Chính sách phát triển nhà ở cho công nhân đã được quan tâm, phát triển. Nhưng để chính sách đi vào thực tiễn, cần có giải pháp hỗ trợ phù hợp, thiết thực. Bao giờ công nhân cảm thấy an vui trong ngôi nhà nhỏ của chính mình, thì khi ấy vòng luẩn quẩn đi, ở mới chấm dứt.
Các khu nhà ở công nhân mới chỉ đáp ứng nhu cầu ngủ, nghỉ
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có 3,78 triệu công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và khoảng 1,8 triệu người trong số đó có nhu cầu về nhà ở.
Tuy nhiên, các dự án phát triển nhà ở xã hội trên toàn quốc cho công nhân mới chỉ đáp ứng gần 30% nhu cầu, với 126 dự án, khoảng 62.700 căn hộ, tổng diện tích là 3.135.000m2 đã hoàn tất đầu tư xây dựng. Có 127 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8.045.000m2.
Tại Tọa đàm “Đảm bảo chỗ ở cho công nhân - Từ thực tiễn đến chính sách”, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Xuân Khánh đề cập đến thực tế tại Hà Nội, có gần 170.000 công nhân đang sinh sống và làm việc, nhưng chỉ 13%, tương đương hơn 22.000 chỗ ở được đáp ứng.
Không chỉ thiếu chỗ ở, nhiều khu nhà giá rẻ công nhân đã mua hay thuê trọ vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu sinh hoạt an toàn, tiện nghi. Công nhân nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất đang phải thuê nhà trọ tạm bợ của người dân khu vực lân cận, với diện tích phòng ở chật hẹp, thiếu không gian vui chơi, giải trí, trường học, bệnh viện…
Đơn cử, trong lần khảo sát mới nhất ngày 6/8 của Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), cùng đại diện Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh và Tạp chí Kinh tế Đô thị tại Khu nhà ở thuộc Dự án thí điểm nhà ở cho công nhân thuê tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, cho thấy thực trạng nhiều hộ gia đình công nhân phải chịu cảnh sinh hoạt khổ sở vì một số tòa nhà đã xuống cấp, thiết bị hư hỏng nhiều nhưng không được sửa chữa kịp thời, trong đó, hệ thống thang máy đang thường xuyên trục trặc, khiến việc đi lại của cư dân hết sức khó khăn.
Thừa nhận thực trạng này, ông Bùi Dũng, Trưởng phòng Quản lý nhà ở xã hội - tái định cư (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) cho biết, Khu nhà ở công nhân Kim Chung (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) là một trong những khu nhà ở thí điểm đầu tiên được xây dựng cho công nhân thuê với nguồn kinh phí của thành phố.
Khu nhà ở này được xây dựng trên diện tích đất 20ha, gồm 28 tòa nhà, phục vụ hơn 11.500 chỗ ở, có phòng tập thể cho cá nhân và căn hộ khép kín cho gia đình với giá thuê phù hợp. Song, các thiết kế này mới chỉ đáp ứng được chỗ ngủ, nghỉ chứ chưa đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày như nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, hạ tầng xã hội…
Không chỉ Hà Nội, với 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đã đi vào hoạt động (theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM), số lượng công nhân làm việc tại đây lên đến hàng trăm ngàn người. Nhưng nhiều lao động nhập cư phải cư trú trong những khu nhà trọ do người dân tự xây dựng. Trong đó, vẫn có những nhà trọ chưa bảo đảm an ninh, trật tự, các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy hay vệ sinh môi trường.
TS. Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực 2 cho biết, việc xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu, cụm công nghiệp đang thiếu đồng bộ với việc xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội như nhà trẻ, trường học, trạm y tế, chợ, nhà văn hóa… Việc đầu tư, quản lý, sử dụng nhà ở công nhân còn gặp khó khăn, mức đầu tư lớn nhưng khả năng thu hồi vốn chậm, việc quản lý có nhiều phức tạp, dẫn đến các doanh nghiệp sử dụng lao động không chú trọng việc này.
Với hai vướng mắc lớn nhất là quỹ đất và nguồn vốn, cộng với tình hình kinh tế khó khăn đã khiến việc đăng ký xây dựng nhà ở công nhân những năm gần đây giảm sút rõ rệt.
Bên cạnh đó, để người nhập cư được sở hữu một căn hộ của riêng mình là hết sức khó khăn. Trong khi đó, việc tăng lương cho người lao động thuộc khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng không dễ dàng, dù chủ doanh nghiệp rất muốn, nhưng còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Vì vậy, ngoài giải pháp xây nhà giá rẻ tiện nghi để công nhân mua, cần có những phương án thiết thực khác nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ.
Cách chăm lo tốt nhất cho người lao động vẫn là bằng những chính sách xã hội
Thực tế cho thấy, số lượng công nhân chỉ có nhu cầu thuê nhà thay vì mua nhà ngày càng cao. Như PGS. TS. Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP. Hà Nội chia sẻ tại Tọa đàm: “Bây giờ rất nhiều công nhân làm việc có thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng, nuôi 2 con ở Hà Nội. Làm sao đủ sống? Nhiều công nhân không có ý định bám trụ lại khu công nghiệp lâu dài, họ có mua nhà không?”.
Để giải quyết cần sự vào cuộc của toàn xã hội, xem xét tình hình thực tế ở từng địa phương để đưa ra những phương án phù hợp cho người lao động. Đặc biệt, nên có quỹ xây dựng nhà cho công nhân thuê và những chính sách hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp.
“Nếu không giải quyết câu chuyện nhà ở cho công nhân, họ không thể yên tâm sản xuất, ngoài ra còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như giáo dục, an ninh trật tự… Tôi cho rằng vấn đề nhà ở cho công nhân rất cấp bách, nhưng cần đưa ra chính sách sao cho phù hợp với túi tiền của họ. Đồng thời có chính sách hợp lý thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng tham gia… Cần phân rõ vai, Nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm gì và công nhân lao động làm gì?”, PGS. TS. Bùi Thị An nêu.
Cùng quan điểm, ông Bùi Dũng cho biết, Nhà nước nên có quy định cụ thể về loại hình cho thuê với công nhân lao động bởi đa phần công nhân di cư thường gắn bó thời gian nhất định với doanh nghiệp. Đồng thời, có cơ chế ưu đãi thiết thực hơn, trong bối cảnh các chủ đầu tư chưa mặn mà với loại hình nhà ở xã hội do việc thu hồi vốn chậm, lợi nhuận thấp.
Còn TS. Vũ Trung Kiên nhìn nhận, để giải quyết khó khăn nhà ở cho công nhân ở TP.HCM, trước tiên phải có quỹ đất. Đối với các khu công nghiệp đang hình thành, thành phố cần rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để có quỹ đất giới thiệu cho chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (chủ đầu tư cấp I) tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật của khu nhà ở công nhân.
Về nguồn vốn, nên ưu tiên cho chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân được hưởng các ưu đãi về vốn; UBND thành phố xem xét hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay. Ngoài ra, cần tạo điều kiện hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước).
Đồng thời, tạo điều kiện giúp chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân sớm hoàn chỉnh các thủ tục, điều kiện (đất sạch, có giấy phép xây dựng...) để tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
“Cách chăm lo tốt nhất cho người lao động vẫn là bằng những chính sách xã hội như nhà ở, nơi giữ trẻ, chăm sóc sức khỏe, đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với người nhập cư…”, TS. Vũ Trung Kiên khẳng định./.