Aa

Bài 1: Từ “chiếc nón kỳ diệu” đến công trình kỳ lạ “thi gan“ cùng pháp luật

Thứ Tư, 21/07/2021 - 16:00

Sông Hương xứ Huế được xem là dòng sông di sản. Mỗi tác động đến tuyệt tác thiên nhiên này đều phải được cân nhắc rất kỹ. Nhưng, hiện hai bờ sông Hương vẫn còn đó những công trình vi phạm, “thi gan” cùng pháp luật.

Bãi đất bồi nằm bên cạnh Đập Đá ven sông Hương thuộc P. Vỹ Dạ, TP. Huế có diện tích khoảng 1.982m2, từng hoang dại, cỏ dại mọc um tùm. Theo số liệu ngành Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Thừa Thiên - Huế, cồn đất này được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho Công ty TNHH Phú Đạt Gia (Huế) thuê theo quyết định số 2970/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 để thực hiện dự án xây dựng Trung tâm tổ chức sự kiện “Huế Xưa - Huế Nay”.

Khối bê tông giữa dòng sông di sản

Năm 2012, Cà phê Nón Huế - anamur escort bayan “Huế xưa và nay” được hình thành ngay trên bãi đất bồi bên Đập Đá ven sông Hương và trở thành một điểm đến thú vị khi là điểm nhấn về cảnh quan, có “view” ngắm sông Hương và cảnh vật đôi bờ rất hấp dẫn. Khu đất vốn hoang dại nay có công trình kiến trúc tương đối mềm mại với những mái nhà mang hình chiếc nón Huế đầy ước lệ, trông khá nên thơ và diệu kỳ.

Cồn đất nổi bên cạnh Đập Đá này từng xuất hiện công trình kiến trúc lấy ý tưởng từ chiếc nón bài thơ xứ Huế từng được ví von là “chiếc nón kỳ diệu” (Ảnh: Hà Thành)

Năm 2015, bằng quyết định số 1829/QĐ-UBND ngày 14/9/2015, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế “nối phép” cho Công ty TNHH Phú Đạt Gia kéo dài thời gian hoạt động thêm 30 năm; đến ngày 16/6/2045 cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CC 344377 ngày 1/4/2016.

Số phận cồn đất này xấu đi kể từ khoảng 13 giờ 30 ngày 15/11/2016 khi bỗng xảy ra vụ cháy cà phê Nón Huế. Hỏa hoạn hầu như thiêu rụi những “chiếc nón kỳ diệu” và còn trơ lại những khung sắt. Vào thời điểm này quán cà phê đang giai đoạn tạm ngừng đón khách nên không gây thiệt hại nghiêm trọng.

Công trình “dịch vụ ẩm thực cao cấp” vi phạm lồ lộ với khối bê tông trên cồn nổi bên thắng cảnh Đập Đá làm phá vỡ cảnh quan, quy hoạch đôi bờ sông Hương (Ảnh: Đình Toàn)

Không lâu sau vụ hỏa hoạn này, việc “tái thiết” công trình được thực hiện và dần dà người ta thấy một số khối bê tông nổi lên trên cồn đất này. Ngày 25/10/2017, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có thông báo số 297/TB-UBND, thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng công trình Trung tâm tổ chức sự kiện “Huế xưa - Huế nay” do Công ty TNHH Du lịch và Sự kiện Ngôi Sao Nhỏ làm chủ đầu tư, nhằm xây dựng công trình dịch vụ ẩm thực cao cấp trên cồn đất bãi bồi Đập Đá. Nhưng vì sao Công ty TNHH Phú Đạt Gia được cho thuê đất nhưng Công ty TNHH Du lịch và Sự kiện Ngôi Sao Nhỏ lại làm nhà đầu tư?

Tìm hiểu thì PV Reatimes được biết, ngay sau khi được UBND tỉnh cấp phép kéo dài thời gian hoạt động, Công ty TNHH Phú Đạt Gia đã mời gọi Cty TNHH Thanh Trang góp vốn thành lập Công ty TNHH Du lịch và sự kiện Ngôi Sao Nhỏ; đồng thời xin phép UBND tỉnh chuyển đổi pháp nhân thuê đất và nhận được sự đồng ý từ UBND tỉnh; về hình thức trả tiền thuê đất được thực hiện hằng năm.

Lúc này khu đất nổi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Sở TN-MT cấp cho Công ty TNHH Du lịch và sự kiện Ngôi Sao Nhỏ mang số CC 344914 và doanh nghiệp này xin nâng cấp công trình Trung tâm tổ chức sự kiện Huế xưa - Huế nay thành công trình dịch vụ ẩm thực cao cấp, từ đó những khối bê tông dần hình thành trên cồn đất nổi trên sông Hương bên cạnh Đập Đá.

Tầng hầm công trình “dịch vụ ẩm thực cao cấp” trên cồn nổi trên sông Hương cạnh Đập Đá

Chừng hai năm sau khi được cấp phép, công trình “dịch vụ ẩm thực cao cấp” này là một khối bê tông thô ráp cao hai tầng, có cả tầng hầm được xây dựng bằng bê tông cốt thép mọc lên giữa cồn đất nổi trên sông Hương, cũng là nơi lãnh đạo phường sở tại hằng ngày qua lại. Mãi cho đến khi công luận lên tiếng, Thanh tra Sở Xây dưng tỉnh vào cuộc, những sai phạm tại công trình này mới vỡ ra!

Trả giá đắt

Theo giấy phép được cơ quan chức năng cấp phép cho chủ đầu tư công trình nói trên thì “công trình phải thiết kế theo hướng sử dụng giải pháp kiến trúc tường kính chủ đạo, tổ chức trồng cây xanh đan xen vào công trình nhằm tạo điểm nhấn kiến trúc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên khu vực”.

Chiếc cầu sắt bắc qua cồn đât nổi trên sông Hương để làm công trình dịch vụ đang gỉ sét

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công, chủ đầu tư Công ty TNHH Du lịch và Sự kiện Ngôi Sao Nhỏ đã tự tiện xây dựng thêm tầng hầm có diện tích 757m2; mật độ xây dựng tăng 30% lên 36,6% do diện tích xây dựng tầng 1 tăng; hay đổi hình thức kiến trúc (điều chỉnh một số mảng tường ở khối phụ trợ công trình)… Những sai phạm này theo Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, chủ đầu tư đã không chấp hành đúng thiết kế ban đầu được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép; chủ đầu tư thực hiện không đúng phương án kiến trúc công trình được các sở ban ngành, địa phương, các hội nghề nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc - quy hoạch góp ý và đã được Sở Xây dựng thống nhất tại văn bản số 2484/SXD -QHKT ngày 3/11/2017, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công tại văn bản số 2658/SXD-QLXD ngày 28/11/2017, sai với giấy phép xây dựng số 91/GPXD ngày 2/2/2018 của UBND TP. Huế. Cùng với việc xử phạt vi phạm hành chính, thanh tra liên ngành cũng buộc chủ đầu tư: “Công ty nghiêm chỉnh, khẩn trương xử lý những vi phạm đảm bảo đúng theo quy định, thực hiện tháo dỡ các hạng mục công trình đã xây dựng có sai khác so với hồ sơ bản vẽ đã được thẩm định và cấp phép xây dựng, tuân thủ xây dựng theo hồ sơ bản vẽ đã được cấp phép xây dựng”.

Dang dở một công trình ở một thắng cảnh thi vị trên sông Hương
Công trình bê tông cốt thép 2 tầng và tầng hầm xây dựng trên cồn nổi trên sông Hương cạnh Đập Đá không được chấn chỉnh kịp thời nay vừa lãng phí đầu tư của doanh nghiệp, vừa ảnh hưởng cảnh quan sông Hương

Tiếp đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu Công ty TNHH Du lịch và sự kiện Ngôi Sao Nhỏ tuân thủ các quy định điều chỉnh thiết kế công trình xây dựng. Trong đó về nguyên tắc, cơ bản giữ nguyên thiết kế ban đầu, thống nhất thay đổi vật liệu sàn mái để lắp dựng hệ thống năng lượng mặt trời, duy trì tầng hầm, không làm tum thang trên sàn mái. Đối với mảng tường phải tuân thủ thiết kế ban đầu, xử lý kè đảm bảo mỹ quan đảm bảo tiêu chí xanh; hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh thiết kế trình Sở Xây dựng thẩm định và thực hiện các thủ tục tiếp theo đúng quy định”.

Chỉ đạo là thế nhưng đến nay công trình “dịch vụ ẩm thực cao cấp” này hầu như không “động tĩnh” gì và có dấu hiệu bị bỏ hoang hóa. Cả cồn đất nổi trơ ra một khối bê tông dở dang. Rõ ràng chủ đầu tư đã rất tốn kém và thiệt hại nhiều nếu công trình không được tiếp tục triển khai, còn nếu triển khai thì hẳn sẽ phải phá bỏ rất nhiều hạng mục và cũng gây nhiều tốn kém.

Đây là sự trả giá đắt cho việc bất chấp từ phía chủ đầu tư khi không tuân thủ những phương án kiến trúc đã được cấp phép, còn cơ quan chức trách, một khi buông lỏng quản lý đã “góp phần” hình thành nên một công trình được đánh giá là “thô kệch” làm phá vỡ cảnh quan đôi bờ sông Hương vốn đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch năm 2014 trong Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top