Aa

Trở lại đường đua, trái phiếu bất động sản đứng trước nhiều kỳ vọng

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 24/05/2025 - 06:15

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 4/2025 đã chứng kiến sự trở lại của các doanh nghiệp bất động sản. Đây là một tín hiệu tích cực, mở ra triển vọng nguồn vốn của ngành này trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang dần cải thiện.

Nguồn vốn trở lại

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong tháng 4/2025 (tính đến ngày 26/4/2025), đã có 17 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận với tổng giá trị khoảng 30.217 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến cùng ngày, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 55.321 tỷ đồng, trong đó 13 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.104 tỷ đồng (chiếm 49%) và 17 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 28.217 tỷ đồng (chiếm 51%).

Động lực tăng trưởng chính của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 4/2025 vẫn đến từ nhóm ngân hàng, với nhiều thương vụ phát hành lớn như Techcombank (tổng 4 đợt với 8.700 tỷ đồng), VietinBank (3.000 tỷ đồng), hay MSB (3 đợt với 4.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, điểm nhấn đáng chú ý nhất chính là sự quay lại của các doanh nghiệp bất động sản. Nếu như trong 3 tháng đầu năm, 100% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đều thuộc lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, thì sang tháng 4/2025, thị trường đã ghi nhận 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng. Đáng kể trong số này là 2 đợt phát hành riêng lẻ của Vingroup với tổng giá trị 7.000 tỷ đồng và một đợt phát hành của Công ty cổ phần Tư vấn và kinh doanh bất động sản TCO với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trái phiếu riêng lẻ do Vingroup phát hành đang có lãi suất hấp dẫn nhất thị trường, lên tới 12%/năm.

Trong khi đó, báo cáo mới nhất của VIS Rating cho biết, trong tháng 4 vừa qua, tổng giá trị phát hành mới trong tháng đạt 39.000 tỷ đồng, tăng mạnh 126% so với tháng trước. Động lực chính đến từ các đợt phát hành riêng lẻ, nổi bật là nhóm ngân hàng với 21.800 tỷ đồng và các doanh nghiệp bất động sản với 12.000 tỷ đồng.

Đơn vị này nhận định, hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp phi tài chính trong năm 2025 dự kiến sẽ duy trì ổn định. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản dân cư, đặc biệt là phân khúc nhà ở và nghỉ dưỡng, đang đứng trước triển vọng phát hành tích cực. Việc hoàn tất thủ tục pháp lý tại nhiều dự án và nhu cầu mua nhà ở tiếp tục gia tăng đã thúc đẩy các doanh nghiệp quay lại thị trường vốn.

Trở lại đường đua, trái phiếu bất động sản đứng trước nhiều kỳ vọng- Ảnh 1.

Lượng phát hành trái phiếu theo nhóm ngành trong tháng 4/2025.

VIS Rating dự báo tốc độ tăng trưởng phát hành trái phiếu năm 2025 có thể đạt mức tương đương 13% của năm 2024. Các chuyên gia VIS Rating nhấn mạnh: "Hoạt động phát hành trái phiếu sẽ giữ đà ổn định, tiếp tục được dẫn dắt bởi bất động sản nhà ở – lĩnh vực chiếm tới 60% tổng giá trị phát hành trong giai đoạn 2023 - 2024".

Theo đó, các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Vinhomes và Masterise chiếm tới 72% tổng giá trị phát hành trong ngành. Giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm 2025 dự kiến đạt 90 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước. Mức tăng này cũng cho thấy niềm tin vào năng lực trả nợ và triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trở lại đường đua, trái phiếu bất động sản đứng trước nhiều kỳ vọng- Ảnh 2.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong tháng 4/2025 (tính đến ngày 26/4/2025), đã có 17 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận với tổng giá trị khoảng 30.217 tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Sức sống mới của thị trường trái phiếu

Năm 2025, với những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP ổn định và lạm phát được kiểm soát, thị trường trái phiếu nói chung và trái phiếu bất động sản nói riêng đang đứng trước kỳ vọng tăng trưởng đáng kể về cả khối lượng và giá trị phát hành. 

Ông Nguyễn Minh Đức, Chuyên gia Khối Nghiên cứu Phân tích Saigon Ratings Việt Nam phân tích, tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước đạt trung bình gần 6% trong 10 năm qua. Bên cạnh đó, Chính phủ đã và đang thực hiện cải cách thể chế toàn diện nhằm mục tiêu tăng trưởng bền vững và hướng đến hai con số từ năm 2026. Do đó, vai trò của thị trường vốn ngày càng trở nên quan trọng. Bởi doanh nghiệp cần vốn để tồn tại và phát triển, và thị trường trái phiếu, chứng khoán cần ổn định, lành mạnh là kênh huy động vốn trung dài hạn hiệu quả, bổ sung cho tín dụng ngân hàng vốn tập trung vào vốn ngắn hạn.

Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng thông qua "Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030". Chiến lược này nêu rõ mục tiêu cụ thể về phát triển thị trường trái phiếu: Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030.

Mặc dù những mục tiêu này khó đạt được trong ngắn hạn, khi đến cuối quý I/2025, dư nợ trái phiếu chỉ chiếm khoảng 11% GDP, còn xa so với mục tiêu năm 2025 do ảnh hưởng từ các biến động vĩ mô bất ngờ như bất ổn địa chính trị và nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu, nhưng tiềm năng phát triển của thị trường trái phiếu Việt Nam là rất lớn. Với nhu cầu thực tiễn, sự gắn kết giữa thị trường vốn và nền kinh tế, cùng định hướng rõ ràng từ Chính phủ, thị trường trái phiếu sẽ dần tiệm cận chuẩn khu vực và quốc tế.

Riêng với lĩnh vực bất động sản, chuyên gia nhận thấy, các công ty bất động sản đang dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và có sự phục hồi trong phát hành trái phiếu. Cùng với pháp lý hoàn thiện, dòng tiền cải thiện, lãi suất thấp các nhà đầu tư sẽ có xu hướng tìm kiếm kênh có lợi suất cao hơn như trái phiếu doanh nghiệp. Hơn nữa, việc tăng cường tập trung vào xếp hạng tín nhiệm dự kiến sẽ nâng cao chất lượng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, từ đó xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư, giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt và thu hút thêm các nhà đầu tư. Những yếu tố này tạo một lực đẩy quan trọng cho sự phục hồi của kênh trái phiếu.

"Tăng trưởng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2025 sẽ được thúc đẩy bởi các ngân hàng, tổ chức tài chính phi ngân hàng và các lĩnh vực doanh nghiệp lớn như bất động sản nhà ở, điện và cơ sở hạ tầng", ông Đức cho biết thêm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top