Theo quy định đã có từ rất lâu, hầu hết các cơ quan Nhà nước và các đơn vị tư nhân, ngoại trừ các lĩnh vực đặc thù như y tế, dịch vụ,... đều làm việc từ 8 - 17h hàng ngày, bao gồm giờ nghỉ trưa.
Khung giờ làm việc này có thể bắt đầu và kết thúc sớm hoặc muộn hơn tùy vào tính chất công việc cụ thể của từng đơn vị nhưng về cơ bản thì đây là 8h “vàng ngọc” góp phần quan trọng tạo ra của cải vật chất cho toàn xã hội.
Tuy nhiên, sự phát triển không ngừng của đời sống xã hội đòi hỏi những người làm trong các ngành dịch vụ, kể cả thuộc lĩnh vực tư nhân hay Nhà nước đều phải năng động hơn, linh hoạt hơn, sáng tạo hơn để đáp ứng được những yêu cầu cao hơn của cuộc sống.
Ấy vậy mà, chưa bàn đến việc năng động hay sáng tạo, giúp tăng hiệu quả công việc, giảm chi phí thực hiện mà chỉ riêng chuyện giờ làm việc đã thấy nhiều cơ quan Nhà nước còn cứng nhắc, chỉ loay hoay xoay xở trong “boong-ke” 8 giờ vàng ngọc đã được quy định.
Bởi vậy nên mới có cảnh người dân các thành phố lớn méo mặt "chôn chân" cả tiếng đồng hồ ngoài đường khi công nhân môi trường đô thị đi tỉa, chặt cây giữa giờ cao điểm, thu gom rác lên xe tải giữa giờ cao điểm, chạy xe bồn lững thững tưới cây 2 bên đường giữa giờ cao điểm,… Công nhân làm đường cũng chọn giờ cao điểm để thi công đường xá, xẻ đường đặt ống,… Công nhân điện lực kéo dây mới hạ dây cũ,… cũng giữa giờ cao điểm.
Hình ảnh hàng nghìn xe lớn nhỏ nối đuôi nhau nhích từng cm trên những con đường huyết mạch thành phố đang bị thắt nút cổ chai vì chặt cây, đổ rác,… cứ diễn ra đều đặn và kéo theo nhiều hệ lụy, “góp phần” không nhỏ và khoản thiệt hại 30.000 – 40.000 tỷ đồng mỗi năm vì tắc đường tại Việt Nam.
Rõ ràng, các đơn vị dịch vụ công này có thể lựa chọn nhiều khung giờ thấp điểm khác để thực hiện các công việc có ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực, giảm nguy cơ tai nạn, đồng thời giúp công việc của họ dễ dàng thực hiện hơn.
Thực tế cũng cho thấy việc linh hoạt giờ làm việc sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người thực hiện nói riêng và xã hội nói chung. Đơn cử như việc mở cửa các cơ quan tiếp dân vào ngày thứ 7, tổ chức khám chữa bệnh công tại các bệnh viện ngoài giờ hành chính, quét dọn rác vào buổi đêm,… vừa giúp giảm tải trong giờ hành chính, giờ cao điểm, vừa giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ.
Vậy nên, nếu những người quản lý còn giữ tư duy hành chính và tổ chức các công việc liên quan đến cộng đồng vào giờ cao điểm như hiện nay thì không chỉ riêng đường phố mà còn nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác sẽ tiếp tục bị "thắt nút cổ chai" như thế.