Aa

"Tiền chùa"

Thứ Tư, 28/08/2019 - 06:30

Hóa ra, hơn cả một từ, “tiền chùa” đã đạt tới là một khái niệm ám chỉ sự tàn phá. Câu hỏi đặt ra là bao giờ thì sự tàn phá ấy mới dừng lại?

Không rõ ai là người đầu tiên dùng từ “tiền chùa”, nhưng tôi cam đoan người ấy phải vô cùng thông minh và hài hước. Kho tàng ngôn ngữ của nước ta có thêm một từ ghép, cấu thành nên một danh từ không thể cô đọng hơn so với nội dung mà nó nhằm diễn đạt.

Dân gian quả là thông minh, không đùa được.

Nhưng “tiền chùa” thực chất là loại tiền gì?

Sau đây sẽ là một trong những câu chuyện minh họa đặc sắc mà tôi lượm lặt được, xin kể lại để quý vị có thể từ đó đưa ra định nghĩa tự thỏa mãn mình.

Ở một cơ quan hành chính nọ, có một vị thủ trưởng, tính tình rất hào phóng trong chi tiêu. Thời bắt đầu rộ lên mốt salon đệm mút, ông bắt khiêng về đặt ở phòng ông một bộ. Rồi đệm mút “hết thời”, nhường chỗ cho đồ giả cổ, ông cũng lại “đi trước thời đại”, làm hẳn một bộ giống như ngai vua. Giả cổ dù sao vẫn là của “giả”, ông lý luận thế, khi muốn có trong phòng bộ ghế gỗ mạ vàng, lót đệm vải gai xuất xứ Đài Loan, vừa thanh nhã, vừa hợp thời.

Sau đó rộ lên mốt đồ văn phòng Hàn Quốc. Cứ phải Hàn Quốc mới đúng là dân sành điệu. Nhưng cuối cùng, khi ông có dịp đến thăm một VIP, trở về ông nhất định phải có một bộ salon bọc da bò tót xuất xứ Tây Ban Nha. Thế là những thứ ghế còn mới tinh đều lần lượt bị quăng vào kho đồ cũ, chờ cũ hẳn để thanh lý.

Rồi máy vi tính xuất hiện, trở thành biểu tượng văn minh của một... thủ trưởng. Ông cần có ngay một bộ “gin” của American với đầy đủ máy in... mặc dù ngay cả mở máy ông cũng không biết ấn vào nút nào. Hết thời máy tính để bàn, ông cũng đi tiên phong ẵm một “con” laptop nhãn hiệu quả táo cắn dở chỉ để ngắm! 

Ngày ngày ngồi trên chiếc ghế có bánh xe, ông dùng chân đẩy chạy khắp phòng và phát hiện ra rằng ông cần có điện thoại nối dài, có máy fax, có quạt điều khiển từ xa để “cho một căn phòng rộng hơn trong thế giới ngày càng nhỏ bé”. 

Những thứ đó nhanh chóng bò về phòng ông. Nhưng rồi chúng cũng nhanh chóng lạc hậu, không còn là chứng chỉ ghi nhận đẳng cấp của một vị thủ trưởng thế hệ 4.0. Ông nhất định phải chứng tỏ cho mọi người là ông toàn tài, hiểu cả văn học, âm nhạc và hội họa, rồi là đồ gốm mỹ nghệ, cây cảnh kiểu Nhật… 

Một cái giá sách bằng gỗ quý, vài bức tranh của những họa sỹ thời thượng, dăm chiếc bình gốm, bộ máy nghe nhạc chất lượng cao… là những thứ quá dễ kiếm trong thời buổi bây giờ. Để duy trì sự tỉnh táo nhằm cống hiến toàn bộ thời gian cho cơ quan, ông không thể thiếu chiếc máy pha cà phê nhãn hiệu Ý, bộ uống trà kiểu Anh.

Kết quả là ông thủ trưởng nọ đã tạo cho vài trong số hàng vạn cô gái thất nghiệp có việc làm, vào biên chế hẳn hoi, chỉ để phủi bụi, lau chùi, cùng lắm là sấy máy vi tính, sạc pin điện thoại...

Mấu chốt ở chỗ, tất cả số tiền bỏ ra để mua những thứ vừa kể đều là tiền ngân sách, tức là tiền lấy của hàng triệu người dân, thường phải vắt mồ hôi và có thể cả máu để kiếm ra.

Lời kết:

Trước khi kể cho quý vị, tôi đã từng kể chuyện này cho bạn tôi nghe. Bạn tôi cười như sắp sửa nôn ra ruột. Tôi tưởng câu chuyện của tôi làm anh buồn cười, ai dè chờ hết sặc, anh bảo:

- Ông ở trên trời rơi xuống nên mới ngạc nhiên, chứ thằng tôi vốn là dân văn phòng thì những thứ ông kể chẳng có gì lạ. Chuyện thường ngày ở các cơ quan có điều kiện tiêu tiền... không phải của mình, có gì mới đâu. Nếu không thế, đất nước thân yêu của chúng ta đã giàu!

Hóa ra, hơn cả một từ, “tiền chùa” đã đạt tới là một khái niệm ám chỉ sự tàn phá. Câu hỏi đặt ra là bao giờ thì sự tàn phá ấy mới dừng lại?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top