Những tiềm năng vàng chờ khai phá
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, Việt Nam có những thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm, như có nhiều tài nguyên du lịch và đang ngày càng trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có nhiều tiềm năng văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; có lượng dân số trẻ đông và sống tập trung tại các thành phố có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao. Thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu.
“Phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam là tất yếu vì phù hợp với xu hướng quốc tế và để níu chân khách du lịch.
Trên mọi miền đất nước đều có nhiều nơi có thể quy hoạch dành riêng cho việc tổ chức các chương trình hoặc dự án kinh tế đêm thu hút khách du lịch, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, quảng bá và bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân tộc, trong khi vẫn đảm bảo trật tự trị an và giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp”, vị chuyên gia nói.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, hiện nay, nhiều địa phương đã quan tâm làm phố đi bộ ban đêm, nhưng do thiếu quy hoạch và đầu tư thích đáng… nên không mang lại hiệu quả như mong muốn. Sản phẩm du lịch của Việt Nam hiện nay chủ yếu là sản phẩm cứng, khá đơn điệu và chỉ tập trung từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều, còn các sản phẩm có thể thu được nhiều tiền nhất, là từ 18 giờ tối đến 2 giờ sáng ngày hôm sau thì đến nay vẫn không được phát triển.
Trước tình hình đó, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo yêu cầu các bộ, địa phương chủ động nghiên cứu chính sách và kinh nghiệm phát triển kinh tế ban đêm để có thể vận dụng phù hợp vào thực tiễn Việt Nam. Đặc biệt, bối cảnh trong nước và thế giới thời hậu Covid-19 càng làm tăng áp lực tìm kiếm, khai thác các động lực phát triển du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Phát triển các khu kinh tế ban đêm là một trong những giải pháp khả thi và mở ra triển vọng mới cho cả 2 lĩnh vực này.
Bình luận thêm về vai trò của kinh tế ban đêm, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh chia sẻ: “Khi trở thành “cường quốc du lịch”, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được hưởng lợi từ sự phát triển của kinh tế ban đêm; đồng thời, cũng chính các hạ tầng du lịch là nhân tố quan trọng, không chỉ giúp thu hút đông đảo khách nghỉ dưỡng, mà còn tạo ra nguồn doanh thu khổng lồ”.
Thực tế, mô hình kinh tế ban đêm đang được triển khai thí điểm tại Vân Đồn (Quảng Ninh), huyện đảo Phú Quốc và một số thành phố lớn, như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… Đã có doanh nghiệp địa ốc sẵn sàng đầu tư tổ hợp nghỉ dưỡng để phục vụ phát triển kinh tế ban đêm như CEO Group với dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Được biết, đây là tổ hợp dự án được đưa ra nhằm thí điểm mô hình kinh tế ban đêm, đưa Vân Đồn thực sự trở thành điểm hấp dẫn khách du lịch suốt 24/7 ngày và 365 ngày/năm. Với việc Vân Đồn được quy hoạch trở thành Khu kinh tế đặc biệt thì việc triển khai thí điểm mô hình kinh tế ban đêm là định hướng đúng, nhất là khi kinh tế ban đêm sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho khu vực.
“Nếu làm tốt, chắc chắn các khu kinh tế ban đêm sẽ vừa là động lực kinh tế, vừa là động lực văn hóa tại các thành phố, địa phương và khu vực, giúp tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tăng công suất hữu dụng và giúp cả giảm áp lực cho các cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ, giao thông vận tải”, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, kết hợp phát triển kinh tế ban đêm ở những tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng đa chức năng là hướng đi tất yếu, thúc đẩy cả hai lĩnh vực cùng tăng trưởng.
“Kinh tế ban đêm là bộ phận tất yếu của nền kinh tế do thực hiện nguyên tắc sử dụng tốt nhất các nguồn lực để tạo ra sản phẩm hàng hóa cho xã hội, từ thời gian, không gian đến cơ sở hạ tầng và sức lao động. Đối với du lịch nói chung và du lịch nghỉ dưỡng nói chung, kinh tế ban đêm càng có ý nghĩa quan trọng đặc biệt vì đó là công cụ hữu hiệu để du khách đến nhiều hơn, ở lại lâu hơn và tiêu tiền nhiều hơn. Đến lượt mình, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được hưởng lợi từ sự phát triển của kinh tế ban đêm thông qua cơ hội phát triển cả thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp cũng như tăng hiệu quả khai thác sử dụng bất động sản nghỉ dưỡng”, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho biết thêm.
Bệ đỡ nào cho kinh tế ban đêm?
Theo TS. Vũ Đình Ánh, muốn tạo động lực cho kinh tế ban đêm phát triển, trước hết, các cấp, các ngành cần thay đổi tư duy, hoàn thiện cơ chế, xây dựng chính sách, khung khổ pháp lý phù hợp, quy hoạch khu vực phát triển kinh tế ban đêm, tăng cường năng lực quản lý, khai thác nguồn lực tài nguyên, tri thức, tài chính, ứng dụng công nghệ, hợp tác khu vực công và tư nhân…
“Việc thúc đẩy kinh tế ban đêm có trọng điểm, có lựa chọn sẽ tạo điều kiện để du lịch nói chung, du lịch nghỉ dưỡng nói riêng trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại thu nhập lớn cho nền kinh tế. Ngành Du lịch Việt Nam cần phân tích chính xác nhu cầu của khách du lịch và triển khai xây dựng khu kinh tế ban đêm tại những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang)..., cũng như các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng lớn”.
Còn theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, để kinh tế ban đêm có thể trở thành khu vực kinh tế hiện đại, có tính chuyên nghiệp, cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa một số tập đoàn bất động sản lớn và chính quyền địa phương để có những sự đầu tư bài bản thay vì phát triển manh mún, nhỏ lẻ, riêng rẽ.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng, khi phát triển các hoạt động về đêm, các tổ hợp nghỉ dưỡng cần tạo ra được những nét độc đáo, riêng biệt bằng cách gắn với những đặc sắc văn hóa địa phương, vùng miền để du khách có sự trải nghiệm khác lạ. Đồng thời, cần đa dạng hóa các sản phẩm, hoạt động để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của du khách.
“Đây mới là yếu tố cốt lõi để du khách sẵn sàng rút hầu bao và ở lại lâu hơn. Từ đó gia tăng nguồn thu du lịch, đồng thời cũng tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương nhờ việc quảng bá, giới thiệu những sản phẩm, những nét văn hóa, phong tục đặc sắc của địa phương đến với du khách”, ông Thịnh nói.
Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc thay đổi tư duy, mạnh dạn có những chính sách đột phá để phát triển kinh tế ban đêm sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác. Đặc biệt, trong điều kiện ứng dụng công nghệ cao, triển khai mạnh mẽ nền kinh tế số thì đây cũng có thể là một hướng giải quyết bài toán cân đối lao động, thúc đẩy việc sản xuất các sản phẩm truyền thống, phát triển kinh tế địa phương bền vững. Đây là điều mà các cơ quan quản lý từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương nên dành sự quan tâm và đầu tư nguồn lực thỏa đáng và kịp thời.
TS. Nguyễn Minh Phong cũng chia sẻ, với những đột phá về nhận thức và cách nghĩ, cách làm mới, kỳ vọng kinh tế ban đêm sẽ là “cửa sáng” cho phát triển các ngành dịch vụ thương mại - du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng đáp ứng nhu cầu của cả du khách trong nước và quốc tế, cùng các tác động lan tỏa tích cực của chúng cho các hoạt động kinh tế vĩ mô và vi mô liên quan của Việt Nam thời hậu Covid-19.