Aa

Bất động sản 24h: Tốc độ tăng giá đất nền tại quận Nam Từ Liêm cao hơn Cầu Giấy và Thanh Xuân

Thứ Bảy, 01/04/2023 - 09:50

Tốc độ tăng giá đất nền tại quận Nam Từ Liêm cao hơn Cầu Giấy và Thanh Xuân; Đất nền được rao bán cắt lỗ nhưng giá vẫn neo cao... là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Hà Nội: Tốc độ tăng giá đất nền tại quận Nam Từ Liêm cao hơn Cầu Giấy và Thanh Xuân

Nguyên nhân khiến giá đất tại Nam Từ Liêm tăng mạnh và ổn định trong 5 năm qua chủ yếu do tốc độ thay đổi nhanh chóng của hạ tầng, với nhiều khu vực được đầu tư bài bản.

Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, trong 5 năm qua (2018 - 2022), giá bán ở tất cả các loại hình bất động sản tại Nam Từ Liêm đều diễn biến theo xu hướng tăng, trung bình khoảng 11%/năm. Cụ thể, chung cư từ mốc 27 triệu đồng/m2 lên 39 triệu đồng/m2, tăng trung bình 8,8%/năm; nhà riêng từ mốc 73 triệu đồng/m2 lên 108 triệu đồng/m2, tăng trung bình 9,6%/năm; nhà mặt phố từ 181 triệu đồng/m2 lên 247 triệu đồng/m2, tăng trình bình 7,2%/năm; biệt thự từ 118 triệu đồng/m2 lên 196 triệu đồng/m2, tăng trung bình 13,2%/năm; đất nền, thổ cư từ 44 triệu đồng/m2 lên 79 triệu đồng/m2, tăng trung bình 15,9%/năm.

Có thể thấy, đất nền, đất thổ cư là loại hình có biến động giá tăng mạnh nhất tại Nam Từ Liêm, với biên độ trung bình là 15,9%/năm. Batdongsan.com.vn cho biết, đây là mức tăng khá cao so với các quận lân cận như Thanh Xuân (10,6%/năm), Cầu Giấy (8,5%/năm)… do hai quận này đã trải qua giai đoạn nóng, mặt bằng giá đất đã ở mức cao. Cụ thể giá đất quận Thanh Xuân năm 2022 trung bình khoảng 127 triệu đồng/m2, Cầu Giấy trung bình khoảng 170 triệu đồng/m2.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đất nền được rao bán cắt lỗ nhưng giá vẫn neo cao

Dù không có nhiều giao dịch, thanh khoản bị đứt gãy và nhiều lô được rao bán cắt lỗ nhưng giá đất nền vẫn không giảm, thậm chí đang neo ở mức cao.

đất nền

Gần đây, làn sóng rao bán đất nền lan rộng ở các tỉnh phía Nam và có thể còn tăng trong những tháng tới. Tuy nhiên, thị trường vẫn không có nhiều giao dịch, thanh khoản bị sụt giảm mạnh.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia bất động sản, các trường hợp cần rao bán, sang nhượng đất nền xuất hiện nhiều ở thị trường thứ cấp. Đa số người bán thời điểm này đều giảm giá hoặc bán giá gốc để thu hồi vốn.

Theo khảo sát, trên thị trường đang có hàng loạt thông tin rao bán đất nền cắt lỗ, giảm sâu ở các huyện ven trung tâm Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ… Tuy nhiên, mức giá đưa ra thường chỉ giảm nhẹ so với đầu năm 2022, nhưng cao hơn gấp 2 lần so với năm 2019.

Đơn cử, một lô đất 96m2 ở Bãi Dài (huyện Thạch Thất) đang được rao bán cắt lỗ với giá 2,4 tỷ đồng (tương đương khoảng 25 triệu đồng/m2). Tuy nhiên, giá đất hiện tại ở khu vực này đang dao động từ 17 đến 25 triệu đồng/m2, vẫn cao gấp 1,5 - 2 lần so với thời điểm giá năm 2019, tùy từng vị trí.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Vì sao giá bất động sản Việt Nam khó giảm?

Với việc nhu cầu về bất động sản, nhất là bất động sản đô thị ngày càng cao, kịch bản giảm giá hay thị trường rơi vào suy thoái sẽ rất khó xảy ra, đặc biệt là sau khi Chính phủ đã có một loạt quyết sách thúc đẩy thị trường...

Với việc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và dân số được trẻ hóa, nhu cầu nhà ở tại Việt Nam liên tục tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn. Bộ Xây dựng cho biết, tỷ lệ dân số đô thị hiện nay vào khoảng 40% và sẽ tăng lên 45% vào năm 2030, do đó mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu mét vuông nhà ở đô thị. Đặc biệt, hai thành phố có sức hút dân số cao, đòi hỏi gia tăng nhanh diện tích nhà là Hà Nội và TP.HCM sẽ chiếm khoảng 2/3 lượng cầu nhà ở hàng năm.

Bên cạnh đó, thói quen chuộng tích lũy bất động sản cũng là tâm lý chủ đạo của người dân châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng. 

Một khảo sát của batdongsan.com.vn với 1.000 khách hàng được thực hiện ở cả 3 miền mới đây cho kết quả: Gần một nửa những người chưa có nhà muốn mua nhà trong vòng 1 năm tới. Con số này càng tăng lên với nhóm người giàu. 79% người đang có 2 bất động sản cho biết họ sẽ mua thêm bất động sản trong tương lai gần, tỷ lệ tương ứng ở những người đã làm chủ 3 bất động sản lên đến 87%.

Theo Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh, ước tính cả nước hiện có gần 470 dự án, tương ứng với 300.000 căn hộ đang trong quá trình xây dựng hoặc chưa được cấp phép. Tuy nhiên cả năm 2022, chỉ có 19 dự án được cấp phép và mở bán, cung cấp khoảng 18.000 căn hộ.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Gỡ xung đột các luật để doanh nghiệp phát triển

Một "rừng luật" với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, xung đột khiến doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, nền kinh tế bị ảnh hưởng. Vì vậy tháo nút thắt luật góp phần khơi thông nguồn lực phát triển, thúc đẩy các hoạt động đầu tư kinh doanh.

gỡ xung đột các luật

Reatimes đã ghi nhận phản ánh của nhiều doanh nghiệp cho thấy, thời gian qua, có nhiều dự án bất động sản phải "nằm im" trong nhiều năm. Có những dự án của chủ đầu tư chịu thiệt về hại về các mặt chi phí, thương hiệu, thời gian… thậm chí gặp rủi ro thua lỗ, phá sản vì bị chôn vốn không thể triển khai dự án.

Mặt khác, cũng đã có hiện tượng "đùn đẩy trách nhiệm" với một số cán bộ, cơ quan thực thi ở địa phương. Nguyên nhân chính là sự xung đột, chồng chéo giữa các luật, quy định giữa luật không giống nhau hoặc không rõ ràng, dẫn tới người thực thi tại các địa phương ngần ngại, mà có Đại biểu Quốc hội từng nêu tâm sự của một cán bộ rằng "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".

Nhận diện thực trạng và giải pháp hài hoà cho câu chuyện chồng chéo luật, Reatimes tiếp tục ghi nhận ý kiến của đại biểu quốc hội.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đề xuất quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư: Chuyên gia nói gì?

Góp ý vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng: Không nên quy định quyền sở hữu có thời hạn đối với nhà chung cư...

Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 tới đây. Dự thảo Luật trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngày 17/3/2023 quy định về một vấn đề rất mới là thời hạn sở hữu đối với nhà chung cư (căn hộ chung cư). 

Quy định này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, có ý kiến ủng hộ nhưng cũng có những ý kiến phản đối. Dưới góc nhìn luật pháp cũng như từ thực tiễn, chúng tôi xin chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này như sau:

Về cơ bản, việc bổ sung quy định Mục 4 (Điều 25 và Điều 26) về sở hữu nhà chung cư là cần thiết, để xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của người sở hữu căn hộ chung cư khi chung cư hết niên hạn sử dụng, có nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. 

Nội dung cơ bản của Điều 25 và 26 là quy định rõ về căn cứ xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư; thời hạn sử dụng nhà chung cư; các trường hợp phải phá dỡ nhà chung cư; quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các chủ sở hữu nhà chung cư sau khi chấm dứt quyền sở hữu, như: Các chủ sở hữu vẫn còn quyền sử dụng đất và có thể tiếp tục đầu tư, xây dựng nhà chung cư mới; có nghĩa vụ phải di dời, phá dỡ nhà chung cư khi hết niên hạn sử dụng; trường hợp do quy hoạch không được tiếp tục xây dựng nhà chung cư mới thì được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định...

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top