Theo Asianinsider, Việt Nam là một trong những nước hàng đầu trên toàn cầu về thu hút FDI với lượng vốn đầu tư nước ngoài này đổ vào Việt Nam đạt 36,6 tỷ USD trong năm ngoái, tăng 32% so với năm 2022.
Trang asianinsiders.com (Hong Kong) vừa đăng bài phân tích các động lực thúc đẩy triển vọng kinh tế của Việt Nam và cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang chuyển biến mạnh mẽ với mức tăng trưởng vững chắc.
Theo bài viết, nền kinh tế Việt Nam được hoạch định tập trung thông qua một loạt các kế hoạch 5 năm, vạch ra các chiến lược phát triển kinh tế, mục tiêu tăng trưởng và thực hiện cải cách.
Nhận thấy nền kinh tế cần đổi mới kỹ thuật, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư mạnh vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Minh chứng là nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh và chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) cũng tăng lên, năm 2023 đứng thứ 46 trong số 132 quốc gia trên thế giới (theo báo cáo GII của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới - WIPO).
Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước có thu nhập trung bình thấp.
Nâng cao năng lực đổi mới và kỹ thuật là chìa khóa để thu hút đầu tư, đặc biệt khi hầu hết các tập đoàn sản xuất lớn đang tìm cách đa dạng hóa sản xuất cũng như tận dụng chi phí lao động vẫn còn thấp ở Việt Nam.
Các tập đoàn như Samsung, LG, Foxconn, Panasonic, Bosch, GE, Piaggio và Yamaha đã thành lập các cơ sở R&D tại Việt Nam hoặc nhà máy sản xuất hoàn chỉnh. Điều này phản ánh tiềm năng của Việt Nam với tư cách là trung tâm sản xuất và đổi mới.
Việt Nam cũng được hưởng lợi từ vị trí địa lý. Nền kinh tế Việt Nam cũng được thúc đẩy nhờ hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Nền kinh tế tăng trưởng còn nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh.
Việt Nam đã thành công trong việc thu hút đầu tư và trở thành một trong những nước hàng đầu trên toàn cầu về thu hút FDI. Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam thu hút 36,6 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022.
Hơn nữa, con số này bao gồm vốn đăng ký mới trị giá khoảng 20 tỷ USD, tăng 62% so với năm 2022. Năm 2023, Việt Nam ghi nhận 3.188 dự án FDI đăng ký mới.
Các dự án đầu tư đến từ 111 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là các nền kinh tế châu Á, dẫn đầu là Singapore, tiếp theo là Nhật Bản và Hong Kong (Trung Quốc).
Dòng vốn FDI mạnh trong thời gian mới đây cho thấy niềm tin mạnh mẽ vào triển vọng tương lai của nền kinh tế Việt Nam.
Đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng hơn nữa sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ trong năm 2023 nhằm mở đường để Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Dù Mỹ đi sau hầu hết các nước về việc công nhận quy chế thị trường của Việt Nam, nhưng việc này sẽ giúp cải thiện cơ cấu thương mại và thuế quan, từ đó thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.
Việt Nam cũng đang nỗ lực đi đầu trong nền kinh tế xanh và bền vững và tìm cách nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số. Theo Liên hợp quốc, Việt Nam đứng thứ 86 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ về Chính phủ Số với chỉ số phát triển chính phủ điện tử, cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Với tốc độ tăng trưởng GDP cao, nguồn vốn FDI tăng mạnh và hạ tầng được cải thiện, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế đang tăng trưởng trên toàn cầu. Với sự phục hồi của thị trường lao động và tầng lớp trung lưu đang gia tăng, tiêu dùng trong nước ghi nhận mức tăng mạnh.
Tác động kép của tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và thị trường nội địa phát triển mạnh đã giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững và năng động./.