Aa

Tín hiệu tích cực trên thị trường bất động sản TP.HCM đầu năm 2025

Diệu Phan
Diệu Phan phandieu.mtg@gmail.com
Thứ Năm, 06/02/2025 - 06:50

Thị trường bất động sản TP.HCM khởi đầu năm 2025 với nhiều tín hiệu lạc quan khi doanh thu tháng 1 đạt gần 23.000 tỷ đồng. Với nhiều động lực quan trọng đang thúc đẩy thị trường, chuyên gia dự báo bất động sản TP.HCM sẽ tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Doanh thu bất động sản thu về gần 23.000 tỷ đồng chỉ trong tháng đầu năm

Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 1 năm 2025 của Cục Thống kê TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 ước đạt 107. 996 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ bất động sản ước đạt 22.932 tỷ đồng, chiếm đến 59% trong doanh thu dịch vụ khác, giảm 3,3% so với tháng trước. Tuy nhiên, bất động sản vẫn đóng góp hơn 21% vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, chỉ xếp sau bán lẻ hàng hóa.

Cục Thống kê TP.HCM nhận định, thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục nhờ chính sách hỗ trợ, đặc biệt là giảm lãi suất huy động và cho vay sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Mặc dù vậy, lĩnh vực này vẫn gặp nhiều thách thức và chưa tác động mạnh đến ngành xây dựng, khi chỉ tăng 3%, chiếm 3% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) nhưng chỉ đóng góp 1% vào mức tăng GRDP của TP.HCM.

Trong năm 2024, cũng theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, thị trường bất động sản có những dấu hiệu phục hồi khi doanh thu đạt hơn 282.000 tỷ đồng, chiếm 60,6% trong doanh thu dịch vụ khác và tăng 7,9% so với năm 2023.

Tín hiệu tích cực trên thị trường bất động sản TP.HCM đầu năm 2025- Ảnh 1.

Thị trường bất động sản TP.HCM có dấu hiệu hồi phục nhờ các chính sách hỗ trợ (Ảnh: Reatimes)

Bàn về giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản năm nay, Cục Thống kê TP.HCM đề xuất thành phố xác định bất động sản là một động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế và tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án, kiểm soát giá nhà ở và đất đai để hạn chế lãng phí tài nguyên.

Trong giai đoạn 2025-2030, thành phố tập trung các công tác rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành làm căn cứ triển khai thực hiện Luật Đất đai 2024. Bên cạnh đó cần đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, thực hiện số hóa dữ liệu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để tăng tính minh bạch, giảm thời gian, chi phí.

Nhiều động lực quan trọng đang thúc đẩy thị trường bất động sản

Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, có nhiều động lực quan trọng đang thúc đẩy thị trường bất động sản trong thời gian tới. Về mặt chính sách, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều quy định pháp luật một cách rõ ràng và minh bạch hơn. Tuy nhiên, để những quy định này thực sự đi vào thực tiễn, cần thêm thời gian.

Còn về động lực về cơ sở hạ tầng, Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc triển khai các dự án hạ tầng nhằm tạo động lực cho sự phát triển của cả nước. Sự phát triển hạ tầng đã hỗ trợ rất tốt cho thị trường bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp.

Bên cạnh đó là động lực về nguồn vốn, trong giai đoạn gần đây, đã có nhiều doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường bất động sản. Từ năm 2023 đến 2024, nguồn vốn mới đã đổ vào thị trường. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia đầu tư vào các dự án lớn tại TP.HCM, thúc đẩy sự phát triển của cả thị trường. Một động lực quan trọng thúc đẩy sự hồi phục của thị trường bất động sảnđó là chính sách tín dụng. Nhiều ngân hàng có lãi suất cho vay hấp dẫn cho người mua nhà.

Tín hiệu tích cực trên thị trường bất động sản TP.HCM đầu năm 2025- Ảnh 2.

Bất động sản TP.HCM bước vào xu thế phục hồi, tăng trưởng (Ảnh: Reatimes)

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, xu thế phục hồi, tăng trưởng trở lại của thị trường bất động sản TP.HCM kể từ quý 2/2023 cho đến nay là chắc chắn và không thể đảo ngược. Dù vậy, thị trường bất động sản thành phố và cả nước sẽ vẫn còn nhiều khó khăn trong năm 2025.

Bởi lẽ, thứ nhất, từ khoảng tháng 8 đến cuối năm 2025 là thời điểm tập trung đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sau 2 năm được gia hạn theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP với tổng giá trị lên đến khoảng 180.000 tỷ đồng, cao nhất trong 3 năm 2023-2025.

Thứ hai, có "độ trễ" để cho các luật, văn bản dưới luật vừa ban hành đi vào cuộc sống và để khắc phục các "bất cập", trì trệ trong công tác thực thi pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Thứ ba, có "độ trễ" do quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội phải qua nhiều khâu, nhiều công đoạn nên mất nhiều thời gian, nhất là giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến lúc được cấp giấy phép xây dựng. Trước đây, giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án bất động sản thường mất trên dưới 3 năm hoặc thậm chí lâu hơn, trong lúc tại các nước trong khu vực chỉ mất khoảng 6 tháng.

Thứ tư, chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030" vừa nhằm để thực hiện mục tiêu bảo đảm "an sinh xã hội về nhà ở" đối với các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội, đồng thời vừa tạo "cú huých" tác động tích cực đến thị trường bất động sản để "cơ cấu lại" sản phẩm nhà ở hướng đến nhu cầu thực nhằm thúc đẩy phát triển nhiều nhà ở thương mại giá vừa túi tiền, nhà ở bình dân để cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top