Rất nhiều lần, tôi được bạn bè đặt câu hỏi: “Cuộc đời có số không? Có tin vào số phận không?”. Nếu trả lời ngay lập tức “có số, chỉ tin vào số phận” thì không được. Vì không có căn cứ, tôi cũng chưa từng thử làm một trắc nghiệm nào, dù nhỏ nhất. Nhưng bảo “không tin số siếc gì” thì lại càng không phải, vì hình như trong sâu xa cảm thức, tôi luôn mường tượng có một bàn tay huyền bí chi phối. Nó là gì? Gọi tên chúng ra thì không thể, nhưng hình như đâu đó, rất xa xôi, tôi lờ mờ thấy nó tồn tại vô hình, vô biên, vô tận…
Đôi khi nghĩ vẩn vơ, tôi tặc lưỡi, “số phận quỷ quái gì, tính cách thế nào thì gánh chịu hậu quả như thế, nhân - quả mà”. Ví như, uống rượu nhiều, thế nào lái xe cũng có ngày gây tai nạn, không thì chí ít cũng bục dạ dày, thậm chí là kết cục của tham; “Đi đêm” lắm ắt có ngày gặp “ma”, “nói dài, nói dai thế nào cũng có lúc nói dại”, có khi nói như người phát rồ, thiên hạ cười đỏ mũi…
Nghĩ vậy nên tự an ủi: “Phiền não làm gì, cáu giận làm gì, so đo tính toán chỉ tổ khổ thân, cứ an bài, mặc kệ, mặc kệ...”. Nhưng vào một lúc khác, lại phân tâm tự đối chất: “Có người tỉnh như sáo đang đi bộ trên vỉa hè, yên tĩnh thoáng đãng, bỗng dưng một chiếc xe chồm lên đâm phải thì sao?”. Hay, như bạn tôi, suốt đời hiền hòa, đạo đức, thương người, chỉ một mực giữ tấm lòng chính trực, thanh sạch, không vấy bẩn trần thế mà cuộc đời lại chẳng ra gì, thăng trầm dâu bể không đâu. Cuối đời, về hưu rồi vẫn chưa có căn hộ ở riêng gọi là khả dĩ… Vậy câu “Ở hiền gặp lành” hiệu nghiệm ở đâu?...
Tôi nghĩ thế, không phải là nhụt chí, là thủ tiêu khát vọng sống, là đầu hàng, thụt lùi, mà ngược lại, để củng cố niềm tin, củng cố một ý chí, một quyết tâm sống có ý thức trước mọi thách thức. Vì sao vậy? Vì theo cách nghĩ thứ nhất, mọi việc diễn ra đúng quy luật, sự đột biến xảy ra vô cùng hiếm hoi.
Ví dụ, suốt ngày uống rượu say xỉn mà đi xe máy chưa từng bị ngã là một dị biệt. Nhưng nếu thấu hiểu quy luật, biết được lẽ sinh tồn, tự điều chỉnh, lựa cơm gắp mắm, thế nào cũng sẽ có cơ hội cho kết quả tốt. Cách nghĩ thứ hai thì mọi ý chí chủ quan trở nên bất lực, bất khả kháng, vì sự việc diễn ra hoàn toàn không theo bất cứ một quy luật nào, là trời định.
Nhưng nếu cứ chờ trời mà nằm một chỗ “há miệng chờ sung” thì chỉ có chết đói, chết khát. Vì trường hợp sung chín, hay cơ may gặp gió lớn, sung rơi, vẫn có thể xảy ra, nhưng cũng là hy hữu. Đằng này lại muốn rơi trúng miệng, thì có khi suốt đời chỉ đón trượt. Vì vậy, cơ hội gió lớn, sung rơi phải lập tức bật dậy, nhặt ngay cho vào miệng. Nếu không người khác sẽ nhanh chân hơn, chớp cơ hội nhặt mất...
Đời người, cơ hội nhặt sung không chỉ diễn ra một lần. Nó diễn ra nhiều lần và ai cũng có quyền nhặt. Vấn đề là “năng nhặt thì chặt bị”. Không được bị to thì bị vừa vừa, nếu không thì bị nhỏ cũng tốt, cũng ổn, sức thế nào nhặt thế ấy, chứ sao!
Đa số những người thành đạt đã từng phải trả giá đắt cho việc nhặt sung, thậm chí vật vã "lên voi xuống chó", tranh thủ thời cơ mới có được một lần may mắn, nhưng đó là sự may mắn trân trọng. Còn bỏ lỡ cơ hội thì với sự khốc liệt của thời gian, không bao giờ lặp lại cơ hội tương tự…
Nhiều khi, tôi tự trách vấn, cơ hội của mình là thời điểm nào. Lúc nhỏ, ăn chơi rồi đi học, mọi thứ vô tư nương nhờ vào bố mẹ như một sự tất nhiên. Khi trưởng thành (quãng trên dưới 30-40), đó là thời kỳ sung mãn nhất, cái gì cũng khỏe, cơ hội nhiều, thì lại lao vào trăm thứ bà dằn: Gia đình, vợ con, chỗ ở, cơm ăn áo mặc từng ngày… cuối cùng chẳng làm nên trò trống gì đáng giá. Giờ muốn làm lại từ đầu, thì đã muộn rồi. Ở vào tuổi này, người ta chỉ làm một việc là hoàn tất nốt những gì đã có từ trước. Ấy là tôi còn là người có việc làm, không phải khốn khổ lo tìm việc, mức thu nhập cũng tàm tạm…
Thế hệ tôi đành vậy, không an bài cũng như đã an bài. Nhưng còn các thế hệ sau chúng tôi, nhất là hàng vạn học sinh mới ra trường hiện nay. Họ đang ở thời kỳ đẹp nhất, sung mãn nhất để dựng nghiệp. Trong số đó chỉ rất ít người, do những hoàn cảnh thuận lợi, có cơ may ổn định việc làm, gia đình, nhà cửa để yên tâm tiến bước. Số còn lại rất đông, vẫn loay hoay tìm chỗ ở, tìm việc làm, chạy ăn, chạy mặc từng bữa, từng ngày tiêu phí hết bao thời gian, sức lực mà ngày tháng cứ trôi, không đợi. Cơ hội đời người chả mấy chốc vụt qua 40 - 50 tuổi. Đến khi đó thì mệt mỏi buông tay. Uổng phí!
Thật ra, nhiều người trẻ, khi có cơ hội, họ không lùi bước mà nhanh chóng chớp lấy, phát huy tối đa tiềm năng, bằng một ý chí, nghị lực phi thường. Họ sẽ thể hiện hết phẩm chất của mình và thành công. Tuy nhiên, họ phải trả giá rất đắt, “Không có bữa tiệc nào không phải trả tiền”, thậm chí có lúc kiệt sức. Nếu thấu hiểu điều này, người lớn có ý thức khuyến khích, xã hội giúp họ có cơ hội nhiều hơn để họ không phải tốn công, tốn sức vào những chuyện vụn vặt, những thủ tục rườm rà. Như thế, họ có điều kiện tập trung trí tuệ, ý chí, nhiệt huyết, sức sáng tạo thực hiện khát vọng cống hiến tốt hơn. Có phải đó là cái lợi không thể tính đếm, cái lợi của nguyên khí quốc gia?