôi lại nghĩ, có trang bị một cửa chứ đến mười cửa thì với tâm lý “giấu tên” vì sợ bị trả thù như đã nói ở đầu bài thì dù có không hài lòng đến mấy, người dân hay doanh nghiệp lúc ra về cũng cứ phải là… cười thật tươi (!). Vì không cười á? sẽ bị lôi lại bàn để “hành” tiếp, để trả lời câu hỏi “tại sao không cười” và nhưng câu đầy ẩn ý “hãy đợi đấy!”. Hài lòng – Cười! Không hài lòng cũng phải cười cho nó xong việc. Và còn mong lần sau đỡ bị “hành” hơn.

Thế là, sự tha hóa của một bộ phận công chức đã làm tha hóa nền hành chính, tha hóa nền kinh tế và đến cả nụ cười cũng bị làm cho tha hóa.

Vì vậy, để phá “ma trận” thủ tục hành chính nói riêng hay cải cách thủ tục hành chính nói chung, tôi nghĩ điều trước tiên và vấn đề gốc rễ là phải loại bỏ được những công chức tha hóa. Chỉ có như thế, nền hành chính mới trở lại đúng bản chất phục vụ dân chứ không phải “hành dân là chính” bởi những công chức lợi dụng công vụ để hành dân, phục vụ cho lợi ích của riêng mình hay một nhóm lợi ích./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top