Aa

TS. Võ Trí Thành: Nhà đầu tư chiến lược, dài hạn nên quan tâm đến thị trường BĐS Đà Nẵng

Thứ Ba, 06/04/2021 - 06:10

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, TP. Đà Nẵng đang mang trong mình khát vọng mới, với tầm nhìn và quy hoạch vượt trội, thị trường BĐS sẽ trở nên hấp dẫn hơn.

PV: Thưa chuyên gia, những ngày gần đây, Đà Nẵng đang trở thành cái tên gây chú ý khi công bố việc điều chỉnh quy hoạch chung toàn thành phố. Ông đánh giá ra sao về bước đi này của Đà Nẵng?

TS. Võ Trí Thành: Đà Nẵng có nhiều lợi thế để hiện thực hóa khát vọng đến năm 2030 trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á.

Trước đó, Quốc hội đã thông qua và ban hành Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Đây là Nghị quyết rất quan trọng, là căn cứ pháp lý tạo bước đột phá, nền tảng vững chắc để xây dựng tổ chức chính quyền, phù hợp với đặc điểm và điều kiện phát triển đô thị Đà Nẵng. Đồng thời, mở ra nhiều cơ chế, chính sách, đảm bảo tính chủ động, tạo động lực phát triển TP. Đà Nẵng trong thời gian tới.

TS Võ Trí Thành
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Trong khi đó, Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng vừa công bố sẽ khắc phục những hạn chế, tận dụng và sử dụng tốt hơn không gian đô thị cũng như đưa ra các giải pháp về môi trường, dân số, thích ứng biến đổi khí hậu…

Tôi cho rằng, đây là cơ sở quan trọng để định hình về quy hoạch sử dụng đất, mô hình, cấu trúc phát triển không gian, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật, thiết kế đô thị, kinh tế đô thị và đánh giá môi trường chiến lược, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển về kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn mới.

Vấn đề nữa tôi muốn nhấn mạnh hơn, đó là khát vọng của Đà Nẵng phải là khát vọng đi cùng với khu vực và thế giới. Đây chính là thành phố xanh đáng sống, là thành phố thông minh, sáng tạo và văn minh. Đừng đặt Đà Nẵng chỉ thuần túy trong cái nhìn so sánh với tỉnh, thành khác, mà phải là khu vực, có tầm nhìn cạnh tranh toàn cầu.

Những vấn đề quan trọng trong thời đại ngày nay như đô thị thông minh, đô thị số… thể hiện khát vọng bắt kịp xu hướng và có cơ hội để dẫn đầu xu hướng toàn cầu.

Đặc biệt, Đà Nẵng phải lan tỏa những giá trị tích cực, là một trung tâm quan trọng của miền Trung, cụ thể là Nam Trung Bộ và mang lại những giá trị mới, tinh thần mới và khát vọng tích cực.

PV: Thị trường bất động sản Đà Nẵng có nhiều biến động và gần như ngủ đông trong 2 năm vừa qua, chủ yếu do chủ trương rà soát các dự án và tâm lý lo ngại của nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường. Trong giai đoạn tới, triển vọng thị trường này sẽ ra sao, thưa chuyên gia?

TS. Võ Trí Thành: Nhìn nhận, đánh giá trong trung và dài hạn thì tiềm năng phát triển của Đà Nẵng là rất lớn. Tính hấp dẫn của bất động sản Đà Nẵng vượt trội hơn nhiều thành phố khác của Việt Nam.

Như tôi đã đề cập, khi có lợi thế về quy hoạch, không đơn thuần bất động sản theo nghĩa đất đai thuần túy sẽ khởi sắc, mà các dự án có hạ tầng đầy đủ, nhà ở, các khu du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản khu công nghiệp, logistics, sân bay, bến cảng, khu công nghiệp, công nghệ cao... đều có triển vọng tăng trưởng tốt.

Có những kỳ vọng vào sức phát triển của thị trường khi hệ thống hạ tầng cảng biển, hàng không của Đà Nẵng gắn với dịch vụ logistics hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại khu vực miền Trung. Trong đó, lấy Đà Nẵng là trung tâm logistics với hệ thống cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu) và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế.

Bên cạnh đó, theo dự báo, dân số Đà Nẵng đến năm 2030 khoảng 1,8 triệu người. Cấu trúc đô thị với sự gia tăng mạnh mẽ tầng lớp trung lưu, các chuyên gia, lao động chất lượng cao và khách du lịch quốc tế là cơ sở mạnh mẽ tạo nên các đại công trình, dự án tầm cỡ, thúc đẩy và lan tỏa giá trị cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường bất động sản Đà Nẵng.

Bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng

Cảng biển ở Đà Nẵng
Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng

Tính hấp dẫn của bất động sản Đà Nẵng vượt trội hơn nhiều thành phố khác của Việt Nam.

PV: Ông có dự báo gì về triển vọng tăng giá và lợi nhuận đầu tư vào thị trường này?

TS. Võ Trí Thành: Hiện nay, UBND TP. Đà Nẵng đã công bố quyết định điều chỉnh bảng giá đất chu kỳ 2020 - 2024. Việc điều chỉnh trên sẽ tạo điều kiện giảm giá trị nộp tiền thuê đất cho nhà đầu tư.

Động thái này nhằm hướng đến việc thực hiện mục tiêu huy động tối đa nguồn lực xây dựng chính quyền đô thị vững mạnh, kiến tạo; thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội; xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, an bình; trên tinh thần hỗ trợ giúp doanh nghiệp có điều kiện sớm vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh.

Theo quan sát của tôi, thời gian qua UBND TP. Đà Nẵng đã tập trung khai thác và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản để đưa nguồn lực đất đai trở thành động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế; đảm bảo điều kiện an sinh xã hội và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Dư địa cho thị trường bất động sản Đà Nẵng rất lớn khi bám vào định hướng phát triển dựa trên ba trụ cột chính là: Du lịch, công nghiệp - công nghệ cao và kinh tế biển; với 5 lĩnh vực mũi nhọn gồm: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn liền với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.

Bên cạnh những lợi thế về chiến lược và chính sách để thu hút được nguồn lực có chất lượng thì khả năng chống chịu của Đà Nẵng tốt hơn trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tôi cho rằng, các nhà đầu tư nên bám vào hai vành đai kinh tế của Đà Nẵng để có phương án đầu tư cho phù hợp. Thứ nhất là Vành đai phía Bắc - Vành đai Công nghiệp công nghệ cao và Cảng biển - Logistics. Thứ hai là Vành đai phía Nam - Vành đai Đổi mới sáng tạo và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Giai đoạn 2020 - 2030, Đà Nẵng cần gần 300.000 tỷ đồng để hiện thực hóa quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030. Đó là nguồn lực rất lớn và khá tham vọng, xong cũng là cơ hội để các nhà đầu tư tham gia vào cơ chế mời gọi, hợp tác của thành phố.

PV: Những cơn sốt ảo hay đóng băng liệu có lặp lại tại thị trường này?

TS. Võ Trí Thành: Với một đất nước mà quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhu cầu xã hội cao nhưng thị trường chưa thực sự minh bạch, pháp lý còn đang hoàn thiện thì mọi thứ đều có thể.

Tuy nhiên, với Đà Nẵng thì có những cơ sở để tin vào sự phát triển an toàn, minh bạch và tươi sáng hơn. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, chính quyền thành phố đã có nhiều biện pháp để tăng cường năng lực quản lý đất đai và thị trường bất động sản trên địa bàn.

Thị trường bất động sản Đà Nẵng
Đà Nẵng sẽ là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên…

PV: Tính cạnh tranh của thị trường bất động sản Đà Nẵng so với các thị trường khác của Việt Nam?

TS. Võ Trí Thành: Bên cạnh những thành quả mọi người đã nhìn thấy, còn những mục tiêu, khát vọng hướng đến trong tương lai, thể hiện qua “tinh thần Đà Nẵng” hôm nay.

Đà Nẵng định vị trong khu vực và toàn cầu. Tức là không nên so sánh với các thành phố khác, tỉnh thành khác của Việt Nam. Đó là mục tiêu khát vọng về một thành phố có vị thế toàn khu vực, toàn cầu của Việt Nam.

Khát vọng của Đà Nẵng là định vị chiến lược đến năm 2030 trở thành một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu; một cổng vào của hành lang kinh tế Đông - Tây; mạng lưới thành phố thông minh ASEAN; điểm đến phong cách sống toàn cầu; trung tâm vận chuyển miền Trung Việt Nam…

Bên cạnh đó, Đà Nẵng có quy hoạch mới. Quy hoạch dù còn có điểm này, điểm kia nhưng đã cho thấy tầm vóc đường hướng phát triển. Và như vậy, gắn với câu chuyện của thị trường bất động sản, còn là việc xây dựng một thành phố đáng sống, thành phố của sự hài lòng, thành phố thu hút được những người giỏi giang, giàu có tới làm việc.

Đà Nẵng sẽ là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên… Đây là những lợi thế cạnh tranh hiếm nơi nào có được.

Tuy nhiên, khi đặt ra những khát vọng đó thì điều đáng quan tâm hơn không chỉ là khả năng cạnh tranh mà là tính lan tỏa của Đà Nẵng đến các thị trường và khu vực khác. Đó là khả năng khơi dậy những lợi thế tiềm tàng và sự hành động quyết liệt, máu lửa hơn để đón vận hội mới.

PV: Trân trọng cảm ơn chuyên gia về cuộc trao đổi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top