Aa

Vì sao người tiêu dùng châu Á e dè với năng lượng mặt trời?

Thứ Hai, 15/03/2021 - 07:41

Trang Eco-Bussiness đã có buổi phỏng vấn với hàng loạt chủ doanh nghiệp về năng lượng xanh để khảo sát lý do vì sao hành vi tiêu dùng năng lượng sạch của người châu Á đang rất thấp, thậm chí tụt hậu so với châu Âu.

Người tiêu dùng châu Á vẫn còn e ngại năng lượng xanh

Điện năng lượng xanh (năng lượng mặt trời) có ít tác động tiêu cực đến môi trường so với bất kỳ nguồn năng lượng nào khác. Nó không tạo ra khí nhà kính, không gây ô nhiễm nước, không có tác động đến môi trường sống xung quanh. Việc lắp đặt điện năng lượng xanh sẽ giúp làm mát ngôi nhà của bạn, giảm tác động của thiên nhiên đến hạ tầng của ngôi nhà và đồng thời còn tạo ra nguồn điện phục vụ các hoạt động sinh hoạt, sản xuất.

Do đó, năng lượng xanh đang rất được ưa chuộng trên thế giới, ngay cả ở châu Á, nơi nhiên liệu hóa thạch đóng vai trò thiết yếu trong những câu chuyện về năng lượng của khu vực. Tỷ lệ tiêu thụ năng lượng tái tạo ở châu Á dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vòng một thập kỷ tới.

Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đặt ra là điều gì thuyết phục người tiêu dùng trong khu vực chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời? Thật sự người dân ở châu Á sẽ chỉ hứng thú với năng lượng xanh nếu nó rẻ?

Vì sao người châu Á e dè với năng lượng mặt trời?
Cơ sở hạ tầng lưới điện và giá cả hiện tại đang kìm hãm nhu cầu của người tiêu dùng về năng lượng sạch, nhưng sự thay đổi về thói quen tiêu dùng đang dần diễn ra. Nguồn ảnh: xshot qua shutterstock, CC BY-NC-ND 2.0 

Một cuộc khảo sát người tiêu dùng GlobalData vào năm 2019 cho thấy, 45% người tiêu dùng ở Châu Á Thái Bình Dương thích mua các sản phẩm “tốt hơn cho môi trường”. Người tiêu dùng ở châu Á cũng mong muốn các nhà bán lẻ năng lượng sẽ quan tâm hơn đến cộng đồng.

Martin Lim - Giám đốc điều hành của thị trường bán lẻ điện Electrify.sg (Singapore) cho biết, dù các nhà đầu tư đang rất khao khát lĩnh vực năng lượng sạch ở châu Á, nhưng dường như người tiêu dùng vẫn bỏ lại phía sau. Số liệu tổng kết ở quốc gia này cho thấy, trong số 66.000 hộ dân, chưa đến 1.400 nhà sử dụng các tấm pin mặt trời. Tại sao vậy?

Phần lớn chi phí liên quan tới hệ thống năng lượng mặt trời đến từ việc lắp đặt các tấm pin. Để lắp hệ thống pin mặt trời, cần khoảng 20.000 USD lắp đặt ban đầu. Sau 6 - 10 năm mới hoàn vốn và sau đó thì gia đình mới được dùng điện miễn phí. 

Jeffrey Char, người sáng lập và Giám đốc điều hành của SOGO Energy (Công ty đầu tư năng lượng tái tạo tại Nhật Bản) tin rằng, người tiêu dùng châu Á có xu hướng nhạy cảm về giá. Với những hộ gia đình mang áp lực tài chính thì những mặt hàng không thiết yếu hoặc xa xỉ lại càng dè dặt hơn, ngay cả ở các nước giàu có hơn như Singapore.

Theo một báo cáo mới nhất, người tiêu dùng châu Á thắt chặt hầu bao sau khủng hoảng dịch bệnh cao gấp đôi so với người Mỹ. Do đó, họ e dè hơn đối với năng lượng sạch từ mặt trời.

Ông Karrlo Abril, Giám đốc công ty phát triển năng lượng mặt trời SunAsia Enerrgy Philippines cho rằng, tình trạng kinh tế vẫn là yếu tố lớn nhất để quyết định có nên rút hầu bao hay không, “Tính bền vững và năng lượng sạch là con đường lâu dài nhưng đối với những người kinh tế sống qua ngày, mỗi peso (đồng tiền Phillipines) đều có giá trị. Năng lượng xanh rẻ mới thu hút được họ. Nói chung là, giá cả vẫn là mối quan tâm chính”.

Hơn nữa, năng lượng sạch có thể đắt hơn ở các nước phát triển do hệ thống lưới điện và cơ sở hạ tầng tập trung hỗ trợ các nguồn năng lượng truyền thống hơn. 

“Ở các khu vực khác của châu Á, nhiều người dùng máy phát điện do điện năng vùng đó vô cùng kém. Như vậy là, họ đang sử dụng nhiên liệu hóa thạch theo cách rất không tối ưu, nó kéo theo ô nhiễm môi trường và phải trả phí điện quá đắt. Nếu như lựa chọn đầu tư vào năng lượng sạch thay vì nhiên liệu hóa thạch, chi phí sẽ rất hợp lý”, Jeffrey Char.

San bằng sân chơi 

Để đáp ứng mục tiêu về khí hậu toàn cầu có thể sẽ phụ thuộc vào nhu cầu điện sạch, nhiều đơn vị đã thực hiện một số chính sách giúp người tiêu dùng thay đổi nhận thức.

SOGO cho phép khách hàng tránh hoàn toàn chi phí truyền tải bằng cách lắp đặt điện mặt trời tại địa phương với giá vô cùng cạnh tranh, chỉ 0,086 USD.

Chính phủ Phillipines thì bắt đầu định lượng số lượng thay vì công suất, chuẩn hóa lại giá cả lấy số điện dùng hàng tháng thay vì công suất lắp đặt.

Tuy nhiên, các dự án năng lượng sạch vẫn khó có thể duy trì bền vững về mặt tài chính nếu mức thuế nhập khẩu cao.

Ví dụ đáng chú ý nhất gần đây, chính phủ Nhật Bản đã giảm giá thuế điện sử dụng năng lượng sạch và tập trung đầu tư vào các trang trại năng lượng mặt trời. Mua điện sạch ở quốc gia này chỉ mất khoảng 4 năm để hòa vốn, nhanh gấp đôi so với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Sau khi chính sách thuế được ban hành, các trang trại năng lượng mặt trời ở Fukushima đã thu được lợi nhuận đáng kinh ngạc.

Cuối cùng, người tiêu dùng có nhiều khả năng chuyển sang năng lượng xanh hơn nếu họ nhận thức được lợi ích của nó.

Ông Abril nói: “Nếu chúng ta đưa giáo dục môi trường vào chương trình phổ thông, chúng ta có thể giáo dục cho mọi người về lợi ích của năng lượng sạch”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top