Lợi thế "đa tầng" thúc đẩy thị trường bất động sản vùng ven
Tại Hội thảo, ông Lê Đình Chung nhận định, Vùng Thủ đô đang đón nhận cơ hội lớn từ quy hoạch hạ tầng giao thông. Đây chính là đòn bẩy quan trọng đầu tiên thúc đẩy bất động sản các khu vực ven Thủ đô phát triển mạnh.
Trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2025, hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được phân bổ để đầu tư vào hệ thống giao thông liên vùng, giúp kết nối thuận tiện hơn giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đơn cử như dự án Vành đai 3.5 và Vành đai 4, đóng vai trò kết nối liền mạch Hà Nội với các tỉnh lân cận, thiết lập hành lang phát triển kinh tế mới cho khu vực. Bên cạnh đó, hệ thống trục cao tốc liên vùng cũng liên tục được mở rộng và xây mới, như quốc lộ 1A, quốc lộ 5B, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Bắc Giang... tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và phát triển đô thị.
Tại những khu vực hạ tầng giao thông đã hoàn thiện hoặc đang trong quá trình hoàn thiện, giá trị bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng ổn định từ 15 đến 20% chỉ trong vòng 12 tháng. Đặc biệt, trục kết nối Hà Nội - Hưng Yên đang cho thấy tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và tạo làn sóng phát triển bất động sản cao hơn 1,5 lần so với mức tăng trung bình toàn thị trường, trở thành điểm nóng mới thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Lợi thế tiếp theo của Vùng Thủ đô, theo ông Chung, là tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ tại các tỉnh trong vùng. Điều này tạo nền tảng vững chắc cho thị trường bất động sản phát triển bền vững. Tốc độ đô thị hóa tại các tỉnh ven Hà Nội tăng nhanh đáng kể, nhất là từ sau khi xảy ra căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, thúc đẩy làn sóng dịch chuyển sản xuất và mở rộng đầu tư. Một thế hệ khu công nghiệp mới đang được định hình theo hướng công nghệ cao, sản xuất thân thiện môi trường, đạt chuẩn quốc tế và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Đây được xem là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản vùng ven trong trung và dài hạn.
Trong bối cảnh đó, sự phát triển của các khu công nghiệp mới kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở và hạ tầng đô thị phục vụ lực lượng lao động, hình thành hệ sinh thái dịch vụ phụ trợ hoàn chỉnh. Các dịch vụ như trung tâm thương mại, ngân hàng, y tế, giáo dục phát triển song hành với khu công nghiệp, tạo nên chuỗi giá trị bất động sản tích hợp, đáp ứng toàn diện nhu cầu sống và làm việc của người lao động.
Thị trường ghi nhận sự xuất hiện của nhiều dự án đô thị quy mô lớn tại các khu vực vùng ven Hà Nội và các địa phương giáp ranh, phản ánh xu hướng mở rộng không gian đô thị ra ngoài trung tâm. Có thể kể đến như các dự án đại đô thị tại phía Đông Hà Nội và Hưng Yên của Vingroup, Eurowindow Twin Parks của Eurowindow Holding (Gia Lâm)... Tại các tỉnh phát triển mạnh công nghiệp trong vùng, những dự án đô thị mới cũng được đẩy mạnh triển khai như Khu đô thị Việt Hưng (Thanh Miện, Hải Dương); dự án Danko Riverside (TP. Bắc Giang)...
Đây là những động thái cho thấy quá trình hình thành các cực phát triển mới, đáp ứng nhu cầu giãn dân và mở rộng không gian sinh sống, sản xuất trong toàn vùng.

Ảnh minh họa
Tại các thị trường bất động sản mới nổi, lợi thế lớn nhất theo ông Chung chính là quỹ đất rộng lớn và chưa được khai thác triệt để. Đây là yếu tố then chốt thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp bất động sản lớn với những dự án quy mô lớn. Quỹ đất dồi dào này cho phép chủ đầu tư triển khai các dự án đô thị bài bản, đồng bộ, đáp ứng xu hướng sống chất lượng cao với mật độ xây dựng thấp, nhiều không gian xanh và hệ thống tiện ích công cộng.
Cuối cùng, một lợi thế quan trọng không thể bỏ qua là mặt bằng giá đất tại các khu vực mới nổi hiện vẫn rất cạnh tranh, thấp hơn từ 3 đến 5 lần so với Hà Nội, tùy thuộc vào vị trí và tiềm năng phát triển. Điều này tạo ra "cơ hội kép" cho cả nhà đầu tư và người mua: vừa giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí phát triển dự án, vừa mở rộng khả năng tiếp cận nhà ở cho đông đảo người dân.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nhiều tỉnh thành cũng tích cực đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tiếp cận hạ tầng và đơn giản hóa thủ tục pháp lý nhằm thu hút dòng vốn đầu tư. Môi trường đầu tư cởi mở góp phần rút ngắn thời gian triển khai dự án và nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất tại các thị trường mới nổi.
Với các lợi thế trên, thị trường bất động sản Vùng Thủ đô đang dần hình thành "vành đai phát triển mới", trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư trong giai đoạn tới.
Cần tập trung vào giá trị thực của bất động sản, ưu tiên các sản phẩm có pháp lý minh bạch
Bên cạnh các lợi thế lớn, ông Lê Đình Chung cũng đưa ra những lưu ý quan trọng đối với các nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường bất động sản Vùng Thủ đô giai đoạn tới.
Theo Tổng giám đốc SGO Homes, thị trường bất động sản Vùng Thủ đô hiện đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, khu vực kinh tế trọng điểm Bắc - Nam đang nổi lên như một trong những trục phát triển quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, với ba trung tâm công nghiệp lớn là Bắc Ninh, Thái Nguyên và Bắc Giang. Sự phát triển đồng đều của ba địa phương này đang góp phần hình thành trục kinh tế chiến lược, thúc đẩy tăng trưởng toàn vùng và tạo lực đẩy lớn cho thị trường bất động sản, nhất là phân khúc khu công nghiệp, nhà ở công nhân và đô thị vệ tinh.
Song song với đó, trục kinh tế Đông – Tây cũng đóng vai trò là hành lang phát triển năng động, kết nối ba khu vực chiến lược tại miền Bắc. Trong đó, Hưng Yên đang vươn lên như một thủ phủ công nghiệp mới, tập trung vào các ngành mũi nhọn như điện tử, công nghệ cao và chế biến nông sản. Hải Dương và Hải Phòng, với vai trò trung tâm logistics và công nghiệp phụ trợ, đang tạo thành một mạng lưới hỗ trợ sản xuất - thương mại liên vùng, từ đó mở ra không gian phát triển bất động sản tích hợp với hạ tầng sản xuất.
Dự báo trong giai đoạn mới, thị trường bất động sản tại các tỉnh sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi, với phân khúc nhà ở thực dẫn dắt thị trường nhờ vào nhu cầu về các sản phẩm có vị trí thuận tiện và pháp lý rõ ràng. Các tỉnh Vùng Thủ đô sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt nhờ vào sự phát triển hạ tầng và xu hướng giãn dân từ Thủ đô.
"Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư cần tập trung vào giá trị thực của bất động sản, ưu tiên các sản phẩm có pháp lý minh bạch để tránh rủi ro. Cần phân bổ vốn hợp lý và xem xét các thị trường tỉnh vệ tinh có tiềm năng phát triển. Đầu tư dài hạn thay vì đầu cơ ngắn hạn sẽ là chiến lược hiệu quả để tối đa hóa lợi nhuận bền vững. Nhà đầu tư cũng nên tham khảo ý kiến chuyên gia uy tín trước khi đưa ra quyết định", chuyên gia nhấn mạnh.
Ông Chung lưu ý thêm, dù thị trường Hà Nội có thể tiếp tục đi ngang và các phân khúc căn hộ nội đô không còn nhiều sức hút do giá liên tục tăng cao, các tỉnh vùng ven Thủ đô sẽ chứng kiến sự phục hồi rõ nét trong quý I/2025, tuy nhiên vẫn mang tính cục bộ tùy theo thời điểm và từng địa bàn. Dự kiến sau tháng 6/2025, thị trường các tỉnh sẽ phục hồi mạnh mẽ sau 2 năm trầm lắng. Hưng Yên, với sự tham gia mạnh mẽ của các tập đoàn lớn như Vinhomes, Ecopark và Hòa Phát cùng với quy hoạch mở rộng khu công nghiệp lên tới 9.200ha, sẽ tiếp tục là điểm nóng thu hút sự quan tâm từ giới đầu tư./.