Aa

Vỉa hè hôm nay

Thứ Sáu, 13/09/2019 - 06:30

Không còn vỉa hè, rõ ràng những con phố Hà Nội đã đánh mất đi vẻ đẹp thuần khiết của mình. Tiếc thay...

Nói đến Hà Nội không thể không nói đến vỉa hè. Trong các con phố lớn của Hà Nội, cái vỉa hè thậm chí còn quyết định đẳng cấp của con phố đó. Khu trung tâm đất kinh kỳ không phải những phố cổ dành cho dân kẻ chợ mà là những phố tây theo cách gọi cũ, mới là thời thượng, mới ra phẩm chất Hà Thành. Những phố này như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt... là những phố có vỉa hè đẹp nhất, rộng nhất, thoáng nhất. Người Hà Nội hẳn nhớ và quen thuộc với những vỉa hè thênh thang lát gạch vuông, vân thẳng, nổi và vỉa bằng đá phía tiếp giáp lòng đường.

Những vỉa hè này luôn là thiên đường của con trẻ với vô vàn trò chơi dân gian như khăng, đáo, trận giả... Còn gì kỳ thú bằng tuổi già nhẩn nha đi bộ trên hè mỗi bình minh và hoàng hôn thậm chí là cả buổi đêm. Mà cũng chẳng cứ người già, bất kỳ lứa tuổi nào cũng đều có cách thụ hưởng riêng cho mình. Vỉa hè rộng luôn đồng nghĩa với rất nhiều cây to được trồng. Bóng mát mùa hè. Lá vàng rụng mùa thu và xuân sang là chồi đâm, lộc nảy.

Mùa đông ẩm ướt thì những gốc cây xù xì cũng gợi nét rất riêng cho những khúc vỉa hè thoáng đãng. Những gì tôi vừa kể xin thưa đã trở thành quá vãng từ lâu. Các con phố vừa được điểm vẫn như xưa nghĩa là không thay đổi nhiều về kiến trúc và vỉa hè giữ nguyên nhưng bây giờ nó cũng chen chúc chật chội. Hàng quán dày đặc, hầu như tất cả các nhà mặt phố. Đấy là chưa kể những quán cóc như hàng nước và quà vặt. Lớn nữa là bán đồ ăn, đồ giải khát sáng, trưa, chiều, tối. Những hàng xổ số phố nào cũng có, chiếm phần tiếp giáp với mép đường để tiện lợi việc mua bán. Ít dở nhất cũng là những dãy xe cộ xếp dọc ngang kín mít vỉa hè.

Với các con phố cổ còn tệ hơn nhiều. Phố cổ vốn dĩ đã nhỏ từ nhà đến đường. Tất nhiên vỉa hè chẳng thể nào rộng. Đất chật, người đông đi một nhẽ, đằng này càng phố cổ lại càng buôn bán nhiều hơn. Chỉ một mét ngang cũng đã là một cửa hàng. Buôn bán thì thượng vàng hạ cám. Cái vỉa hè bị nuốt toàn bộ. Khách đến mua bán chỉ còn cách dựng xe dưới lòng đường. Có thể nói một cách thẳng tưng là nhà nhà chiếm vỉa hè, người người chiếm vỉa hè. Chẳng còn một kẽ nào dành cho bất cứ việc gì ngoài buôn bán. 

Quả thật, với mật độ dân số ngày một tăng cao, đời sống hiện đại có quá nhiều phương tiện đi lại, từ xe đạp đến ô tô và mức độ buôn bán giao lưu hàng hóa lớn, thì việc cái vỉa hè biến mất ban ngày là điều không khó hiểu. Chỉ đêm đến, khi mọi người đi ngủ, thì vỉa hè mới thoi thóp sống lại được. Nhìn chung người dân khai thác triệt để vỉa hè để sinh nhai. Ở một số phố lớn, do tình hình giao thông căng thẳng, đôi lúc nhà chức trách cực chẳng đã phải xén bớt vỉa hè cho các cua vòng ở chỗ giao nhau hoặc để lòng đường rộng hơn dành ưu tiên cho giao thông.

Nói thế thành ra bi quan quá, trong thực tế người ta đã tìm mọi cách để vãn hồi trật tự hòng cứu vỉa hè trả lại cho người đi đường. Sáng sáng những chiếc xe cảnh sát của phường lượn ròng ròng trong địa bàn dẹp những vi phạm lấn chiếm. Không ít phố thực hiện cấm xe máy trong ngày đậu đỗ trên vỉa hè. Quy hoạch các điểm giữ xe trên vỉa hè. Cấm bày hàng hóa, các vật dụng thòi ra ngoài. Nhưng rồi cũng đâu vào đấy. Nhu cầu của người dân là cần thiết và thực tế nên việc xử lý rất khó. Thế nên mới có cảnh quán ăn bày la liệt bát đĩa, bếp núc tràn ra tận mép đường chiếm gần hết diện tích vỉa hè. Nhà dân, nhất là khu vực phố cổ, thậm chí nấu nướng tự nhiên ở vỉa hè như bếp của mình. Các gốc cây là nơi treo lồng chim và xích chó. Có đoạn vỉa hè thành bãi chữa xe và rửa xe. Nhiều lắm kể không thể xiết.

May mắn, Hà Nội vẫn còn một vài khoảng vỉa hè đẹp như trên Phố Phan Đình Phùng này.

Và có điều này làm những vấn đề về vỉa hè thêm trầm trọng. Người Hà Nội đã quen với việc vỉa hè bị xáo xới. Những việc thi công trong phạm vi vỉa hè là điều không thể tránh khỏi như thi công đường điện, nước, cáp viễn thông... Cái sự đào bới này làm mất đi nguyên trạng cấu trúc vỉa hè để lại sự nham nhở chắp vá. Bản thân đơn vị quản lý vỉa hè không hiểu vì lý do gì liên tục thay đổi kiểu dáng vật liệu lát. Lúc là gạch nung, khi là xi măng đúc và không thiếu nơi thiếu dịp chơi sang toàn loại đá cao cấp.

 Ở phố cổ bảo tồn như phố Tạ Hiện không còn vỉa hè nữa mà là toàn bộ lòng đường lát đá tự nhiên. Nói thật nhìn nó xam xám một màu gây nóng bức mùa hè, lạnh lẽo mùa đông và mưa thì coi chừng rất trơn trượt. Liên tục dư luận eo xèo vì những dự án lát đá tự nhiên khu vực này, vỉa hè nọ. Mới đây còn có đề xuất táo bạo lát đá mới toàn bộ vỉa hè thành phố. Chưa kể những bất tiện khác, chỉ riêng khoản kinh phí đã là khó thực thi.

 Ấy là chưa kể do thi công, đào bới, tôn tạo vỉa hè ngày một cao lên nhưng đơn vị quản lý không cho làm những đoạn tiếp giáp lên xuống giữa vỉa hè và lòng đường khiến cho người dân để tiện lợi đã tự đổ bê tông lấp hẳn rãnh chảy hoặc làm cống thoát và những bậc lên xuống bằng sắt nom rất mất mỹ quan. Thi thoảng lại có đợt người có trách nhiệm huy động đập phá, dỡ đi các chướng ngại càng thêm phản cảm. Có thể nói vỉa hè hiện nay ở bề mặt luôn trong tình trạng ông chẳng bà chuộc ngay cả trong một khu phố cũng có nhiều kiểu loại và hình dáng vật liệu lát khác nhau.

Thời hiện đại cái vỉa hè luôn là một câu chuyện khá phức tạp và nhức đầu. Khi của khôn người khó thì mỗi tấc vỉa hè cũng là vàng là bạc. Thế nên khái niệm vỉa hè dành cho người đi bộ bây giờ là một điều xa xỉ. Gần như toàn bộ vỉa hè Hà Nội đều ở trong tình trạng bị chiếm lấn và mất kiểm soát. Không còn vỉa hè rõ ràng những con phố Hà Nội đã đánh mất đi vẻ đẹp thuần khiết của mình. Vỉa hè là mặt tiền, là những dấu hiệu nhận biết đẳng cấp cũng như thẩm mỹ từng ngôi nhà, con phố. Tiếc thay...


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top