Mang lời nguyền từ thưở khai sinh, cái định mệnh nghiệt ngã...
...chờ một ngày, một ngày - máu hòa mồ hôi!
Đá toát mồ hôi (1) tạo thành dòng, và con người cắt lên da thịt mình cho máu chảy (2) vào sông. Máu và mồ hôi, hòa vào sông Thạch Hãn. Huyền thoại và lịch sử, tưởng là xa lắm, nhưng sao ở đây khéo sắp đặt đến kỳ lạ. Có phải là tiên tri cho số mệnh Quảng Trị, oằn vai gánh chịu cái éo le của trời đất núi sông!?
Rồi một ngày có chuyến đò Thạch Hãn… “Dòng sông không đứng yên và chuyến đò không dừng lại”. Khách ngược dòng hay xuôi nguồn rồi thủy chung cũng một lòng như sông.
Đi, thế cũng có nghĩa là trở về. Khởi điểm chính là nơi để kết thúc.
Một ngày của mùa hè 1979, lần đầu tôi đặt chân lên chuyến đò Thạch Hãn… về nương mình đất Am xưa. Đó là núi rừng Ái Tử, đồi thị Ba Gò, có Am Tịnh Độ của sư tổ Chí Khả. Am Tịnh Độ mặt hướng về phía Đông Nam nhìn ra bàu nước, nơi bầy voi thường về tắm mình đùa giỡn. Hơn 500 năm trước, Chúa Nguyễn Hoàng cũng chọn nơi này, lập ra Dinh Ái Tử.
Thế trường chinh đi mở đất Phương Nam từ đấy khởi cuộc. Đất thiêng thế mạnh cho mạch sống tồn sinh. Nằm giữa hai con sông Ái Tử và Thạch Hãn là vùng đất yên nghỉ của tổ Chí Khả và chúa Nguyễn Hoàng.
Soi mình xuống dòng sông Hãn, núi Mai Lĩnh cô độc chứng kiến bể dâu. Sông Vĩnh Định cũng nặng mình ngang qua bao chiến chinh... đổi thay.
Dừng chân bên bến sông Vĩnh Định vui miền thôn dã ruộng đồng chân quê hương lúa rạ đất cha, tôi chọn Am Thụy Ứng tiếp bước hóa duyên. Tiếng vọng của tiền nhân lời non nước khôn nguôi. Mạch nguồn tự ngàn năm dẫn dắt. Đỉnh Trường Sơn gió cuộn băng ngàn hun hút thế mà lời người tử trận vẫn vẳng lại nơi đây.
Am Thụy Ứng thành hình, như lời nguyện đủ lớn tự đất trời hóa hiện. Chúng tôi phát tâm cầu siêu thoát cho vong linh Anh Hùng Liệt Sĩ hàng tháng tại hai nghĩa trang Quốc gia: Trường Sơn và Đường 9. Đã hơn 10 năm qua rồi, ròng rã hàng tháng, đúng 2 giờ chiều ngày mùng 8 là chúng tôi có mặt ở hai nghĩa trang, phụng lễ cầu kinh cho hương hồn các anh.
Con sông chính là chuyến đò, vận vào mình định mệnh Sơn Hà. Bao lớp cha anh nằm xuống cho đất nước trường sinh.
Tâm nguyện nối tâm nguyện, người tiếp người, lớp lớp về nơi mảnh đất này trong mùa tháng 7 và cùng nhau gửi vào dòng sông lời nguyện cầu: Âm siêu, Quốc thái Dân an! Từ tấm lòng thắp sáng ơn sâu tình người gửi gắm yêu thương nâng niu! Tay chuyền tay hơi ấm tạo dựng tươi sáng cho tương lai sống còn!
Dòng Thạch Hãn lao xao giờ đây thật bình yên. Hai bên bờ hiền lành với vài con thuyền nhỏ. Cổng thành cổ cũng mang vẻ trầm ngâm... Nhưng đâu đó trong một chiều không gian quanh đây, ký ức về một mùa hè đỏ lửa, về những ngàn vạn con người trên khoảng đất hơn hai cây số thành cổ và dòng Thạch Hãn vẫn thấm đẫm. Dư âm của nỗi đau vẫn còn mạnh mẽ cho dù thời gian ngày một lùi xa và hòa bình, sự bình yên đã về trên mảnh đất này. Những nỗi đau từ trong tâm thức, cần được chữa lành bằng tâm thức.
Như một đứa trẻ bị vấp ngã, khi người mẹ đến hôn lên nơi vết thương, đứa bé liền cảm thấy đỡ đau hơn. Và khi được mẹ ôm vào lòng, nựng nịu và vỗ về, ta sẽ không còn sợ hãi, vết thương cũng như được băng lại bằng sự có mặt của mẹ, của tình thương và lòng xót xa muốn được sẻ chia. Mọi nỗi đau khác cũng vậy, luôn cần được thấu cảm, được sẻ chia bằng tình thương. Những mất mát âm thầm như nỗi đau bởi chiến tranh là nỗi đau vô hình trong tâm thức, phải được chữa trị bằng sự hiểu biết và tình thương sâu sắc.
Phương thuốc ấy có sẵn trong dòng chảy tâm linh dân tộc Việt từ ngàn đời, hun đúc nên bởi nếp sống đạo Phật. Mở lòng để đón nhận là ta có được. Ta cũng nhận ra sự chữa trị có trong chính ta. Như khi ta tin ở mẹ, tin rằng ta và mẹ là một, niềm tin có tự khi ta còn là một bào thai gắn liền với mẹ. Nên tình thương và sự hiểu biết của mẹ có thể truyền lại cho ta. Những thực tập chuyển hóa trong đạo Phật, giúp ta mở lòng ra và tu học, ta có thể nhận ra được lòng từ và trí tuệ trong ta.
Không phải bởi một sự trỗi dậy của một nỗi cảm thương nhất thời, đó là tâm tình mong muốn được sẻ chia và thấu cảm được những mất mát tận cùng của quê hương. Những linh hồn tuổi chưa tròn đôi mươi, những người mẹ mất con, kẻ đi người ở, đau đáu nhớ thương, đau đáu những day dứt biết bám víu vào đâu?? Chỉ có nhờ Phật lực gia trì, nhờ có sức mạnh nơi tình thương sâu rộng và sự thấu cảm, chúng ta mới có thể tạo nên những biến chuyển trong tâm thức ngàn đời. Đó là dòng năng lượng lành của núi sông, của quê hương, của tình thương từ tấm lòng tri ân sâu sắc.
Những lời kinh tiếng kệ cất lên từ trái tim ròng rã hơn 10 năm qua cùng tấm lòng của hàng ngàn người con dân tộc thành kính, mang theo tình thương và lòng biết ơn đến cha anh chính là phương thuốc để chữa lành dần những vết thương nơi tâm thức.
Tôi được nghe nhiều lớp trẻ ngày nay hồn nhiên cười nói mình không theo đạo nào, là vô đạo. Tôi cũng được nghe nhiều những bài báo đưa tin về sự thiếu hiểu biết lịch sử trong những kỳ thi chuyển cấp của các em nhỏ mỗi năm... Rất nhiều, rất nhiều những vấn đề nan giải trong xã hội chúng ta đang sống hôm nay.
Nhưng tôi có lòng tin ở dân tộc mình, ở những người anh chị em và lớp trẻ. Chúng sẽ có thể thiếu hụt ở một góc nhìn nào đó trong sự hiểu biết về lịch sử, sách vở hay những khái niệm. Tuy nhiên, những gì là hồn cốt dân tộc, là tinh hoa nguồn cội đã bao đời gây dựng sẽ mãi còn trong dòng chảy tâm thức của mỗi người con Việt. Mỗi một ý niệm lành khởi lên, mỗi một hành động đẹp được chung tay vun tạo sẽ khơi nguồn cho dòng chảy mãi bất tận.
Tình yêu thương và sự thấu cảm, những tâm niệm chân thành khi khởi lên và hóa thành hành động sẽ trở thành sức mạnh chuyển hóa tâm thức và chữa lành được tất cả những vết thương.
Dù đó là vết thương lớn và rất nhiều đớn đau như vết thương của chiến tranh…
(1) Thạch là đá, Hãn là mồ hôi. Có nghĩa là con sông được tạo ra từ mồ hôi của đá.
(2) Máu các anh chiến sĩ đã đổ xuống dòng sông Thạch Hãn qua cuộc chiến năm 1972, nhiều đến mức con sông này được mệnh danh là "con sông máu".